Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 22:27 (GMT +7)
Cảng cổ Cống Yên - "trạm trung chuyển" của thương cảng Vân Đồn xưa
Chủ nhật, 10/12/2023 | 15:24:54 [GMT +7] A A
Vân Đồn - thương cảng sầm uất nhất Việt Nam suốt từ khi thành lập năm 1149 tới cuối thế kỷ thứ 17, thịnh vượng suốt các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, nơi mở ra cánh cửa đầu tiên đưa Việt Nam thông thương với thế giới. Trong đó Ngọc Vừng là nơi có nhiều cảng, bến tàu, có cảng cổ Cống Yên khá nổi tiếng và còn lại dấu tích cho tới ngày nay.
Theo sử cũ ghi chép, thương cảng hình thành từ đời vua Lý Anh Tông, rộng gần 100km2, với những dãy đảo vây kín một vùng biển như thành lũy. Phía Đông cảng là đảo Vân Hải, phía Tây là đảo Ngọc Vừng, phía Nam là các đảo Phượng Hoàng, Thượng Mai và Hạ Mai.
Thường tàu vào thương cảng Vân Đồn đi theo hai cửa: Cửa phía Nam đi giữa hai đảo Hạ Mai và Nứt Đất của đảo Ngọc Vừng, bến cổ Cống Yên là địa điểm neo đậu tàu thuyền rất tốt. Cảng Cống Yên nằm ở phía Bắc của đảo Ngọc Vừng, là vịnh nhỏ rất thuận lợi cho tàu bè neo đậu tránh bão gió. Cũng tại vùng biển phía Bắc này, có ngư trường lộng rất thuận lợi cho khai thác hải sản quanh năm. Những di chỉ và di tích ở hai cống này cho thấy đây là những trạm dừng chân của tàu thuyền trước khi vào bến chính.
Ông Hoàng Văn Quảng, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã đảo Ngọc Vừng, người dân gốc nơi đây, chia sẻ: Cống Yên từ lâu đã là một phần quan trọng của xã đảo. Từ lịch sử thương cảng tới các thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và cho tới thời hiện đại, Cống Yên vẫn đóng vai trò quan trọng, ghi dấu trong tâm trí mỗi người dân đảo.
Lật giở lại những trang viết xưa có thể thấy Cống Yên đóng vai trò quan trọng và là điểm đến tấp nập, nhộn nhịp "trên bến dưới thuyền". Xưa bến Cống Yên cùng bến Cống Hẹp là hai bến cảng thuộc khu vực phía Bắc của đảo Ngọc Vừng. Đây từng là hai bến thuyền sầm uất và quan trọng nhất thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn dưới triều đại phong kiến từ thời Lý đến thời Nguyễn.
Tuy nhiên, giai đoạn hưng thịnh nhất là vào thời Lý, Trần. Hầu hết các tàu thuyền qua lại, trao đổi và giao lưu hàng hoá đều phải đi qua cảng Cống Yên mới đến được trung tâm thương cảng. Do đó, Cống Yên có thể được coi là trạm trung chuyển quan trọng cho hoạt động thông thương thời bấy giờ, góp phần làm nên sự phát triển vượt bậc về thương mại cho đất nước.
Dọc theo chiều dài hình thành nên hoạt động thương mại suốt thời kỳ phong kiến của Việt Nam, cảng cổ Cống Yên, thương cảng Vân Đồn từng là cầu nối đưa đất nước ta kết nối với thế giới, là chứng nhân lịch sử cho sự hưng thịnh của nền thương mại trong suốt mấy trăm năm lịch sử.
Sau thời kỳ hoàng kim nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn sầm uất một thuở, Cống Yên cùng với các bến, điểm ở Ngọc Vừng với vị trí "cửa ngõ" đó cũng đóng vai trò, nhân chứng lịch sử quan trọng. Bởi thời Pháp thuộc, Ngọc Vừng từng là nơi được thực dân Pháp tiếp cận, xây dựng cơ sở để quan sát, án ngữ vùng biển Đông Bắc.
Và đảo cũng là nơi được nghĩa quân xây dựng căn cứ chống Pháp giai đoạn 1890-1891. Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngọc Vừng là tiền đồn "thép" trấn ải vùng biển, đường không của giặc Mỹ. Tuyến đường biển, các cảng Ngọc Vừng đã góp phần to lớn vào vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện miền Nam.
Qua nhiều bước thăng trầm cùng những dòng lịch sử, thương cảng Vân Đồn cùng bến cảng Cống Yên có những thời khắc “ngủ yên”. Những bến cảng, kho hàng, làng đảo, đồn canh, đình chùa… một thời nhộn nhịp dần chìm vào lãng quên, hòa vào nhịp sóng biển, hoá thân thành những di chỉ khảo cổ học, đối tượng điều tra khảo cổ, khai quật, nghiên cứu được các nhà khoa học quan tâm.
Ngày nay, một bến cảng mới khang trang dọc khu dân cư đông đúc đã được xây dựng trên không gian bến cảng cổ xưa. Nơi đây được chính quyền quan tâm trùng tu, được hoạch định và đưa vào lịch trình của hầu hết các tour du lịch đi Hạ Long, Vân Đồn, Yên Tử...
Nhiều hội thảo khoa học phát huy giá trị thương cảng cùng Đề án "Phát triển kinh tế, xã hội Khu kinh tế Vân Đồn - Quảng Ninh" năm 2006, trong đó xác định Vân Đồn là Trung tâm du lịch sinh thái biển, đảo chất lượng cao... là những tiền đề để kỳ vọng thương cảng trong tương lai được hồi sinh và phát huy đúng với giá trị vốn có của nó.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()