Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:30 (GMT +7)
TP Uông Bí: Khắc phục hậu quả thiên tai, tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm
Thứ 2, 28/10/2024 | 09:15:35 [GMT +7] A A
TP Uông Bí bước vào tháng 10/2024 trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), đồng thời tăng tốc các hoạt động sản xuất để hoàn thành mục tiêu quý IV, về đích thắng lợi năm 2024.
Phục hồi sản xuất nông nghiệp
Nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp và chăn nuôi, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đối với nhiệm vụ trồng mới rừng thay thế diện tích rừng đã bị bão quật đổ, từ đầu tháng 10 thành phố lên phương án huy động nhân lực, vật lực hỗ trợ người dân thu dọn, vệ sinh rừng, phân vùng nguy cơ cháy rừng để ứng phó, nhất là đối với rừng có nguy cơ cháy cao. Thành phố vận động chủ rừng chuẩn bị hiện trường trồng rừng, định hướng chủ rừng trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa (theo Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh) hoặc trồng cây thông nhựa thay thế cây keo, bạch đàn. Riêng đối với việc trồng thông nhựa, Công ty CP Thông Quảng Ninh cam kết cung ứng giống cây thông nhựa cho người dân. Hiện doanh nghiệp đã chuẩn bị hạt giống chất lượng cao, mở rộng hệ thống nhà vườn ươm giống để đạt số lượng cây giống lớn nhất cung ứng cho người dân vào vụ trồng rừng đầu năm 2025.
Đối với các diện tích canh tác trồng trọt, thành phố nhanh chóng hướng dẫn người dân khơi thông dòng chảy, kiểm tra các bờ kênh, mương, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn; thu dọn những cây bị dập nát; tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ sâu bệnh kịp thời, bón phân bổ sung phù hợp. Thành phố định hướng người dân có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng để trồng mới đối với cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại nặng bởi bão số 3 (trên 70%). Riêng đối với cây vải chín sớm Phương Nam bị thiệt hại lớn nhất (trên 130ha, trên 30.000 cây), thành phố phối hợp với đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT khảo sát, triển khai phương án khắc phục cụ thể, mục tiêu chạy đua với thời gian để xử lý đất, nước, giống, nhằm phục hồi các cây bị thiệt hại nhẹ, thay thế những cây không thể phục hồi.
Về sản xuất thủy sản, chăn nuôi, thành phố vận động các hộ chăn nuôi sửa chữa chuồng trại, vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo đàn vật nuôi đang có. Đối với những hộ thực hiện việc tái đàn, thành phố hỗ trợ lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng. Thành phố hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe đàn thủy sản nuôi còn lại sau bão; đồng thời tu sửa, khôi phục hệ thống ao đầm nuôi trồng thủy sản, chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép.
Nông dân được hỗ trợ thiệt hại theo các chính sách hiện hành, thành phố đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ 376 hộ bị thiệt hại (đợt 1), tổng kinh phí gần 587 triệu đồng. Trong đó hỗ trợ thiệt hại về lâm nghiệp gần 240 triệu đồng cho 66ha rừng của 50 hộ dân; hỗ trợ 85 triệu đồng cho 56ha cây trồng (lúa, cây ăn quả) của 312 hộ dân; hỗ trợ 262 triệu đồng cho 14 hộ chăn nuôi bị thiệt hại 118 con gia súc, 1.668 con gia cầm. Những hộ dân trong diện hỗ trợ nói trên được niêm yết công khai theo quy định (tối thiểu 30 ngày), sau đó sẽ được giải ngân kinh phí; dự kiến xong trước 20/11. Tới đây thành phố sẽ triển khai đợt giải ngân thứ 2 (dự kiến trước ngày 30/11), tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ các hộ thiệt hại về nông nghiệp 1,7 tỷ đồng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Sau bão số 3, thành phố nhận báo cáo thiệt hại của 57 doanh nghiệp trên 1.400 tỷ đồng. Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Chi cục Thuế khu vực Uông Bí - Quảng Yên thông tin các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế đến doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị thiệt hại về vật chất do ảnh hưởng của thiên tai gây ra. Các ngân hàng triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9-31/12/2024 đối với toàn bộ khách hàng có khoản vay hiện còn dư nợ mà bị thiệt hại do bão, lũ lụt gây ra. Đối với khoản vay mới, các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm theo từng đối tượng, lĩnh vực trong thời gian tối đa kể từ ngày nhận tiền vay.
Đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã tiếp cận được sự hỗ trợ từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn, cơ quan thuế, bảo hiểm. Đây là cơ sở để doanh nghiệp tập trung khắc phục cơ sở vật chất, nhà xưởng, thiết bị máy để ổn định hoạt động sản xuất trở lại. Thành phố hiện có trên 880 doanh nghiệp, trong đó trên 90% doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động sản xuất. Một số ít doanh nghiệp vẫn đang tập trung khắc phục sửa chữa, như: Nhà máy sản xuất gạch nung Thanh Sơn, Nhà máy chế tạo thiết bị nâng hạ cơ khí Quang Trung… Các đơn vị này đặt mục tiêu hết tháng 10/2024 vận hành trở lại.
Cùng với hỗ trợ trực tiếp để phục hồi sản xuất, thành phố dành kinh phí khắc phục ngay các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, thông thương. Phòng Quản lý đô thị thành phố đã rà soát và đề xuất UBND thành phố xem xét đầu tư trên 17 tỷ đồng cho các công trình thiết yếu đường bê tông, hệ thống cống bị lũ cuốn trôi, nền đường bị sụt lún tại xã Thượng Yên Công; cải tạo, sửa chữa tuyến kè chống sạt lở và đường giao thông thuộc phường Vàng Danh; đường giao thông khu Tre Mai, phường Nam Khê; đường phố Nguyễn Khuyến và đường Lựng Xanh, phường Quang Trung…
Những kết quả trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai và đẩy mạnh sản xuất là nền tảng để thành phố tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2024 mà thành phố đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()