Tất cả chuyên mục

Hiện nay, môi trường nước vùng Cẩm Phả hiện đang phải chịu nhiều áp lực từ các hoạt động nhân sinh như hoạt động sinh hoạt của người dân, các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động khai thác khoáng sản (chủ yếu là khai thác than), các hoạt động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản...
![]() |
Hệ thống thoát nước dọc tuyến QL18 chưa hoàn thành nên chưa đấu nối với hệ thống thoát nước trong các khu dân cư dẫn tới tình trạng ngập úng cục bộ trong thời gian gần đây. (Ảnh chụp tại đoạn Km5, thuộc phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả). |
Trong đó, nước thải sinh hoạt là một trong những nguồn quan trọng gây ô nhiễm môi trường nước vùng Cẩm Phả. Theo các số liệu thống kê đến năm 2015, dân số toàn TP Cẩm Phả là 190.015 người, trong đó dân số nội thị là 166.527 người, bằng 95,7% dân số toàn thành phố. Mật độ dân số trung bình là 511 người/km2, riêng khu vực nội thành là 730 người/km2. Ước tính mỗi ngày có khoảng 43.195-53.994m3 nước được tiêu thụ và ít nhất 30.237m3 nước thải được thải ra môi trường thành phố. Hiện nay, nước thải trong khu vực đô thị trên địa bàn thành phố được thu gom qua 21 tuyến sông, suối, mương chính, thu gom toàn bộ nước thải đô thị đổ ra vịnh Bái Tử Long. Phần lớn lượng nước thải này chưa được xử lý hoặc chỉ được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại 3 ngăn.
Ngoài ra nước thải từ một số hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp... chưa có hệ thống thu gom xử lý, do đó nước đổ thải trực tiếp ra sông, suối làm tăng mức độ ô nhiễm đặc biệt là mùa khô. TP Cẩm Phả hiện có khoảng 356 cơ sở tiểu thủ công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư với ngành nghề đa dạng. Tuy nhiên, loại hình cơ sở gây ô nhiễm nhiều nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa ô tô và các cơ sở chăn nuôi lợn. Nước chảy tràn bề mặt của các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa ô tô có chứa hàm lượng dầu mỡ cao chảy trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung. Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn xen lẫn trong khu dân cư, do diện tích mặt bằng chật hẹp nên thường không có công trình xử lý nước thải. Nước thải, bao gồm cả chất thải động vật, có hàm lượng hữu cơ và nitơ cao, được xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi lợn có điều kiện vệ sinh kém còn phát tán mùi ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của nhân dân.
Để giải quyết bài toán khó về nước thải đô thị của thành phố hiện nay, rất cần một nguồn lực đầu tư lớn để xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt. Chính vì vậy, tỉnh cũng đã đưa Dự án xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP Cẩm Phả vào trong danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh. Dự án được lựa chọn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến vị trí xây dựng 2 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Quang Hanh (Cụm cảng Km6) và phường Cửa Ông (gần khu vực chân cầu Vân Đồn). Đến nay, công tác khảo sát, lập dự án “Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực đô thị TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh” đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình tỉnh phê duyệt trong quý II-2016. Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý được toàn bộ nước thải sinh hoạt đô thị đảm bảo các quy chuẩn hiện hành trước khi thải ra Vịnh Bái Tử Long.
Bên cạnh việc giải bài toán về nước thải đô thị, thành phố cũng đang phải chịu áp lực rất lớn về việc thoát nước bề mặt trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, thời điểm hiện nay, Dự án cải tạo nâng cấp QL18, đoạn Hạ Long - Mông Dương chưa hoàn thành. Việc thi công dọc tuyến kéo dài cũng là một tác nhân cơ bản dẫn tới tình trạng “cứ mưa là ngập” của Cẩm Phả trong thời gian gần đây.
Được biết, để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, TP Cẩm Phả đã cho rà soát lại tất cả hệ thống sông, suối, mương, cống thoát nước trên địa bàn. Theo đó, các “điểm nút” về thoát nước như đoạn suối Km6, suối Ba Toa, suối ông Linh, cống thoát Cẩm Bình, hang Luồn Quang Hanh... đều được thành phố giao trực tiếp cho các phường thực hiện nạo vét, đảm bảo tiêu thoát nước. Thành phố cũng tăng cường GPMB để bàn giao đất sớm trước thời gian để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cải tạo, nâng cấp QL18. Khi dự án hoàn thiện, việc đấu nối từ cống thoát nước trong các khu dân cư với các cửa thu hoàn thành thì mới hạn chế được tối đa tình trạng úng ngập cục bộ như thời gian vừa qua.
Thanh Phong
Ý kiến (0)