Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:39 (GMT +7)
Thu hút đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá: Doanh nghiệp chưa mặn mà
Thứ 3, 06/09/2022 | 07:33:25 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có bờ biển dài 250km với hơn 8.000 tàu khai thác thủy sản. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư xây dựng các khu neo đậu, tránh trú bão kết hợp làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Bước đầu các công trình đi vào hoạt động đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo chức năng là nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ (huyện Cô Tô) được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2017. Đây là nơi cập bến hàng trăm tàu cá của ngư dân Quảng Ninh và các tỉnh ven biển trong nước sau mỗi chuyến đi biển dài ngày.
Theo quy hoạch, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ ngoài khu âu tàu cho tàu tránh trú, sẽ có 11ha dành cho các tổ chức, cá nhân triển khai đầu tư xây dựng nhà xưởng, phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây sẽ là nơi cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như xăng, dầu, nước ngọt, kho bãi hàng đông lạnh, lương thực, thực phẩm, vật tư ngư nghiệp. Là nơi tiêu thụ, sơ chế hải sản cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản; đáp ứng nhu cầu bám biển dài ngày của các ngư dân trên ngư trường Bắc vịnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên, sau 7 năm đi vào hoạt động, việc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây vẫn chưa thể thực hiện do không có nhà đầu tư thứ cấp. Các hạng mục của dự án như đường giao thông, nhà quản lý điều hành, hạ tầng điện, nước đã hoàn thành nhưng vẫn bỏ không, gây lãng phí không nhỏ.
Ông Bùi Viết Tuân (thuyền viên tàu QNa92897 TS - tỉnh Quảng Nam) cho biết: Có âu tàu neo đậu thuận tiện, tuy nhiên các dịch vụ hậu cần ở đây hầu như chưa có. Chúng tôi phải lên bờ đi vào trong khu thị trấn cách xa khoảng 7km để tìm mua lương thực, thực phẩm. Còn xăng dầu thì mua thông qua các tàu buôn ở trên biển, chi phí cao hơn so với giá của Nhà nước. Khó khăn nhất là chẳng may tàu bị hỏng hóc, không có dịch vụ sửa chữa, nhiều khi phải lai dắt vào tận huyện Vân Đồn mới sửa được.
Còn tại huyện Hải Hà, tháng 7/2020, giai đoạn 1 Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá xã Đường Hoa được hoàn thành đưa vào khai thác, đáp ứng mong mỏi của người dân về một nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Công trình có tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 12ha, gồm các hạng mục: Bến cập tàu, đê quai chắn sóng, hệ thống phao neo.
Theo thiết kế, diện tích sân bãi của khu neo đậu sẽ hình thành các dịch vụ cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, nhu yếu phẩm, sửa chữa tàu thuyền… để phục vụ ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Tuy nhiên, do tuyến đường giao thông kết nối khu neo đậu tàu thuyền với QL18 vẫn đang kết hợp với tuyến đường dân sinh liên thôn, mặt đường nhỏ hẹp, cong cua, không những không đáp ứng được yêu cầu cơ động trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, mà còn không thúc đẩy được việc phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá.
Do những bất cập nên sau hơn 2 năm đưa vào khai thác, Khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá xã Đường Hoa vẫn chưa thu hút được bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây. Ông Trần Văn Công (ngư dân thôn Cái Tó, xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) cho biết: Nhiên liệu, nước ngọt người dân phải thuê xe vận chuyển từ nơi khác đến. Còn đường thì nhỏ hẹp, quanh co, nên mọi thứ chi phí đều đội lên.
Quảng Ninh có ngư trường rộng trên 6.000km2, được xem là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam. Hiện toàn tỉnh có trên 8.000 tàu cá, trong đó, 209 tàu cá dài trên 15m, gần 1.300 tàu cá từ 12-15m, còn lại là tàu cá dưới 12m, chủ yếu khai thác ở ngư trường vịnh Bắc Bộ. Theo quy hoạch được duyệt, Quảng Ninh có tổng số 11 cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cấp vùng và cấp tỉnh. Tính đến hết năm 2021, tỉnh đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, xây dựng hoàn thiện 8 cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết cảng cá, khu neo đậu trên địa bàn tỉnh đều thiếu các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá thiết yếu tại chỗ, không đáp ứng được nhu cầu bán sản phẩm, cũng như mua sắm nhiên liệu, ngư cụ cho mỗi chuyến ra khơi. Nguyên nhân chính là do kinh phí đầu tư dịch vụ hạ tầng nghề cá rất lớn, nhưng lợi nhuận thấp, rủi ro cao, thời gian hoàn vốn kéo dài. Ngoài ra, tại một số khu neo đậu, cảng cá... hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là tình trạng bồi lắng luồng lạch chưa được nạo vét kịp thời, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Vậy nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực hậu cần nghề cá gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa mặn mà.
Dịch vụ hậu cần nghề cá là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản phát triển vững mạnh, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Vì vậy song song với việc đầu tư các cảng cá, khu neo đậu, cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()