Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 08:59 (GMT +7)
Cẩm Phả, nơi tôi sinh ra...
Thứ 3, 28/01/2020 | 14:40:05 [GMT +7] A A
Mỗi vùng đất đều mang những đặc trưng riêng. TP Cẩm Phả nơi tôi sinh ra không náo nhiệt như Hạ Long, không sôi động như Móng Cái..., nhưng có vẻ đẹp riêng của "thành phố mỏ". Thành phố nằm bên Vịnh Bái Tử Long này không phải là nơi duy nhất ở Quảng Ninh có than, nhưng chỉ nơi đây mang đậm dấu ấn của "nhịp sống than, tâm hồn than" của người Vùng mỏ.
Cẩm Phả đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Thắng Nguyễn (CTV) |
Đã có rất nhiều tài liệu nói về ý nghĩa của hai từ Cẩm Phả hay Cẩm Phổ. Phổ là chỉ vùng đất rộng dài; Cẩm là đẹp như gấm vóc. Bấy lâu nay hai tiếng “vùng mỏ” đã gắn bó với mảnh đất này khiến mỗi người đi xa lại da diết nhớ.
Nhớ lắm những buổi thong dong đạp xe qua “đường Hòn Gai”. Nhớ những ngày cùng lũ bạn đạp xe lên mỏ, ngắm trọn thành phố lúc hoàng hôn. Cũng chiếc xe đạp cà tàng đó, cả lũ lôi nhau đạp xe quanh thành phố, từ Quang Hanh đến Cửa Ông. Rồi hân hoan với đồng bạc lẻ được bố mẹ cho từ đồng lương công nhân ít ỏi, cả lũ lại kéo nhau đi chợ Địa Chất, xem phim ở rạp Công Nhân, ăn kem ở Phố Mới... Chiều tối lại quẩn quanh ngồi nghe mấy câu chuyện về ca hai, ca ba, lên tầng cao, xuống lò sâu hay vào xưởng máy của bố, mẹ và mấy bác hàng xóm. Lúc đó chợt nhận ra một Cẩm Phả khác, khác lắm: Dịu dàng, đằm thắm và đầy chất thơ.
Cẩm Phả tôi yêu còn là những con người phóng khoáng, rộng lượng, chân tình. Và ít có nơi nào tâm hồn của những người công nhân đẹp và đáng yêu đến thế. Nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà nhiếp ảnh, ca sĩ nổi tiếng của Cẩm Phả từ đây, như: Võ Huy Tâm, Tô Ngọc Hiến, Phạm Phi Châu… Họ có thể là bất cứ ai, từ cô gái làm đường mỏ, anh công nhân vận hành bơm moong hay anh công nhân lái máy xúc...
Khu vực “ruộng rau” ở Cẩm Bình nay đã được thay thế bởi dự án Vincom shophouse Cẩm Phả. |
“Mỗi khi tan ca, anh cùng em lại ghi thêm một chiến công”, mảnh đất từng một thời cần lao ấy giờ đây luôn được mỗi người con nhắc đến với lòng tự hào, nơi mà nhịp sống than ăn sâu, thấm đẫm tâm hồn những người đã sinh ra và đến gắn bó trọn đời với mảnh đất này. Mới chục năm trôi qua, tốc độ phát triển của thành phố hôm nay khiến cho mỗi người đi xa khi trở về đều không khỏi ngỡ ngàng. Cẩm Phả với những than đen, tiếng ồn, bụi bẩn giờ đã được thay thế bằng màu xanh phủ khắp, đô thị hiện đại, nhà cao tầng san sát. Ngay cả những khu vực lũ trẻ chúng tôi vẫn thường gọi là “ruộng rau” ở Cẩm Bình, nay đã được thay thế bởi những dãy nhà cao tầng, hàng cây xanh, đô thị sầm uất của dự án Vincom shophouse Cẩm Phả.
Cẩm Phả hôm nay đang hiện hữu cùng những công trình kết cấu hạ tầng mang tính đột phá, như: Đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái Cửa Ông... cùng hàng loạt đô thị đang dần được hình thành. Trong tương lai gần, thành phố mỏ sẽ tiếp tục có thêm nhiều hơn nữa các công trình được triển khai.
Ký ức về những năm tháng anh hùng đấu tranh của 3 vạn thợ mỏ năm nào vẫn luôn nhắc nhở mỗi người dân Cẩm Phả hôm nay phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” để viết tiếp những bản hùng ca trên Vùng than thân yêu. Vì thế, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cẩm Phả luôn nỗ lực đi lên để gặt hái những thành công mới. Nhiều năm liên tục, Cẩm Phả hoàn thành xuất sắc 100% chỉ tiêu nghị quyết thành phố đề ra, liên tiếp là địa phương đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), số thu ngân sách cao thứ 2 của tỉnh.
Rạp Công Nhân đang được sửa chữa, nâng cấp phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân. |
Người Cẩm Phả hôm nay bằng những hành động cụ thể đang đồng lòng chung sức xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp. Ông Phạm Tất Đức, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Đông Sơn (phường Cẩm Sơn), chia sẻ: Mọi nhiệm vụ của địa phương đều có sự tham gia tích cực của nhân dân trên địa bàn. Ví như việc lắp đặt máy tính có kết nối mạng internet, toàn bộ chi phí trang sắm thiết bị, lắp đặt mạng, thuê bao hằng tháng đều do nhân dân phường đóng góp. Người ít, người nhiều, góp công, góp của, hiến đất, dịch tường, cùng xây dựng quê hương.
