Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:24 (GMT +7)
Cảnh báo lạm phát tăng cao
Thứ 2, 03/01/2022 | 07:52:16 [GMT +7] A A
Diễn biến lạm phát đang là yếu tố đáng lo ngại trong nỗ lực phục hồi kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Nhiều nền kinh tế lớn đã triển khai các giải pháp "rút củi dưới đáy nồi" để không làm căng thẳng thêm tình trạng lạm phát, sau khi đã tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có nhằm kích thích kinh tế lấy lại đà tăng trưởng trước tác động của đại dịch Covid-19. Các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro lạm phát cao nhất trong vài thập kỷ và giá cả leo thang. Ðiều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát, vì độ mở của nền kinh tế đã ở mức rất lớn, nhiều ngành nghề sản xuất phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ bên ngoài. Ðáng chú ý là giá các nguyên liệu thiết yếu như: xăng dầu, sắt thép… tăng, có thể là yếu tố mang tính lan tỏa mạnh vì đó đều là các sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp nội địa.
Trong nước, sự phối hợp tốt giữa điều hành vĩ mô với công tác quản lý, điều hành giá đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào khả năng kiềm chế được lạm phát năm 2021 ở mức dưới mục tiêu đề ra sẽ không đánh giá hết được tình hình. Bởi đặc điểm hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là lạm phát thấp chủ yếu do cầu tiêu dùng thấp, không phải do giá thấp. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông gặp nhiều khó khăn, phát sinh thêm nhiều chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế phục hồi, một bộ phận doanh nghiệp chưa thể ngay lập tức trở lại quy mô sản xuất như trước, có thể khiến nguồn cung thiếu hụt, tác động làm giá hàng hóa tăng lên. Các doanh nghiệp cũng phải trả nhiều chi phí hơn cho tuyển dụng và đào tạo lao động vì thiếu hụt nhân sự sau đại dịch. Năm 2022 cũng là thời điểm một số giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được điều chỉnh tăng theo lộ trình, trong khi các mặt hàng được Nhà nước chỉ đạo giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng trong thời gian bùng phát dịch bệnh như: điện, nước sinh hoạt, viễn thông không còn được áp dụng chính sách hỗ trợ. Chương trình phục hồi kinh tế với quy mô rất lớn dự kiến sắp được tung ra, bên cạnh tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, mang lại việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội cũng sẽ có tác động nhất định đến nợ xấu, nợ công quốc gia và lạm phát.
Ðể tập trung kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, mức độ lạm phát trên thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng đến mặt bằng giá trong nước. Xem xét, đánh giá những mặt hàng có khả năng thiếu hụt dài hạn để có chính sách phù hợp, trong đó có việc nghiên cứu, tăng năng lực sản xuất thay thế, tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chủ động, sẵn sàng giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, cung cấp thông tin đầy đủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để lạm phát do tâm lý tăng cao.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()