Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 10:18 (GMT +7)
Cần tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế trường học
Thứ 5, 31/03/2022 | 09:34:39 [GMT +7] A A
Trước tình hình dịch Covid-19 và tai nạn thương tích ở trẻ em diễn biến phức tạp cho thấy vai trò quan trọng của y tế trường học đối với việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, công tác y tế học đường hiện nay cần tiếp tục được quan tâm, nâng cao năng lực hoạt động.
Hiện nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đều bố trí cán bộ y tế chuyên trách, hoặc phân công giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm y tế trường học làm đầu mối, phối hợp cùng các trạm y tế, trung tâm y tế địa phương để thực hiện công tác y tế trường học. Trong năm 2021, CDC Quảng Ninh đã phối hợp với các phòng y tế, trung tâm y tế, phòng GD&ĐT các địa phương kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt công tác y tế trường học; tổ chức tập huấn công tác y tế trường học và công tác phòng chống dịch Covid-19 cho cán bộ làm công tác y tế trường học các tuyến; nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, khám, quản lý sức khỏe học sinh...
Các trạm y tế tuyến xã cũng đã phối hợp cùng các trường tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, xử lý những tình huống phát sinh về y tế trường học... Cả 645 trường từ cấp mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đều được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học, phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng bệnh...
Trước năm 2017, trong 681 trường từ cấp học mầm non đến cấp học THPT, có tới 528 trường có vị trí nhân viên y tế trường học. Do tỷ lệ trường có nhân viên y tế trường học chuyên trách cao, nên công tác y tế học đường được đảm bảo tốt.
Tuy nhiên, công tác y tế trường học hiện nay gặp không ít khó khăn, bởi sau khi thực hiện việc tinh giản bộ máy, biên chế, số nhân viên y tế chuyên trách của các trường giảm dần. Năm học 2021-2022, trong số 645 trường học từ cấp mầm non đến cấp THPT, chỉ 302 trường có nhân viên y tế chuyên trách, chiếm 46,82%, còn lại là kiêm nhiệm (bố trí luân phiên thủ quỹ, kế toán, nhân viên thư viện, giáo viên phụ trách thêm công tác y tế trường học). Trong 302 nhân viên y tế chuyên trách của các trường, chỉ 175 nhân viên có trình độ y sĩ đa khoa trở lên, đạt chuẩn theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT quy định về công tác y tế trường học; còn lại chỉ có trình độ điều dưỡng, nữ hộ sinh...
Một số cơ sở giáo dục không có nhân viên y tế đã ký hợp đồng với các trạm y tế về công tác y tế trường học, nhưng do nhiều trường học xa trạm y tế tuyến xã, phường, nên sự phối hợp trong công tác y tế trường học còn nhiều khó khăn, nhất là khi có sự việc bất thường xảy ra như: Tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, chăm sóc sức khỏe hằng ngày cho học sinh.
Do không có trình độ chuyên môn, nhiều nhân viên trường học phụ trách công tác y tế còn lúng túng khi xử lý cho học sinh bị thương, bị sốt đột ngột... Nhân lực tại các trạm y tế chỉ 4-6 người lại phải quản lý 2-3 trường học trên cùng địa bàn phường, xã và tập trung nhiều nhiệm vụ khác, nên việc theo dõi sức khỏe học sinh thường xuyên, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác... theo quy định về công tác y tế trường học cũng không được thực hiện thường xuyên, thậm chí còn bỏ ngỏ.
Hiện toàn tỉnh có 222/222 trường mầm non, 77/162 trường tiểu học, 27/50 trường TH&THCS có bếp ăn tập thể. Với các trường này, đòi hỏi phải giám sát ATTP thường xuyên; đảm bảo bữa ăn phải đầy đủ dinh dưỡng, phong phú, phù hợp lứa tuổi... Tuy nhiên, do không có chuyên môn, nên nhân viên phụ trách công tác y tế cũng không thể tham gia nhiều mà phó thác cho đơn vị nấu, cung cấp bữa ăn cho trẻ.
Mặc dù có quy định trích lại 5% số thu BHYT tính trên tổng số trẻ dưới 6 tuổi, hoặc học sinh, sinh viên đang theo học tại cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh; tuy nhiên phần lớn các cơ sở giáo dục không đáp ứng đủ điều kiện để cơ quan BHXH trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu do cán bộ phụ trách công tác y tế trường học không đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế - Bộ GD&ĐT về y tế trường học, người phụ trách công tác y tế trường học có nhiệm vụ khá nặng như: Giám sát vệ sinh môi trường nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải; giám sát các điều kiện về ATTP; quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe... Bởi vậy, việc nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay là hết sức cần thiết.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()