Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:44 (GMT +7)
Cần biện pháp mạnh hơn trong xử lý vi phạm về nồng độ cồn
Chủ nhật, 10/07/2022 | 12:15:21 [GMT +7] A A
Tham gia giao thông khi trong người có nồng độ cồn dù với lượng ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến kỹ năng lái xe. Vì vậy, sử dụng rượu, bia là hành vi có nguy cơ cao dẫn đến mất an toàn giao thông.
Việt Nam đã có quy định chặt chẽ về kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất cần biện pháp nghiêm khắc hơn, thậm chí xử lý hình sự với người vi phạm nghiêm trọng.
Theo TS Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông có thể gây ức chế não bộ, giảm phản xạ và thị lực, ước lượng sai về khoảng cách.
Ngoài ra, phần lớn các kỹ năng cơ bản liên quan đến lái xe như tầm nhìn, chuyển hướng, tăng, giảm tốc độ, phanh... đều suy giảm khi nồng độ cồn trong máu tăng lên. Số liệu khảo sát tại một số quốc gia cho thấy, trong các vụ va chạm giao thông, tỷ lệ lái xe có nồng độ cồn chiếm từ 4 đến 69%. Việc thực hiện nghiêm các quy định, trong đó có kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên với người tham gia giao thông có thể giảm 20% các vụ va chạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn.
Việt Nam đã có các quy định về cấm người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nêu rõ, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện uống rượu, bia. Bên cạnh đó, nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng được đưa vào chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe.
Pháp luật cũng quy định về các hình thức xử phạt hành chính với vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe. Theo đó, chỉ cần phát hiện lái xe có nồng độ cồn đều bị xử phạt, thấp nhất là 6-8 triệu đồng với người đi ô tô, 2-3 triệu đồng với người đi xe máy, cao nhất là tương ứng 30-40 triệu đồng với ô tô và 6-8 triệu đồng với xe máy. Ngoài ra, lái xe còn bị tước giấy phép lái xe trong thời gian từ 10 đến 24 tháng tùy mức độ vi phạm.
Với việc cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông đã từng bước được hạn chế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người dân chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của rượu, bia, nhất là nguy cơ gây tai nạn giao thông. Để hoàn thiện hơn nữa quy định của pháp luật về lĩnh vực này, TS Lê Thu Huyền cho rằng, cần đa dạng hóa hình thức xử phạt, ví như trừ điểm giấy phép lái xe, phạt lũy tiến khi tái phạm, lao động công ích, lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe...
Với những vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng cần xem xét xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả nghiêm trọng vì đe dọa đến an toàn tính mạng của người khác. Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát nồng độ cồn với người tham gia giao thông được đánh giá là giải pháp quan trọng hàng đầu để kéo giảm hơn nữa số người chết, bị thương do tai nạn giao thông.
Theo Quân đội nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()