Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 03:41 (GMT +7)
Cần xử lý nghiêm hành vi thả gia súc, động vật nuôi ngoài đường, khu công cộng
Thứ 2, 27/06/2022 | 14:21:50 [GMT +7] A A
Hiện nay, tình trạng thả rông để gia súc tràn xuống lòng đường ở một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh không chỉ gây mất mỹ quan, vệ sinh môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một bộ phận người dân dù đã nhận được sự tuyên truyền của lực lượng chức năng, song vẫn thiếu ý thức, bất chấp nguy hiểm với người khác chỉ vì thuận tiện cho việc chăn, thả gia súc của mình.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể nào về tai nạn do gia súc gây ra, tuy nhiên việc chăn thả gia súc dọc theo các tuyến đường gây không ít nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Trên thực tế, có nhiều vụ TNGT đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện không kịp xử lý khi bất ngờ phải tránh đàn gia súc thả rông hoặc chạy sang đường đột ngột.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng thôn Đồng Tâm (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) cho biết: Chúng tôi đã thống kê trên địa bàn thôn có khoảng 5 gia đình hiện đang nuôi bò, trâu… và thường xuyên phải chăn thả trên các đồi. Để các gia đình này không thả gia súc ra đường và mỗi khi đưa chúng vào rừng tìm thức ăn thì phải chọn giờ thấp điểm ít phương tiện qua lại để đảm bảo ATGT và đặc biệt là không được thả rông ra đường gây TNGT.
Trong khoản 2, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…
Riêng đối với những trường hợp súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có quy định xử phạt khá rõ ràng. Theo đó, trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người, người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết hai người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự...
Theo trung tá Nguyễn Quốc Trình, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, việc các gia đình chăn, thả gia súc để xảy ra TNGT sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định. Trong quá trình tuần tra xử lý vi phạm nếu gặp trường hợp người dân có hành vi này chúng tôi đều nhắc nhở và yêu cầu không được tiếp tục chăn, thả nữa mà phải chấm dứt ngay.
Việc phát triển chăn nuôi đại gia súc là chủ trương đúng của địa phương trong việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, người dân cũng cần xác định việc chăn thả gia súc phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và đặc biệt không thả rông trên các tuyến giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Bên cạnh đó, các địa phương để xảy ra tình trạng người dân chăn, thả gia súc vi phạm ATGT cần phải vào cuộc và xử lý nghiêm với chủ gia súc thả rông trên đường; đồng thời tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền tới người chăn nuôi về vấn đề này.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()