Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 23:38 (GMT +7)
Cần theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động phòng tránh rét cho cây trồng, vật nuôi
Thứ 2, 25/01/2016 | 16:37:27 [GMT +7] A A
Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày vừa qua gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đàn gia súc, gia cầm, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh về các biện pháp phòng chống rét, bảo vệ cây trồng vật nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. |
+ Xin ông cho biết trước tình hình thời tiết nhiệt độ xuống thấp như hiện nay, Sở Nông nghiệp có khuyến cáo gì tới người dân để bảo vệ cây trồng, vật nuôi?
- Hiện nay thời tiết rét đậm, rét hại đang xảy ra trên diện rộng, thậm chí còn xuất hiện băng tuyết ở một số vùng núi cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh gây ảnh hưởng lớn tới cây trồng, vật nuôi. Tại một số địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Thượng Yên Công (Uông Bí), đã xuất hiện trâu, bò, dê chết do quá lạnh. Để chủ động phòng chống đói, rét bảo vệ an toàn cho cây trồng và đàn vật nuôi, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp như sau: Với các diện tích mạ mới cấy hoặc gieo xạ, để hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo bà con cần tiếp tục duy trì mức nước trên mặt ruộng để tăng cường khả năng chống rét cho lúa mới cấy cũng như giúp cho lúa đẻ nhánh sớm và đẻ nhánh tập trung khi thời tiết nắng ấm trở lại. Với diện tích vừa cấy xong, bà con nông dân cần duy trì lớp nước mặt 3-5cm để giữ ấm cho chân lúa nhằm tăng cường khả năng chống rét. Với những diện tích chưa cấy, cần tiếp tục duy trì độ ẩm, che phủ nilon trong cho mạ và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo độ kín của nilon. Với diện tích lúa gieo thẳng, bà con cần chú ý tiếp tục duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm, nếu có điều kiện dùng tro bếp, rơm rạ bón đều trên mặt luống để tăng cường khả năng chống rét. Đối với trâu bò: cần phải sửa chữa chuồng trại, che chắn gió lạnh, giữ khô nền chuồng, kín, ấm và vệ sinh. Dùng các tấm bạt dứa, nilon, phên... che phủ chuồng trại. Dùng chăn bông, bao tải gai... làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; trâu, bò già, yếu; gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.Chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ: rơm, cỏ khô, cám... đảm bảo bình quân 5-7 kg rơm, rạ hoặc cỏ khô/trâu, bò/ngày trong thời gian giá rét. Bổ sung muối ăn với lượng 15g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo bà con nông dân, nhất là bà con ở các khu vực miền núi cao như Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu… không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; mặc áo chống rét bằng bao tải gai, bao tải dứa để giữ ấm cho trâu bò. Không cho trâu, bò, dê làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ dưới 120C. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng …
Đối với các loại vật nuôi khác như gà, lợn phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C, cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn. Riêng gà cũng thế, cần chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2. Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.
Đối với các địa phương có khu vực nuôi trồng thủy sản trong thời gian giá rét tuyệt đối không kéo lưới, không thu hoạch theo cách đánh tỉa, thả bù để tránh xây sát cho cá. Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5-2m để lấy nhiệt từ lòng đất giữ ấm nước ao và làm giảm sự biến đổi đột ngột nhiệt độ môi trường. Tiến hành đào một hố sâu trong ao từ 2,5-3m, rộng từ 2-3m2 để cho cá rút xuống trú đông (đây là cách chống rét cho cá qua đông hiệu quả và được nhiều nơi áp dụng). Làm khung và che phủ bề mặt ao bằng nylon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng tiếp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao. Thả bèo tây lên mặt ao từ 1/2-2/3 diện tích mặt ao về phía Bắc (bèo được gom vào một góc ao) tránh thả tràn lan che kín hết diện tích mặt ao, làm giảm độ thoáng của ao sẽ ảnh hưởng đến thủy sản nuôi. Thả sọt tránh rét cho cá ở các góc phía Bắc của ao nuôi, sử dụng các sọt đan bằng tre, nứa, đưa vào sọt các búi rơm tạo giá thể để cá trú ẩn tránh rét.Cho tôm, cá,… ăn đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn chế biến sẵn vào thời điểm nắng ấm trong ngày để chúng có đủ dinh dưỡng cần thiết. Khi nhiệt độ nước ao ≤ 12oC thì ngừng cho ăn. Bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cẩu kỹ thuật. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời… Nếu người dân thực hiện được các biện pháp trên thì sẽ hạn chế được những thiệt hại do giá rét gây ra đối với cây trồng, vật nuôi.
* Xin cảm ơn ông!
Đặng Nhung (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()