Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:29 (GMT +7)
Cần thận trọng khi quy định thời hạn giao đất 99 năm ở đặc khu
Thứ 5, 24/05/2018 | 10:39:24 [GMT +7] A A
Sáng 23/5, theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thảo luận tại hội trường nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. |
Về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng: (1) thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu không quá 70 năm, do Chủ tịch UBND đặc khu quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư; (2) trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định (khoản 1 Điều 32), theo đó, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định.
Thảo luận tại hội trường về vấn đề này, một số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật; một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc về các loại dự án được áp dụng thời hạn sử dụng đất đến 99 năm; đề nghị giảm thời hạn sử dụng đất xuống còn 50 đến 70 năm và có thể gia hạn thêm hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành (tối đa là 70 năm). Có ý kiến đề nghị nghiên cứu đặc thù của mỗi đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để có quy định phù hợp về thời hạn sử dụng đất.
Bày tỏ tán thành với quy định về thời hạn sử dụng đất, sản xuất kinh doanh của dự thảo Luật, song để đảm bảo sự minh bạch và thuận tiện cho các cá nhân, nhà đầu tư, đại biểu Trần Văn Quý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị, với quy định “trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định, đối với từng trường hợp cụ thể (nếu có), Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc thận trọng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quyết định” thì dự thảo Luật quy định rõ cần cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được tính chủ động của chính quyền cũng như sự giám sát của Quốc hội.
Đại biểu Lê Thị Thu Hà đề nghị cân nhắc quy định về thời hạn sử dụng đất đối với dự án đầu tư đặc biệt. |
Trong khi đó, đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, lại bảo lưu ý kiến cân nhắc thêm việc quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt và cần xác định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt.
Đại biểu Lê Thu Hà phân tích, theo thông lệ chung của thế giới, 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ. Trong điều kiện các quyền kinh doanh của tổ chức, cá nhân nước ngoài được mở rộng theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, điều này sẽ tạo cho họ các quyền pháp lý độc lập mang tính sở hữu về đất đai và lãnh thổ hơn là tạo mặt bằng để đầu tư và kinh doanh đơn thuần.
Khi các nhà đầu tư sử dụng chính các quyền sử dụng đất được cấp miễn phí nhưng có giá trị thương quyền lớn để thế chấp vay vốn thì khi đó một dự án đầu tư công nghiệp bị làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu do các yếu tố kinh doanh bất động sản chi phối.
Đại biểu Lê Thu Hà cũng lưu ý, quyền thu hồi đất theo Luật Đất đai trên thực tế không dễ sử dụng bởi thường gắn với hệ lụy pháp lý rất phức tạp. Vấn đề quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nói riêng sẽ còn trở nên nhạy cảm hơn nữa trong trường hợp cụ thể của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm là vượt trội và đột phá. |
Tranh luận với quan điểm lợi dụng quyền sử dụng đất để thế chấp vay tín dụng, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng, các nhà doanh nghiệp khi vào đầu tư đã phải có vốn đóng góp. Doanh nghiệp chấp nhận vốn mang từ trong nước hoặc ngoài nước vào đầu tư với điều kiện của chúng ta đề ra. Nếu thực sự có nhu cầu vay vốn thì đây là điều tốt vì sẽ khai thác được nguồn vốn trong dân, vay được của ngân hàng.
Việc thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với trường hợp đặc biệt là đảm bảo tính vượt trội và đột phá. Đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng nếu chúng ta không làm, không đưa ra thì các nhà đầu tư sẽ so sánh với nước khác, không thấy vượt trội hơn thì sẽ không vào đầu tư. Bên cạnh đó, quy định vừa đảm bảo được vấn đề kinh tế đất nước, vừa đảm bảo được vay vốn và sử dụng người tài.
Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, bày tỏ tán thành với phân tích của đại biểu Lê Thu Hà và cho rằng cần hết sức thận trọng về vấn đề này, bởi chúng ta đang trong quá trình thử nghiệm. Thử nghiệm có thể có thành công và thất bại, không thể phiêu lưu được. Bên cạnh đó cần tính đến yếu tố địa chính trị, không cẩn thận đặc khu sẽ là nơi để di dân. Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri đã bầu ra mình, đại biểu Dương Trung Quốc đề nghị Quốc hội cần thận trọng việc quy định thời hạn 99 năm và cần biểu quyết riêng về điều khoản này khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án luật này.
Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tranh luận tại hội trường. |
Cùng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đặt vấn đề, chúng ta dành ra nhiều km2 đất liền và hàng chục ngàn km2 vùng biển với những tài nguyên thiên nhiên thuộc loại giàu đẹp nhất của nước ta và thế giới để mời gọi đầu tư. Tại những khu vực này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng vào đường sá, điện nước, sân bay, bến cảng, và theo tài liệu của các đề án sẽ phải đầu tư tiếp hơn 1,5 triệu tỷ đồng vào hạ tầng kỹ thuật, trong đó sự đóng góp không nhỏ của ngân sách nhà nước, cũng với những ưu đãi hào phóng về tiền thuê đất, thuê mặt nước, về các sắc thuế chính là những khoản đầu tư tài chính cực lớn từ ngân sách. Toàn bộ tổ chức bộ máy hành chính, sự di dời, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn dân đều phục vụ cho các nhà đầu tư của 3 đặc khu này. Câu hỏi tất yếu đặt ra trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới tất cả những khoản đầu tư ấy sẽ đem lại những lợi ích gì, bao nhiêu và cho ai? Cử tri chờ đợi các đại biểu Quốc hội phân tích và trả lời chính xác câu hỏi: Chúng ta hy sinh với ưu đãi để được những lợi ích gì, bao nhiêu, và cho ai? Ngoài bài toán kinh tế, chúng ta sẽ được và mất những gì về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi: Ưu đãi chúng ta dành cho đặc khu sẽ đem lại những lợi ích gì? bao nhiêu? và cho ai? |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm bởi thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Đây thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến.
Đồng thời, cần có điều khoản quy định rõ những quyết định thỏa thuận hay hành vi trái với Hiến pháp và nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đều vô hiệu và việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước.
Giải trình làm rõ nội dung quy định này trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như dự thảo, bởi theo Bộ trưởng đây là một chính sách vượt trội. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội cần phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt, đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt để được hưởng quy định 99 năm. Bộ trưởng cũng cho biết, việc xác định như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục để xem xét quyết định sẽ được Ban soạn thảo quy định rõ ràng, minh bạch và thận trọng./.
Theo quochoi.vn
Liên kết website
Ý kiến ()