Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:09 (GMT +7)
"Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ để bảo tồn và phát huy các giá trị của Thương cảng Vân Đồn"
Chủ nhật, 16/10/2022 | 07:49:10 [GMT +7] A A
TS Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học là nhà khảo cổ đã có hàng chục năm gắn bó với những công trình khai quật, nghiên cứu bãi cọc Bạch Đằng ở TX Quảng Yên. Bà cũng dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu Thiên Long Uyển, xã Yên Đức, TX Đông Triều và gần đây là Thương cảng Vân Đồn cũng như nhiều di tích liên quan đến nhà Trần tại Quảng Ninh.
Nhân dịp TS Lê Thị Liên về dự hội thảo khoa học tại Vân Đồn, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với bà.
- Thưa Tiến sĩ, qua các hiện vật mà bà và cộng sự tìm thấy giúp chúng ta nhận định như thế nào về Thương cảng Vân Đồn?
+ Thương cảng Vân Đồn quá nổi tiếng rồi. Tất cả đã được ghi chép trong lịch sử cũng như nhiều tài liệu khác nhau. Vậy chứng cứ của nó là gì? Đó là hiện vật của các cuộc khai quật với rất nhiều loại hình khác nhau đã được phát hiện, mà phổ biến nhất là đồ gốm sứ. Số lượng nhiều nhất là đồ sành, đồ gốm, có men dày, chất lượng tốt, rất là quý.
Thông qua các loại hình hiện vật như vậy giúp chúng ta biết được Thương cảng Vân Đồn như thế nào. Tất nhiên, trong sử sách có ghi các thuyền buôn đến buôn bán rất nhiều. Ở đây cũng có rất nhiều loại hình hiện vật mà không còn giữ lại được đến ngày nay như lâm sản quý hay hải sản. Kết quả khảo sát cho thấy rằng có rất nhiều điểm mà chúng ta có thể coi là bến, kể cả ở ven bờ cũng như là ở các đảo. Những gì còn lại trên bến bãi thì có nhà cửa kho tàng. Bến bãi của Việt Nam, đặc biệt, Vân Đồn là bến cảng trên biển trong khi các cảng khác là cảng sông. Các thuyền buôn nước ngoài đều đi qua Vân Đồn.
Rồi đến các loại hình gốm sứ xuất khẩu. Gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc là phổ biến nhất. Các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước đã nghiên cứu được cùng một loại hình hiện vật, ví dụ như đồ gốm sứ Trung Quốc có mặt ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Indonesia, gốm của các vùng khác kể cả châu Âu. Ở Vân Đồn có những loại gốm gì. Ví dụ như ở Cống Cái, Sơn Hào, Cái Làng, chúng ta đã tìm thấy đồ gốm men trước thời Tống, mộ Hán, đồ trang sức từ đầu Công nguyên đã có.
Cái thứ hai là đồ gốm sứ thời Đường. Khi nhà Lý lập cảng của Đại Việt, đặc biệt là Vân Đồn, các thuyền buôn đã đi qua đấy. Họ đã nhìn thấy sự tấp nập ở đây rồi nên mới lập ra để thu thuế. Gốm từ những lò nổi tiếng như lò Định, lò gốm Long Tuyền, Phúc Kiến, Giang Tây, Hà Bắc thậm chí lò ở vùng Quảng Tây, các lò vùng Nam Trung Quốc đều được quy tụ về đây để trao đổi. Điều đó cho thấy sự giao lưu với rất nhiều vùng, phản ánh sự đa dạng của hàng hóa từ các vùng khác nhau của Trung Quốc đi qua khu vực này. Nó chứng thực rằng, bên cạnh các loại lâm sản, thổ sản địa phương thì gốm sứ Trung Hoa là một mặt hàng được trao đổi ở khu vực này ít nhất là từ thế kỷ 11, tức là thời kỳ nhà Lý.
Ngoài ra, có những đồ ta chỉ đoán định được qua đồ đựng như vò sành, lon sành, hũ tráng men. Họ đã đựng gì trong đó? Qua sự so sánh với hôm nay thì có thể là cá mắm hải sản, tôm hoặc là sá sùng khô, kể cả hương liệu trong hũ nhỏ. Sự có mặt tương đối áp đảo về số lượng của đồ sành ở Thương cảng Vân Đồn đưa chúng ta đến giả thiết rằng việc sử dụng chúng để đựng những loại hàng hóa khác như thực phẩm, chế phẩm từ biển. Có lẽ loại hàng hóa này đã được mua bán thường xuyên ở đây và vẫn phát triển nhất là vào thời Trần và thời Lê Trung Hưng, tương ứng với sự có mặt của đồ sành trên các bến bãi.
- Thưa Tiến sĩ, nghĩa là đồ sành vẫn có mặt nhiều ở ngay cả giai đoạn suy tàn của Thương cảng Vân Đồn?
