Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:20 (GMT +7)
Cảnh báo tăng bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch sau Tết
Thứ 4, 15/02/2023 | 10:36:35 [GMT +7] A A
Sau Tết, thói quen ăn uống và sinh hoạt bị thay đổi dẫn đến nhiều người mắc phải các bệnh lý chuyển hóa, hô hấp, tim mạch, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục...
Ngoài ra, hiện thời tiết có nhiều thay đổi dẫn đến các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trẻ em.
Vì sao bệnh rối loạn chuyển hóa, tim mạch tăng?
Theo ghi nhận tại các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Da liễu TP.HCM..., số bệnh nhân thăm khám các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiêu hóa, gan mật, hô hấp, tình dục có xu hướng gia tăng...
Bác sĩ Phí Hải Anh, trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, cho hay nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến nhiều người xáo trộn thói quen ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, thói quen sử dụng thực phẩm nhiều đường, chất béo, bia, rượu, nước ngọt... là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tăng sau Tết.
Bệnh nhân chủ yếu đến khám các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng mỡ máu, bệnh gút...), các bệnh về đường ruột, tiêu hóa gan mật (bệnh gan do rượu, viêm loét dạ dày, tá tràng...) và đặc biệt là các biến chứng của bệnh tim mạch (cơn đau thắt ngực, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch não...).
Còn tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau Tết, lượng bệnh nhân đến khám tư vấn, xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, các bệnh về da có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trước Tết trung bình có 228 - 304 ca khám bệnh qua đường tình dục/ngày, sau Tết tăng lên 301 - 384 ca/ngày.
Nguyên nhân là do trong kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân thường có thói quen thức khuya, ăn nhiều đồ ngọt, béo, cộng thêm việc thay đổi thời tiết khiến các bệnh về da gia tăng (viêm da cơ địa, mụn trứng cá, dị ứng)...
Số lượng ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như sùi mào gà, giang mai cũng gia tăng. Đặc biệt, nhiều người đến khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh hô hấp vào mùa
Bác sĩ Lê Công Thiên - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết sau Tết âm lịch, các bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp gia tăng, nổi trội là suyễn, viêm phổi...
Cụ thể, trẻ mắc bệnh về hô hấp chiếm 60 - 70%, trong khi đó các bệnh lý về tiêu hóa khoảng 20%, còn lại là các loại bệnh khác. Trẻ nhập viện trong tình trạng thường là sốt cao, khó thở, ho có đờm...
Theo bác sĩ Thiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mắc các bệnh về hô hấp như ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng không được đảm bảo trong dịp Tết như đi chơi xa ăn uống thất thường, dễ bị bệnh, thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh - trưởng khoa nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - cho hay những ngày qua bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc cúm và thủy đậu tới thăm khám. Bệnh cúm thông thường có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng cúm ác tính có thể gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng, từ đó dẫn tới tử vong.
"Hiện vẫn còn tình trạng người dân tự ý mua và sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị cúm không theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ dẫn đến khó khăn trong việc điều trị. Bởi vậy, khi có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi thì cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm để phòng bệnh", bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.
Bác sĩ Hải Anh cũng khuyến cáo đây cũng là mùa phấn hoa phát tán, nấm mốc phát triển có thể gây ra rất nhiều nguy cơ gây bệnh như bệnh đường hô hấp (hen phế quản, viêm khí - phế quản cấp...), viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc, thủy đậu...
Vì vậy người dân, nhất là những người có cơ địa dị ứng và tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, cần lưu ý để không bị mắc bệnh.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()