Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:38 (GMT +7)
Cần chính sách sát thực tế để chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Thứ 7, 20/05/2023 | 11:15:09 [GMT +7] A A
Thực tế nhiều hộ kinh doanh hiện nay không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, giảm thiểu chi phí về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội.
Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII, nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa được Chính phủ ban hành ngày 31/3/2023.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất khung pháp luật đối với các hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để họ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và đưa ra cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh không muốn “lớn” - nghịch lý có lý do
Mở rộng quy mô, nâng tầm vị thế, phát triển thị trường là điều mà bất cứ người kinh doanh nào đều mong muốn và hướng tới. Nhưng ở nước ta hầu hết các hộ kinh doanh đều thích “đứng yên." Nghịch lý này không phải không có lý do.
Hộ kinh doanh đã và đang là một mô hình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho thấy, nước ta có hơn 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh với tổng tài sản hơn 655.000 tỷ đồng đang tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu người.
Hằng năm, khối doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đóng góp tới 31% GDP, lớn hơn cả khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp FDI.
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân đều là thành phần của kinh tế tư nhân nhưng có nhiều điểm khác nhau. Doanh nghiệp tư nhân được thành lập với vốn đầu tư do chủ doanh nghiệp đăng ký, không bị giới hạn về quy mô, vốn và địa điểm kinh doanh. Ngược lại, hộ kinh doanh lại có những giới hạn cụ thể - họ chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, từng bị hạn chế về số lượng nhân công, khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Doanh nghiệp tư nhân buộc phải đăng ký kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải có con dấu trong quản lý được cơ quan công an cấp. Còn với hộ cá thể thì không phải trong mọi trường hợp đều phải đăng ký kinh doanh.
Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vừa lợi nhà, vừa ích nước. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích: Việc “lớn lên” thành doanh nghiệp là điều kiện cần thiết để các hộ kinh doanh gia tăng được doanh thu, lợi nhuận từ việc mở rộng thị trường.
Trong một ngành nghề, các đối tác thường sẽ ưu tiên lựa chọn hợp tác với các doanh nghiệp hơn là với hộ kinh doanh, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, các hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên bắt buộc phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì điều này không phải là bắt buộc mà được khuyến khích.
Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII xác định: “Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp;” đồng thời đề ra mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp."
Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) có nhiều quy định hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm Luật đi vào cuộc sống, số hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp vẫn rất ít. Đại đa số các hộ kinh doanh đều từ chối “lớn lên” dù hội đủ điều kiện và được nhiệt tình khuyến khích.
Các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm tránh nghĩa vụ nộp thuế, không ký hợp đồng với các lao động, giảm thiểu chi phí về an toàn lao động, bảo hiểm xã hội.
Họ thấy giữ nguyên quy mô là an toàn hơn dù sau khi trở doanh nghiệp thì họ nhận được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước về điều kiện vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thuê nhân công.
Nếu thành lập doanh nghiệp thì hộ kinh doanh phải chịu rất nhiều ràng buộc, tốn nhiều thời gian, nhân lực và chi phí, như buộc phải duy trì sổ sách kế toán; phải có bộ máy kế toán, thủ quỹ chuyên nghiệp, không được kiêm nhiệm.
Nghĩa vụ pháp lý mà các doanh nghiệp phải gánh vác sẽ nhiều hơn, chẳng hạn như các loại giấy phép về môi trường, chi phí gián tiếp cũng tăng cao.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra những ưu đãi rất hấp dẫn về mặt lý thuyết: Khi chuyển thành doanh nghiệp thì hộ kinh doanh được tư vấn miễn phí về hồ sơ, thủ tục; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài 3 năm; tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền sử dụng đất có thời hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế những ưu đãi nói trên không hấp dẫn với các hộ kinh doanh. Vốn dĩ họ đang không phải đóng thuế hoặc đóng rất ít nên chính sách miễn, giảm thuế sau khi chuyển đổi không có nhiều ý nghĩa. Họ cũng hầu như không thuê đất của Nhà nước nên chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cũng ít được chú ý.
Chính sách không cần đa mà cần tinh
Để khuyến khích các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, không cần phải đề ra quá nhiều chính sách, quan trọng là sự ưu đãi phải thực chất và hữu dụng.
Thực tế rõ ràng là những “ưu thế” của mô hình hộ kinh doanh không bị mất đi sau khi chuyển đổi, hoặc rốt cuộc cũng sẽ bị san bằng nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Hiện tại, 70% số hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức thuế khoán nên họ giảm được nhiều thời gian và chi phí trong việc thực hiện các thủ tục. Tuy nhiên, vì chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ nên đây là lỗ hổng gây ra tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước, không khuyến khích ý thức tuân thủ pháp luật thuế từ phía hộ kinh doanh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý thuế, cần loại bỏ cơ chế thuế khoán. Các hộ kinh doanh có quy mô lớn phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Điều này sẽ tạo nên bước đột phá trong quản lý thuế nói chung và hạn chế tình trạng các hộ kinh doanh có doanh thu lớn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Một biện pháp khác là áp dụng thuế đối với doanh nghiệp tư nhân ở mức thấp, tương đương mức mà các hộ kinh doanh đang phải nộp.
Theo khảo sát của Economica Vietnam (một tổ chức độc lập chuyên về nghiên cứu kinh tế và phân tích chính sách có trụ sở ở Hà Nội), với một hộ kinh doanh có quy mô 10 lao động, khi chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân thì chi phí tối thiểu lập tức tăng thêm 181,2 triệu đồng nếu các quy định của pháp luật được tuân thủ đầy đủ.
Điều này là không hợp lý vì doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ) có quy mô và bản chất rất gần với hộ kinh doanh và khác xa so với các hình thức doanh nghiệp cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên.
Lẽ ra cần có sự phân biệt và giảm mức chi phí cho doanh nghiệp tư nhân.
Trong thời gian quá độ, nên điều chỉnh các quy định về thuế để các doanh nghiệp tư nhân được sử dụng hình thức khai thuế đơn giản, dễ thực hiện và không khiến cho mức nộp thuế tăng quá cao.
Chính sách khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải đi sát thực tế. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 cần đi vào đời sống hơn nữa.
Ví dụ, cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang các loại hình doanh nghiệp bằng việc cho phép họ được kế thừa những giấy phép đã có khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện...
Cần quy định rõ hơn về thời hạn, chế tài chuyển đổi các hộ kinh doanh sang các hình thức doanh nghiệp khi họ hội đủ điều kiện, hoặc yêu cầu các hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải áp dụng các chế độ, chính sách giống các loại hình doanh nghiệp dù chưa kịp chuyển đổi.
Đồng thời với việc khuyến khích, động viên hộ gia đình chuyển thành doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài đủ mạnh và hợp lý sau thời kỳ quá độ để tránh tình trạng các hộ kinh doanh quy mô lớn né tránh việc chuyển đổi. Nghĩa là chúng ta cần có cả “quyền lực mềm” lẫn “quyền lực cứng” từ phía các cơ quan chức năng.
Nếu việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp không thành công thì điều này sẽ gây khó cho Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()