Ít thành phố nào vẫn còn mang nhiều chứng tích của một thời kỳ đấu tranh anh dũng của công nhân khu mỏ như Cẩm Phả. Trong sự sầm uất, nhộn nhịp, đổi mới, nơi đây vẫn còn những tên phố xưa cũ, chúng tôi vẫn thường gọi, mà không hiểu hết được ý nghĩa. Anh Trương Thành Công, cán bộ Văn phòng Đảng ủy phường Cẩm Tây, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu tên các con phố của Cẩm Phả, chia sẻ: Việc đặt tên đường, tên phố ở Cẩm Phả đã có từ trước năm 1945 (thời Pháp thuộc). Sau khi Khu mỏ được giải phóng năm 1955, những tên phố không phù hợp đã được thay thế. Song mỗi tên gọi của thành phố này đều gắn liền với việc khai thác than tại Vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, quá trình đấu tranh của công nhân mỏ và đời sống thợ mỏ thời thuộc Pháp. Như cầu Ba Toa, theo những người dân sống lâu năm ở đây, thì khu vực này thời thuộc Pháp có một dãy nhà là nơi giết mổ gia súc, nên gọi mượn theo tiếng Pháp là “Abattoir” nghĩa là giết mổ. Chiếc cầu bắc qua dòng khe này cũng mang tên là “Ba Toa” từ đó. Hay như Lán Gianh (phía sau Rạp Công Nhân đi lên phía núi), vào những năm 1936-1938 là khu nhà lán được lợp bằng gianh dành làm nơi ở cho phu mỏ. Khu mỏ được giải phóng thì khu vực này được đổi tên thành khu phố “Hòa Bình” và khu phố “Thống Nhất”.
Cẩm Phả hiện còn giữ lại được một số công trình kiến trúc thời Pháp mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, điêu khắc. Như tòa đại lý hành chính Cẩm Phả (Văn phòng Thị ủy Cẩm Phả cũ) là nhà ở và nơi làm việc của quan đại lý Vavasseur, viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc đó; hay khu tập thể ngõ 2, phố Phan Đình Phùng là bệnh xá của người Pháp tại khu mỏ... Đây cũng là chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của giai cấp công nhân và nhân dân Vùng mỏ anh hùng trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch hang động Vũng Đục. |
Còn nhớ, thời cắp sách đến trường, những lũ trẻ như chúng tôi rong ruổi đạp xe từ Trường Chuyên ban Cẩm Phả (nay là Trường THPT Cẩm Phả) tới Vũng Đục nghịch cát, tắm biển, nô đùa. Đối với người Cẩm Phả, cái tên Vũng Đục ấy thật đặc biệt mà không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Người dân nơi đây kể lại rằng, khu vực này có nhiều vũng sâu, nước đục và xoáy, lại có rất nhiều cá đục ăn theo đàn, người dân vạn chài xưa đã đặt tên là Vũng Đục. Thời điểm cuối năm 1948, đầu năm 1949, thực dân Pháp đã hèn hạ thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng bằng cách dùng dây thép xâu tay, nhét họ vào bao tải buộc đá hộc rồi dìm xuống biển khu vực Vũng Đục. Để tưởng nhớ đến những chiến công oanh liệt của những người con đất mỏ đã hy sinh, Cẩm Phả xây dựng Tượng đài Vũng Đục, Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục ngay dưới chân Tượng đài. Cách Đền thờ Vũng Đục khoảng 400m là Khu du lịch hang động Vũng Đục, là một trong 5 điểm du lịch được TP Cẩm Phả công nhận. Nay khu vực này đã tạo thành quần thể di tích, lưu giữ lịch sự hào hùng của người dân Vùng mỏ.
Trong hành trình vươn lên “Thành phố công nghiệp - Cảng biển văn minh, hiện đại”, người dân Cẩm Phả đã và đang gìn giữ những trang lịch sử hào hùng bằng hành động cụ thể. Trong đó, thành phố đang cải tạo trụ sở Thị ủy Cẩm Phả cũ làm Khu lưu niệm Vùng than Cẩm Phả, mở rộng Quảng trường 12/11, xây dựng phương án bảo tồn các công trình thời Pháp... Từ đó, kết nối tạo thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ, vừa tạo ra một sản phẩm du lịch. Đặc biệt, nhằm giáo dục truyền thống, phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, Cẩm Phả là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai nghị quyết chuyên đề về tăng cường hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lịch sử Đảng bộ địa phương.
Chia tay thành phố mỏ trong lấp lánh những vỉa than, ở đó có những công trình xưa đã được thay thế bằng những công trình khang trang hơn. Nhưng có những thứ mãi sẽ gắn liền với ký ức người dân Vùng mỏ, để khi chúng ta nhìn lại đều tự hào rằng đã từng có một Cẩm Phả như thế.
Cao Quỳnh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()