Thông tin được bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM chia sẻ tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên của bệnh viện mới đây.
Theo bác sĩ Hớn, cốt tủy viêm là tình trạng viêm của tủy xương, có xu hướng tiến triển đến vỏ xương và mô quanh xương. Trong lĩnh vực tai mũi họng, bệnh có 3 dạng gồm cốt tủy viêm xương hàm trên, cốt tủy viêm sàn sọ, viêm xoang nấm xâm lấn. Với cốt tủy viêm xương hàm trên, trước đại dịch Covid chỉ ghi nhận một số báo cáo ca đơn lẻ, thế giới công nhận đây là tình trạng rất hiếm gặp.
Sau đại dịch Covid-19, tần suất cốt tủy viêm tăng nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, tiểu đường không điều trị. Nhiều ca cốt tủy viêm hậu Covid cũng đã được ghi nhận tại nước ta, trong đó nhiều trường hợp tử vong, từng khiến các bác sĩ rất trăn trở bởi đây là vấn đề bệnh lý mới, "rất bất thường, trước đây chưa từng gặp". Hiện nguyên nhân của tình trạng này cũng chưa được lý giải chính xác.
Trong số 41 ca bệnh viện tiếp nhận trong 3 năm gần đây, người nhỏ tuổi nhất là 41 và lớn nhất là 82, đa số bệnh nhân trên 50 tuổi. 34 người có bệnh nền đái tháo đường và hơn một nửa từng mắc Covid, nữ gấp rưỡi nam.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp là nhức đầu, đau mặt, sưng mặt, chảy mũi hôi, giảm thị lực, sụp mi. CT Scan ghi nhận rõ hình ảnh hủy xương nhiều vị trí như hàm trên, gò má, hốc mắt, thái dương, xương bướm... Các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ mô viêm, xương hoại tử, tìm và loại bỏ tác nhân gây bệnh.
Vi khuẩn nuôi cấy được nhiều nhất là Staphylococci (9 ca), kế đến là 5 ca Klebsiela, 4 ca Streptococci... 17 trường hợp không cấy được vi trùng. Kết quả vi nấm ghi nhận 14 trường hợp nấm Aspergillus và 9 ca nhiễm nấm Mucor (nấm đen).
Trước đại dịch, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM chưa ghi nhận nấm Mucor. Bệnh nhiễm trùng nấm này thường có tỷ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề, điều trị tốn kém. Các báo cáo trên thế giới cho thấy bệnh nấm đen gia tăng chủ yếu ở những nước chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19, từng được xem là ác mộng đe dọa y tế Ấn Độ.
Sau quá trình phối hợp giữa các bệnh viện điều trị, 22 người khỏi bệnh, hết các triệu chứng đau nhức, phù nề, sụp mi mắt, trong đó 15 người cải thiện thị lực. 11 trường hợp đang trong giai đoạn theo dõi, mắt còn sưng nề, sụp mi, mù... nhưng đã hết sốt, giảm đau nhức, tiếp tục được sử dụng kháng sinh. 2 trường hợp tái phát sau 6 tháng điều trị kháng nấm, mắt của bệnh nhân sưng và đau nhức trở lại. 6 bệnh nhân tử vong.
Ý kiến ()