Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:40 (GMT +7)
Xử lý nghiêm các lái xe vi phạm nồng độ cồn
Thứ 4, 08/06/2022 | 08:23:22 [GMT +7] A A
Đêm ngày 2/6 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), khiến 3 người trong cùng một gia đình tử vong tại chỗ. Nguyên nhân vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là do lái xe ô tô có nồng độ cồn trong máu ở mức rất cao (0,604 miligram/lít khí thở), gấp 1,5 lần mức xử lý vi phạm tối đa quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ (mức vi phạm bị xử phạt tối đa hiện hành là trên 0,4 miligram/lít khí thở). Một đoạn video được trích xuất từ camera an ninh cho thấy chiếc xe ô tô gây tai nạn di chuyển với tốc độ rất nhanh trên đường đã đâm văng cả gia đình nạn nhân (vợ, chồng và con) đang đi xe máy...
Từ thực tế các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, có chất ma túy của người điều khiển phương tiện có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ngày 3/6 mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc chấp hành quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn hoặc có chất ma túy.
Theo nội dung công điện, trong 5 tháng đầu năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, số người chết do tai nạn giao thông chỉ giảm 30 người (giảm khoảng 1,07%), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông có hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân là do người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 2/6 tại tỉnh Bắc Giang làm 3 người chết, như đã nói ở trên.
Để thực hiện mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông năm 2022 từ 5-10% so với năm 2021 cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông liên quan đến người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm các quy định về cấm uống rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể vi phạm...
Cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn nói riêng để nâng cao nhận thức của người dân, nghiêm túc thực hiện "Đã uống rượu, bia - không lái xe"...
Thực tế cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua. Bởi khi đã uống rượu, bia sẽ gây ra ảo giác, hạn chế khả năng kiểm soát hành vi dẫn đến không làm chủ được tốc độ, tay lái khi điều khiển phương tiện giao thông. Do vậy rất dễ gây ra tai nạn giao thông cho chính mình và người khác. Và mặc dù các quy định về kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông ngày càng được siết chặt, tăng nặng, nhưng tình hình vi phạm vẫn còn khá phổ biến. Điều này cũng cho thấy việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng còn nhiều hạn chế.
Do đó, để ngăn chặn và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do rượu, bia gây ra trong lĩnh vực giao thông, thiết nghĩ các ngành, cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp mạnh, nghiêm khắc hơn nữa, có tính răn đe cao trong việc xử lý đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Có như vậy mới thực sự mang lại sự an toàn, hạnh phúc cho người dân...
Thanh Tùng
- Thủ tướng chỉ đạo tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn
- Đề xuất vừa bỏ tù, vừa phạt tiền tài xế tái vi phạm nồng độ cồn
- Xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, hàng trăm vụ vi phạm nồng độ cồn
- Phát hiện trên 27.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 2 tháng qua
- Thay đổi phương cách tuần tra quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn
Liên kết website
Ý kiến ()