+ Đồ gốm sứ xuất khẩu Việt Nam rất hiếm hoi hoặc gần như vắng bóng ở đây. Ngay cả gốm men xanh thời Trần rất phổ biến ở nhiều bến bãi khác nhưng cũng hiếm hoi ở Vân Đồn. Chỉ có một số đồ gốm thời Mạc được phát hiện ngẫu nhiên. Trong khi đó, đồ sành lại áp đảo để đựng sản vật địa phương như đã nói ở trên.
Cùng với đó, sự có mặt của các loại tiền cổ trong quá trình khai quật, trong đó nổi trội về số lượng là tiền thời Tống và thời Cảnh Hưng đã phần nào nói lên tình hình sử dụng của các loại tiền ở khu vực này vào những giai đoạn khác nhau. Hầu như cuối thời Lê trở đi, khu vực này không còn sầm uất nữa. Có lẽ, sự bồi lấp của dòng Cống Cái đến Cái Làng đã ảnh hưởng lớn tới việc ra vào của khu vực này. Chỉ có thể ra vào nơi đây bằng các con thuyền nhỏ.
- Tính chất quốc tế của Thương cảng Vân Đồn thể hiện ở những điểm nào thưa Tiến sĩ?
+ Đánh giá của các nhà khoa học tương đối chính xác về tính chất quốc tế của Thương cảng Vân Đồn. Quốc tế vì thứ nhất là nó giao lưu nhiều nơi. Thứ hai là một thương cảng đã phát triển nằm trong mạng lưới con đường hàng hải có vị trí quan trọng, không những làm cho đất nước đó mạnh lên mà còn là tâm điểm của những xung đột. Cho nên rất nhiều cuộc chiến đã xảy ra ở các khu vực này để mà chiếm những vị trí quan trọng. Ở Vân Đồn có trận đánh của Trần Khánh Dư. Đây là một trận đánh cụ thể cho thấy việc chúng ta chặn được sự tràn xuống của quân Nguyên muốn chiếm con đường hàng hải.
Thực tế, quân Nguyên muốn đánh Nhật Bản, Đại Việt, Indonesia, Chăm pa trên con đường đó. Chính trận Vân Đồn đã giúp cho Đại Việt đánh tan tham vọng đó, bảo vệ con đường hàng hải, để nó tiếp tục phát triển từ thế kỷ 13,14 rồi đến thế kỷ 15,16. Sự tập trung rất cao của các di vật thời Trần cùng với các truyền thuyết, lễ hội dân gian, các công trình đến miếu ở khu vực Quan Lạn chứng tỏ nơi đây là khu vực có liên quan đến trận đánh Vân Đồn của Trần Khánh Dư, có thể là nơi tập trung hoặc luyện quân.
Lúc đó, đất nước chúng ta đã phát triển rất mạnh việc buôn bán và các nghề truyền thống nhờ học tập được những kỹ thuật từ bên ngoài. Ví dụ như kỹ thuật làm đồ gốm sứ nên chúng ta đã xuất khẩu được rất mạnh vào thế kỷ 14 và 15. Có thể, cư dân ở đây đã tiếp nhận các loại hình gốm men và sứ được sản xuất ở nhiều vùng của Trung Quốc thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, ít nhất là từ thế kỷ thứ 10 trở đi.
- Thưa Tiến sĩ, như bà vừa phân tích thì những gì chúng ta biết được về Thương cảng Vân Đồn thông qua khảo cổ vẫn chưa đầy đủ và việc này vẫn cần được tiếp tục trong thời gian tới, cụ thể như thế nào, thưa bà?
+ Quá trình khảo cổ, khai quật phát hiện nhiều di vật, hiện vật, dấu tích về sự phát triển của Thương cảng Vân Đồn. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của Thương cảng Vân Đồn trong hệ thống giao thương Việt Nam và quốc tế; quy mô, mối quan hệ của các vùng, cụm cảng đảo trong quần thể di tích. Tuy nhiên, hiện nay các hiện vật, dấu tích dần bị mai một, do đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành để thu thập, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của dấu tích Thương cảng Vân Đồn.
Các kết quả nghiên cứu ở Cống Cái - Sơn Hào và rộng hơn cho thấy sự phát triển về cả cơ sở vật chất, văn hóa, hàng hóa và tổ chức xã hội trên đảo Quan Lạn. Những kết quả này đã cung cấp thêm nhiều tư liệu và hiểu biết mới về khu vực đảo Quan Lạn. Có thể cho rằng, đây là một phần quan trọng của Thương cảng Vân Đồn mà nhà Lý đã tạo lập với cơ sở vật chất và hoạt động thương mại đã có từ trước thời Lý. Nhận định này cần được tiếp tục xác minh qua việc khai quật diện rộng khu vực Cái Làng và khảo sát kỹ hơn, chi tiết hơn khu vực Trà Bản, nhằm xác định vai trò của sông Mang như một yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên một trung tâm thương mại quan trọng nhất của Vân Đồn vào thời Lý và có thể cả trước đó.
- Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()