Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:13 (GMT +7)
Cẩm Đông, vùng đất lưu dấu ấn lịch sử về giải phóng khu mỏ
Chủ nhật, 24/04/2022 | 14:33:33 [GMT +7] A A
Phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều di tích một thời về tinh thần đấu tranh bất khuất của thợ mỏ Cẩm Phả, như Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, nơi ra đời tờ báo “Than” - tờ báo cách mạng đầu tiên của khu mỏ, núi Cốt Mìn ngày 1/5/1930 cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh núi.
Dãy phố đường Trần Hưng Đạo (phường Cẩm Đông), nơi đã chứng kiến Cuộc tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, nay đã là khu phố sầm uất. Gần đó là phố Quang Trung có ngôi nhà số 22, nơi ra đời tờ báo “Than” năm 1928. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của khu mỏ, do Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội khu vực Cẩm Phả - Cửa Ông in ấn và phát hành. Tờ báo có nhiệm vụ vạch trần thủ đoạn đàn áp, bóc lột của bọn chủ mỏ, nêu lên nỗi khổ cực hàng ngày của người công nhân mỏ, kêu gọi họ vùng dậy đấu tranh.
Tờ báo “Than” đã trở thành người bạn tin cậy của đội ngũ công nhân, là vũ khí sắc bén đấu tranh chống kẻ thù. Báo “Than” là tiền thân của báo chí cách mạng Vùng mỏ, là đầu mối quan trọng trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Báo “Than” tuy chỉ tồn tại được một thời gian ngắn, nhưng nó là vũ khí sắc bén tuyên truyền cách mạng. Cũng từ đó mà các phong trào đấu tranh của công nhân mỏ đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tạo nên sức mạnh đoàn kết, chiến thắng ngày 12/11/1936.
Nổi bật trong các di tích ở Cẩm Đông có Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục. Theo lời kể của các cán bộ lão thành cách mạng, nhiều người nay đã khuất núi, thì sau thất bại của thực dân Pháp ngày 12/11, chúng bắt đầu cài cắm bọn chỉ điểm vào hàng ngũ ta. Từ đó nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị tra tấn, đánh đập dã man. Không khuất phục được ý chí của các chiến sĩ cách mạng, thời điểm cuối năm 1948 đầu năm 1949, thực dân Pháp đã hèn hạ thủ tiêu họ bằng cách dùng dây thép xâu tay, nhét họ vào bao tải buộc đá hộc rồi dìm xuống biển khu vực Vũng Đục.
Để tưởng nhớ đến chiến công oanh liệt của những người con đất mỏ đã hy sinh, Cẩm Phả xây dựng Tượng đài Vũng Đục, công trình được khánh thành ngày 3/2/1993. Năm 2010, Công ty TNHH Đức Ngọc đã tiến hành xây dựng Đền thờ Liệt sĩ Vũng Đục ngay dưới chân tượng đài và được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống công nhân mỏ 12/11/2011.
Cẩm Đông còn có núi Cốt Mìn ở khu phố Đông Tiến. Theo những người cao tuổi sống gần đây, núi Cốt Mìn trước đây là kho mìn của thực dân Pháp phục vụ cho việc khai thác mỏ. Chúng ta đã cài được người vào làm lính gác kho ở đó, vì thế đã lấy được khá nhiều mìn trong hang dùng làm vũ khí đánh địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 1/5/1930, thực hiện chủ trương của Đảng kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, lá cờ đỏ búa liềm đã được các chiến sĩ cách mạng treo tung bay trên đỉnh núi Cốt Mìn, trong niềm vui của người dân và tạo khí thế đấu tranh của công nhân khu mỏ.
Ngày nay, phường Cẩm Đông vẫn luôn là phường mạnh của TP Cẩm Phả. Năm 2022, phường đặt ra mục tiêu thu ngân sách nhà nước tăng 10% trở lên so với dự toán thành phố giao đầu năm, phấn đấu dành 30% trở lên trong tổng số chi ngân sách địa phương cho đầu tư xây dựng cơ bản, phấn đấu không để phát sinh hộ nghèo. Nhằm phát huy truyền thống cha ông và bảo tồn các di tích, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cha ông và thúc đẩy du lịch, phường đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa tôn tạo, tu bổ bảo vệ các di tích, từng bước hoàn thiện các hồ sơ để xếp hạng di tích.
Phường đã phối hợp với các đơn vị thi công, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chỉnh trang đường Vũng Đục và đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Đây là tuyến đường quan trọng nhằm gắn kết tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với trung tâm thành phố. Từ đó còn tạo thuận lợi hơn cho du khách khi tìm đến Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, gồm đền thờ Vũng Đục, Đài tưởng niệm và quần thể hang động, là một trong 5 điểm du lịch được công nhận của TP Cẩm Phả.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()