Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:47 (GMT +7)
Cần sớm đầu tư cầu cứng tại huyện Ba Chẽ
Thứ 3, 05/11/2024 | 10:50:39 [GMT +7] A A
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện Ba Chẽ đã bị thiện hại lớn, trong đó hạ tầng giao thông có 02 cầu treo dân sinh bắc qua sông Ba Chẽ là cầu treo Làng Lốc, xã Thanh Lâm và cầu treo Khe Pụt, xã Thanh Sơn bị sập đổ hoàn toàn. Việc này gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cầu treo Làng Lốc, xã Thanh Lâm được đưa vào sử dụng từ năm 2011, do UBND xã Thanh Lâm quản lý, sử dụng. Cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch nối đường tỉnh 342 và đường tỉnh 330, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất trực tiếp của nhân dân các thôn Làng Lốc, Làng Dạ, xã Thanh Lâm với tổng 96 hộ dân với gần 500 nhân khẩu. Trong đó số lượng học sinh mầm non và tiểu học đi lại học tập thường xuyên từ thôn Làng Lốc sang thôn Làng Dạ hơn 30 cháu. Kể từ khi cây cầu bị bão đánh sập hoàn toàn, để đến được trường các em học sinh, nhất là khối cấp tiểu học và mầm non, phải đi đường vòng hàng chục cây số mới có thể đến được trường.
Để tiết kiệm thời gian, cũng có không ít phụ huynh học sinh lựa chọn đưa đón các em đến trường và trở về nhà bằng bè, mảng qua sông Ba Chẽ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đuối nước rất cao. Nhất là khi trời có mưa, mực nước dâng cao và chảy xiết. Ông Trần Văn Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ chia sẻ: Trước kia khi có cầu thì các cháu học sinh ở thôn Làng Lốc chỉ cần đi bộ khoảng 900m là đã có thể đến trường. Khi cây cầu bị sập thì phụ huynh phải chở các em vòng ra tỉnh lộ 330 xa hàng chục cây số mới đến được trường. Nhiều nhà không có điều kiện vẫn phải chở các cháu qua sông bằng các bè, mảng cho nhanh. UBND xã cũng cử lực lượng hỗ trợ, giám sát đảm bảo về an toàn. Tuy nhiên đây vẫn là nỗi lo thường trực bởi trên sông nước có những mối nguy hiểm không thể lường hết được.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng thôn Làng Lốc (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) cho biết: Cánh đồng trồng cấy với diện tích hơn 10 héc-ta của thôn Làng Lốc chủ yếu là ở bên kia bờ sông Ba Chẽ. Vì vậy hàng ngày đi làm đồng đều phải đi xa rất mất thời gian và chi phí xăng xe, trong khi đó thu nhập của bà con từ nông nghiệp còn thấp, rất mong Nhà nước sớm đầu tư cây cầu tạo thuận tiện cho bà con, đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng giống như cầu treo Làng Lốc, cầu treo Khe Pụt ở xã Thanh Sơn cũng đã bị sập đổ hoàn toàn sau bão số 3. Cầu được hoàn thành và giao cho UBND xã Thanh Sơn quản lý, sử dụng từ năm 2004. Tuy là cầu treo nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, trồng rừng, giao thương của người dân nơi đây. Cầu nằm trên trục đường liên xã, kết nối xã Thanh Sơn với các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh và Thanh Lâm, phục vụ nhu cầu đi lại trực tiếp của nhân dân các thôn Khe Pụt, Khe Lò, Khe Nà xã Thanh Sơn; thôn Đồng Tiến xã Thanh Lâm với 336 hộ dân với gần 1.500 nhân khẩu. Ông Trịnh Văn Tư, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ cho biết: Sau bão số 3, nhiều hộ dân trong xã trồng rừng bị thiệt hại nặng nề do cây cối bị gãy đổ. Vì vậy việc đầu tư xây dựng cầu cho bà con nơi thuận tiện giao thương, đi lại và hồi sinh những cánh rừng là vấn đề hết sức cấp thiết.
Theo UBND huyện Ba Chẽ, hiện nay việc xây dựng cầu treo không còn phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông của tỉnh Quảng Ninh, dễ lặp lại thiệt hại, hư hỏng khi có bão lũ. Đặc biệt là, người dân địa phương trồng rừng, nhu cầu vận chuyển lâm sản bằng xe ô tô khá nhiều nên các cây cầu treo với trọng tải nhỏ cũng chỉ đảm bảo được một phần rất nhỏ nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa của người dân.
Để khẩn trương khôi phục kết nối giao thông trên các tuyến đường bị chia cắt, đảm bảo an toàn giao thông, cử tri, người dân và chính quyền địa phương mong muốn sớm được tỉnh đầu tư xây dựng cầu cứng bằng bê tông cốt thép thay thế 2 cầu treo đã bị sập đổ tại thôn Khe Pụt, xã Thanh Sơn và thôn Làng Lốc, xã Thanh Lâm theo hình thức khẩn cấp do bão lũ theo quy định.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()