Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:51 (GMT +7)
Cẩm Phả phát huy hiệu quả các di tích lịch sử
Chủ nhật, 21/08/2022 | 07:49:30 [GMT +7] A A
Nơi ghi dấu đậm nét nhất về một thời hào hùng Cách mạng Tháng Tám ở TP Cẩm Phả là các phường Cẩm Đông và Cẩm Tây. Ngày nay, nhiều di tích vẫn còn lưu giữ và được phát huy tốt giá trị, ý nghĩa.
Nổi bật trong các di tích liên quan đến Cách mạng Tháng Tám ở phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) là Khu Di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục. Theo lời kể của các cán bộ lão thành cách mạng, thì sau cuộc Tổng đình công của thợ mỏ ngày 12/11/1936, bọn mật thám Pháp bắt đầu cài cắm bọn chỉ điểm vào hàng ngũ ta. Từ đó nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt, bị tra tấn đánh đập nhưng chúng vẫn không khuất phục được ý chí cách mạng của họ. Không lay chuyển được ý chí sắt thép của các chiến sĩ cách mạng, thực dân Pháp đã hèn hạ thủ tiêu họ bằng cách dùng dây thép xâu tay, nhét họ vào bao tải buộc đá hộc rồi dìm xuống biển khu vực Vũng Đục.
Để tưởng nhớ đến những liệt sĩ, TX Cẩm Phả đã xây dựng Tượng đài Vũng Đục, công trình được khánh thành ngày 3/2/1993. Năm 2010, đền thờ liệt sĩ Vũng Đục đã được xây dựng ngay dưới chân tượng đài và được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ 12/11/2011. Nơi đây, hàng năm đón nhiều đoàn là các cán bộ, công nhân, học sinh và khách du lịch đến thăm viếng thắp hương để tưởng nhớ đến các liệt sĩ.
Ngày nay, phường Cẩm Đông vẫn luôn là phường đi đầu trong các phong trào của TP Cẩm Phả. Năm 2022, Phường đã phối hợp với các đơn vị thi công, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chỉnh trang đường Vũng Đục và đưa vào sử dụng đầu năm 2022. Đây là tuyến đường quan trọng nhằm gắn kết tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với trung tâm thành phố. Từ đó còn tạo thuận lợi hơn cho du khách khi tìm đến Khu di tích lịch sử và danh thắng Vũng Đục, gồm đền thờ Vũng Đục, Đài tưởng niệm và quần thể hang động là một trong 5 điểm du lịch được công nhận của TP Cẩm Phả.
Phường Cẩm Tây là nơi có nhiều công trình của Pháp hay những địa danh một thời, nay được TP Cẩm Phả và phường Cẩm Tây phát huy một cách hiệu quả hơn.
Một công trình tạo dấu ấn nhất là Quảng trường 12/11, thuộc phường Cẩm Tây. Khu vực Quảng trường 12/11, trước đây có Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả, hoạt động từ thời Pháp thuộc đến cuối những năm 70 của thế kỷ trước thì chuyển đi nơi khác. Theo cuốn “Cửa Ông miền đất hứa” của tác giả Thi Sảnh biên soạn thì nhà máy cơ khí chính là nơi cất giấu và phát hành báo “Than” - Tờ báo cách mạng đầu tiên của khu mỏ, do Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội khu vực Cẩm Phả - Cửa Ông phát hành năm 1928 và được in tại số nhà 22, phố Quang Trung, phường Cẩm Đông ngày nay.
Quảng trường 12/11 ngày nay là điểm vui chơi hàng ngày của đông đảo người dân TP Cẩm Phả. Công trình đã được triển khai mở rộng từ cuối năm 2019 trên diện tích 5,9ha, tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng với điểm nhấn là Tượng đài “Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” cao 15,5m uy nghi tráng lệ bằng đá xanh nguyên khối. Quảng trường là nơi tổ chức những sự kiện chính trị quan trọng, lễ hội văn hóa và các hoạt động vui chơi, giải trí của nhân dân trên địa bàn thành phố Cẩm Phả. Tại đây tối 19/5/2022, TP Cẩm Phả tổ chức khai trương Phố đi bộ - “Phố đêm thợ mỏ” với chủ đề “Cẩm Phả hội tụ văn hóa thợ mỏ, lan tỏa tình người vùng than”.
Còn một công trình nữa ở Cẩm Phả cũng được phát huy một cách hiệu quả đó là Khu lưu niệm vùng than nằm ở phố Lê Lợi, phường Cẩm Tây. Thời kỳ Pháp thuộc, khu vực này là nhà ở và là nơi làm việc của quan Đại lý Vavasseur, là viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ. Chính vì lẽ đó mà người dân Cẩm Phả thời thuộc Pháp quen gọi là "dốc ông Đại”, khi Vùng mỏ được giải phóng (năm 1955) khu nhà này trở thành Văn phòng Thị ủy Cẩm Phả. Công trình này hiện do Trung tâm Hợp tác đào tạo Hồng Cẩm (Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam) quản lý. Đây là nơi giáo dục thực tế cho nhiều thế hệ học sinh nhà trường và một số trường của ngành than về lịch sử truyền thống công nhân mỏ. Các công trình một thời hào hùng ở TP Cẩm Phả là những bằng chứng sống động giáo dục con cháu về một thời đấu tranh của cha ông mình.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()