Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:39 (GMT +7)
Nhìn lại một tuần chống chọi với giá rét
Thứ 2, 01/02/2016 | 05:24:48 [GMT +7] A A
Đợt rét kéo dài từ ngày 21 đến 28-1 với nhiệt độ giảm sâu kỷ lục bao phủ toàn miền Bắc khiến nhiều địa phương bị thiệt hại khá nặng nề. Tại Quảng Ninh, mặc dù tỉnh đã chủ động và có nhiều biện pháp ứng phó nhưng con số thiệt hại vẫn rất đáng buồn. Theo số liệu chưa đầy đủ, trong đợt rét vừa qua ngành Nông nghiệp thiệt hại khoảng 14 tỷ đồng. Mặc dù thiên tai là bất khả kháng nhưng nếu có sự chủ động phòng tránh và chuẩn bị chu đáo biện pháp đối phó thì chắc chắn sẽ giảm được tổn thất rất nhiều. Từ đợt rét vừa qua cho thấy, không chỉ ngành Nông nghiệp mà các địa phương cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm về công tác đối phó với thiên tai, nhất là trong tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường.
Nhờ chủ động che chắn tốt cho đàn gia súc nên ở huyện Vân Đồn thiệt hại không đáng kể. Trong ảnh: Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT và huyện Vân Đồn kiểm tra tình hình chống rét ở các xã trên địa bàn. Ảnh: Nghĩa Hiếu |
Tỉnh đã chủ động và quyết liệt chỉ đạo
Trước khi đợt rét đậm, rét hại tràn đến tỉnh ta, Chủ tịch UBND tỉnh đã sớm có công điện (số 02, ban hành ngày 19-1) chỉ đạo về việc phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi với yêu cầu triển khai nghiêm túc, quyết liệt. Từ ngày 21 đến ngày 27-1-2016, Thường trực Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương các đoàn công tác của tỉnh xuống các địa phương để chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống rét; UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung tổ chức các đoàn công tác xuống tận các thôn, bản và hộ gia đình để hỗ trợ nhân dân phòng chống rét cho người và gia súc, gia cầm, cây trồng và thuỷ sản; chỉ đạo các địa phương đưa gia súc về chuồng tránh rét, không chăn thả gia súc trong những ngày giá rét; chuẩn bị dự trữ thức ăn và bổ sung thức ăn tinh bột nhằm bảo đảm sức khoẻ. Trực tiếp các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến các địa phương chỉ đạo công tác chống rét, các đoàn công tác của tỉnh cũng như các ngành chức năng đã bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân phòng, chống rét. Có thể khẳng định, công tác phòng, chống rét đã có sự chủ động và được thực hiện tốt. Đơn cử như các trường học đã thực hiện nghiêm và kịp thời việc thông báo cho học sinh nghỉ khi rét sâu, nhiệt độ giảm mạnh. Ngành Y tế cũng đã bám sát diễn biến thời tiết để vừa làm tốt công tác truyền thông bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa đảm bảo cho bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện nghiêm túc trực ban và bố trí các đoàn về các địa phương, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc như: Tu sửa, che chắn chuồng trại bằng bạt, vải mưa, rơm rạ để chắn gió đảm bảo ấm và khô ráo, vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi ở trong những ngày rét đậm; chỉ đạo thực hiện bổ sung lượng thức ăn tinh và nước muối ấm để tăng khả năng phòng chống rét cho gia súc, chống rét cho thuỷ sản, diện tích mạ… Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã có nhiều biện pháp tích cực phòng, chống rét như, thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra đến từng thôn, bản và hộ dân để phòng chống rét.
Nông nghiệp thiệt hại nặng nề
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 29-1-2016, toàn tỉnh đã gieo cấy được 5.164ha, trong đó: Lúa xuân sớm cấy được 1.668ha (Quảng Yên 1.211ha, Đông Triều 427ha, Uông Bí 30ha); Cây rau màu 3.500ha, mạ xuân muộn gieo được 190ha. Diện tích thuỷ sản đang nuôi là 8.213ha (nuôi mặn lợ: 7.003ha, nuôi nước ngọt 1.210ha, 8.416 ô lồng bè nuôi cá và chủ yếu là cá biển).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đợt rét kỷ lục vừa qua tuy chỉ kéo dài trong một tuần nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng khá nặng nề. Một phần do thiên tai quá bất thường (theo một số người già cao niên trên địa bàn thì hiện tượng trời rét kèm theo băng giá ở tỉnh ta là khá hiếm hoi, có thể coi đợt rét vừa qua là kỷ lục về nhiệt độ giảm sâu), trong khi đó sản xuất phần lớn vừa vào vụ nên dễ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó có phần là do sự chủ quan của người dân, dù đã có khuyến cáo trời rét hại nhưng một số bà con vẫn thả rông trâu bò, dẫn đến trâu bò bị chết rét hàng loạt. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 8h sáng ngày 29-1, tổng số gia súc bị chết toàn tỉnh là 834 con, số địa phương có số lượng gia súc chết nhiều nhất là Bình Liêu với 611 con, Tiên Yên 69 con, Quảng Yên 51 con, Hoành Bồ 25 con, số gia cầm bị chết toàn tỉnh là 868 con, chủ yếu tập trung ở Quảng Yên (783 con); thiệt hại về thuỷ sản, tổng số lượng cá bị chết rét là 101.237kg, trong đó Quảng Yên 83.269kg, Đầm Hà 8768kg, Móng Cái 1.200kg, Cô Tô 1.000kg, Uông Bí 7.000kg. Về cây trồng, toàn tỉnh có 18ha lúa mới cấy bị thiệt hại do rét gây ra, 40ha gieo sạ và 20ha rau màu bị ảnh hưởng… Có thể khẳng định, đây chưa phải là con số thiệt hại cuối, bởi đợt rét đã khiến cho nhiều đàn gia súc, gia cầm bị giảm sức đề kháng, nhiều đầm nuôi thuỷ sản và hoa màu bị ảnh hưởng trực tiếp và khó khôi phục lại.
Không thể lơ là, chủ quan
Mặc dù tỉnh, các ngành, địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt, một số địa phương đã có nhiều cách làm, biện pháp ứng phó với giá rét hiệu quả. Điển hình như Đông Triều, Vân Đồn, Uông Bí, Hải Hà, Ba Chẽ đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra liên tục bám dân, “ba cùng” với dân chống rét, cấp phát phông bạt che chắn đàn gia súc, hướng dẫn người dân phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi; quan tâm đến đối tượng người già yếu, trẻ nhỏ. Chính nhờ vậy, ở những địa phương đó số thiệt hại về gia súc, gia cầm không đáng kể. Tuy nhiên bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng gia súc chết hàng loạt, điển hình như huyện Bình Liêu với 611 con gia súc bị chết, huyện Tiên Yên là 154 con, TX Quảng Yên đứng đầu tỉnh với số gia cầm chết là 783 con. Ngoài thiên tai bất khả kháng, có thể khẳng định, để xảy ra thiệt hại như trên một phần do người dân quá chủ quan và chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động và sâu sát. Dẫn chứng là ngày 25-1, trong khi rét đậm đang gia tăng nhưng tại huyện Bình Liêu vẫn còn nhiều đàn trâu, bò, dê đang thả rông trên rừng, chưa được thu gom về chuồng.
Chỉ một đợt rét kéo dài chưa đến 10 ngày nhưng đã gây ra thiệt hại 14 tỷ đồng với hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết. Điều này cho thấy không thể lơ là, chủ quan với thời tiết, nhất là trước tình hình khí hậu ngày một khắc nghiệt, bất thường.
Đặng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()