Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:56 (GMT +7)
Cảnh báo hoá đơn tiền điện tăng cao đột biến
Thứ 5, 18/05/2023 | 08:15:16 [GMT +7] A A
Mùa nắng nóng năm nay dự báo nhiệt độ tăng cao hơn so với trung bình các năm, đồng thời xuất hiện nhiều đợt nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao. Điều này dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Cùng với đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng vừa có quyết định tăng giá điện. Vì vậy, ngành điện khuyến cáo khách hàng cần điều chỉnh sử dụng điện hợp lý để tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong mùa hè năm nay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, căn cứ Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Tập đoàn này đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Trước đó vào ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng. Đây chính là lý do giá điện được điều chỉnh tăng.
Việc giá điện bán lẻ tăng 3% tuy không lớn nhưng chắc chắn một điều rằng việc điều chỉnh này sẽ ít nhiều tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt là mùa nắng nóng đã đến và dự báo kéo dài với nhiệt độ cao hơn mọi năm sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện của người dân, cơ quan, doanh nghiệp tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc nếu người dân, doanh nghiệp không chủ động tiết kiệm điện thì hoá đơn tiền điện hằng tháng chắc chắn sẽ tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa kể việc sử dụng nhiều thiết bị điện, đặc biệt là điều hoà, tủ lạnh… sẽ dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện gây sự cố mất điện làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.
Để hạn chế phải cắt điện luân phiên và ít làm gia tăng tiền điện vào cuối mỗi tháng, thời gian qua, ngành điện đã tích cực tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị… nâng cao ý thức tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, đưa việc tiết kiệm điện thành thói quen hàng ngày, hàng giờ. Trong đó, mỗi cán bộ, công nhân viên trong ngành điện chủ động tuyên truyền đến các gia đình, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… về việc tiết kiệm điện, dần hình thành thói quen sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, đúng cách trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày, qua đó giúp tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội.
Để hạn chế tình trạng thiếu điện, mất điện và hạn chế gia tăng tiền điện trong mùa nắng nóng năm nay, ngành điện khuyến cáo người dân, cơ quan, doanh nghiệp nên sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, nên để nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 27 độ C kết hợp với quạt gió để tiết kiệm điện; người dân, doanh nghiệp nên hạn chế sử dụng các thiết bị công suất lớn vào khung giờ cao điểm; tránh sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn; các khách hàng công nghiệp bố trí lịch sản xuất phù hợp, tránh các ngày nắng nóng cực đoan theo khuyến cáo của các công ty điện lực; định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện và dây dẫn để tránh tình trạng rò rỉ điện; tạo thói quen tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; nên sử dụng thiết bị đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, lựa chọn các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()