Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 22:56 (GMT +7)
Cảm xúc Quảng Ninh
Chủ nhật, 29/09/2013 | 08:32:30 [GMT +7] A A
Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh 30-10 (1963-2013). Trong các hoạt động chào mừng sự kiện trọng đại này, không thể không nhắc đến các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật, báo chí và tìm hiểu về quê hương Quảng Ninh (được phát động từ đầu năm 2013 và kết thúc vào 30-8-2013). Theo Ban tổ chức thông báo, chỉ trong 7 tháng nhưng các tác phẩm tham gia dự thi đã lên tới “con số không ngờ”... Riêng Cuộc thi “Tìm hiểu về Quảng Ninh 50 năm xây dựng và phát triển”, Ban tổ chức đã nhận được trên 210.000 bài viết. (Nếu so sánh với dân số của tỉnh, bình quân cứ 5-6 người dân Quảng Ninh thì có một tác phẩm tham gia cuộc thi...). Chưa nói đến chất lượng tác phẩm vội, mà chỉ với số lượng thôi, cũng có thể thấy cuộc thi đã thành công, bởi sự hưởng ứng đông đảo của mọi tầng lớp nhân dân...
Ai cũng biết, Quảng Ninh là “vùng đất mới”; trừ một bộ phận dân gốc, còn lại chiếm tỷ lệ khá lớn là “dân tứ chiếng” đến định cư, đa số cũng chỉ mới vài, ba thế hệ trở lại. Vậy nên không giống nhiều vùng quê khác, tính cố kết truyền thống của quê hương bản quán không phải là nét đặc trưng của người Quảng Ninh. Thế nhưng, nếu để ý sẽ thấy có một điều thú vị là trong mấy chục năm trở lại đây, cụm từ “dân Quảng Ninh” dường như đã và đang được định hình như một cụm từ cố định để chỉ “chất Quảng Ninh” (kiểu như “chất Nghệ”, “chất Huế” v.v.)…
Nói điều này để thấy, với nhiều người, dẫu không phải là quê gốc Quảng Ninh, nhưng vùng đất này đã có sự gắn kết máu thịt, trở thành “niềm tự hào quê hương”… Và “niềm tự hào quê hương” ấy, về một góc độ nào đó, đã thể hiện một cách rõ nét qua sự nhiệt tình hưởng ứng sôi nổi của người dân với các cuộc thi viết về quê hương Quảng Ninh nhân sự kiện 50 năm Ngày thành lập tỉnh này. Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Vũ Ngọc Giao, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, cho biết: Nhiều bài thi làm rất công phu, có bài dự thi như một công trình nghiên cứu dày tới bốn, năm trăm trang; thậm chí có bài dự thi còn kèm theo hàng ngàn chữ ký và phát biểu cảm nghĩ qua cuộc thi v.v.. Rõ ràng, nếu không có tình cảm gắn bó, tự hào về quê hương, chắc chắn không thể có sự quan tâm dành nhiều thời gian, tâm huyết cho bài viết của mình đến thế!
Có thể nói, đây là tín hiệu đáng mừng! Mừng vì người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các sự kiện thời sự chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh. Và hơn thế nữa, mừng vì qua sự kiện này cho thấy Quảng Ninh đã và đang trở thành nguồn cảm hứng, là cảm xúc tươi mới cho “con dân Quảng Ninh”... Hay nói cách khác, Quảng Ninh dẫu không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn” của nhiều người, nhưng giờ đây vùng đất này đã là quê hương đích thực của họ. Mới chỉ 50 năm kể từ ngày thành lập tỉnh, mà Quảng Ninh đã tạo dựng được điều đó là một dấu ấn đáng ghi nhận. Và từ dấu ấn này, hoàn toàn có thể tin rằng trong tương lai, cái “chất Quảng Ninh” sẽ ngày một định hình với những nét đẹp mang tính đặc trưng của một vùng quê văn hoá... Và đấy là điều mà tỉnh và các ngành, nhất là ngành văn hoá, rất cần lưu tâm để khích lệ, vun đắp, tạo ra bản sắc truyền thống cho Quảng Ninh, cho quê hương mình...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()