Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:19 (GMT +7)
Cảnh báo thủ đoạn giả danh nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ninh đe doạ, lừa đảo khách hàng
Thứ 4, 25/08/2021 | 08:00:25 [GMT +7] A A
Thời gian qua, có nhiều trường hợp giả mạo nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ninh, gọi điện thoại lừa đảo đòi tiền điện khách hàng, đó là các số điện thoại: +037969234259, +037969234593; +096236510658; 0843868967. Công ty Điện lực Quảng Ninh thông báo tới khách hàng chỉ nhận thông tin của ngành điện từ những kênh chính thống như SMS, email, qua website của Công ty hoặc Tổng đài Chăm sóc khách hàng: 19006769.
Chị Trịnh Minh Nhật trú tại Linh Đàm, thành phố Hà Nội phản ánh với nhân viên Điện lực:
“Ngày 9/8 vừa qua, tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +96236519658 có xưng tên là Nguyễn Kim Phượng làm ở phòng Xử lý vi phạm sử dụng điện của Công ty Điện lực Quảng Ninh. Người này báo tôi nợ tiền điện ở một địa chỉ lạ ở Hà Nội, với tên đầy đủ và số Chứng minh thư chính xác của tôi kèm số điện thoại và giải thích rằng: Điện lực Hà Nội đã gửi giấy báo đến địa chỉ kia để thu hồi tiền điện, nhưng không nhận được phản hồi. Họ tìm hồ sơ thấy tôi đăng ký thường trú ở Quảng Ninh, nên báo cho Công ty Điện lực Quảng Ninh để thông báo đến tôi.
Khi tôi xác nhận không liên quan và không hề biết đến địa chỉ đang nợ tiền điện đó thì đầu dây bên kia với giọng rất có trách nhiệm: “Vậy thì sự việc này của chị đã bị mạo danh và chị cần báo Công an để họ xác minh vụ việc, đề phòng họ sẽ mạo danh chị làm những việc phi pháp khác”. Tôi thấy cũng hợp lý, và trong khi tôi chưa biết bắt đầu phải khai báo với Công an như thế nào thì họ bảo họ sẽ có trách nhiệm kết nối tôi với đường dây điện thoại của Công an Hà Nội để xử lý vụ việc.
Chỉ một lát sau đó thì một số điện thoại có đầu +37.... gọi đến cho tôi xưng là Cảnh sát điều tra tên Lê Duy Tân có trụ sở ở số 7 Thiền Quang Hà Nội (rất đúng với địa chỉ thật của Công an). Để tôi tin tưởng, họ yêu cầu kết nối Zalo và gọi face time để tôi nhìn thấy mặt người công an đang mặc sắc phục công an ngồi ở văn phòng nói chuyện với tôi.
Sau khi bắt tôi khai báo sự việc đúng như những gì tôi vừa nhận từ nhân viên điện lực kia, thì họ nói sẽ kết nối với Cổng thông tin Bộ Công an để xem hồ sơ này của tôi có còn dính líu đến vụ việc nào nữa không. Vì họ bảo mới bắt được một đường dây 30.000 bộ hồ sơ cá nhân bị bán trên thị trường, họ vẫn bảo tôi giữ điện thoại và nghe họ kết nối với Bộ Công an.
Sau khi nghe thông tin từ bên kia trao đổi với nhau, thì họ bảo tôi liên quan đến một vụ mua bán ma túy. Tôi bắt đầu hoang mang vì nghĩ việc hồ sơ cá nhân bị bán là rất có thể, và đối tượng có thể sử dụng bất hợp pháp vào nhiều mục đích, nên tôi cứ cầm điện thoại và nghe. Chúng điều tra bắt tôi khai báo các thông tin cá nhân khác. Tôi có chột dạ thắc mắc thường thì Công an không làm việc qua điện thoại thế này!
Đầu dây bên kia lý giải rằng trong thời buổi dịch bệnh, đang phải giãn cách xã hội nên Bộ Công an đã thiết lập đường dây điện thoại để xử lý các vụ việc cho công dân. Tôi nghe thấy cũng có lý, và họ lại là người của Bộ Công an, lại kết nối zalo để gọi face time cho tôi (tôi đã chụp được ảnh của người đó qua Zalo). Sau đó họ tiếp tục tra hỏi những thông tin về tài khoản Ngân hàng, về các loại tài sản khác..., họ yêu cầu tôi chuyển hết tiền từ các tài khoản Ngân hàng khác về tài khoản Ngân hàng Vietinbank của tôi để họ kiểm tra, và rồi họ gửi cho một đường link để mở và bảo đây là đường link của Bộ Công an để khai báo.
Đến đây tôi cũng cảnh giác không mở bằng điện thoại mà mở bằng máy tính, khi mở ra thì thấy toàn chữ Trung Quốc và tôi đã tắt ngay. Tôi bắt đầu nhận ra có gì đó giống với các câu chuyện đã từng được nghe cảnh báo và tôi bắt đầu nêu lý do không chuyển được tiền, vì thực sự trong các tài khoản của tôi cũng không có tiền để chuyển. Kẻ gian còn yêu cầu tôi phải cam kết giữ bí mật cuộc gọi này, không được gọi cho bất cứ ai để không làm lộ chuyên án ma túy mà chúng đang điều tra.
Nhưng thật sự lúc đó tôi đã bắt đầu rối loạn đầu óc và đã gọi cho con trai báo cho cảnh sát khu vực tường trình sự việc. Đồng chí Cảnh sát khu vực đã bảo tôi dập máy điện thoại. Sau đó, họ có gọi lại mấy cuộc tôi không nghe, họ nhắn tin lại là "chúng tôi sẽ bắt chị lên trụ sở Công an để làm việc". Nhưng sau đó tôi nhắn lại thì họ đã chặn tin nhắn và hủy kết bạn Zalo với tôi.
Kết thúc vụ việc này tôi mới thấy thật không thể lường trước được những mánh khóe tinh vi của những kẻ lừa đảo".
Chị Nguyễn Thị Yến phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, cũng phản ánh về việc chị bị kẻ gian gọi điện lừa đảo: Ngày 23/8/2021 có người tự xưng là Nguyễn Mạnh Tuấn, nhân viên phòng Tài chính Công ty Điện lực Quảng Ninh gọi đến cho chị bằng số điện thoại 0843868967, thông báo số chứng minh thư nhân dân của chị có đăng ký điện sản xuất 3 pha tại TPHCM hiện nợ tiền điện hơn 50 triệu đồng. Do chị Yến có số chứng minh thư tại Quảng Ninh nên Điện lực TPHCM nhờ Điện lực Quảng Ninh thu hộ tiền điện trên, chị Yến trả lời: “Tôi ở Quảng Ninh không ở TPHCM và cũng không nợ số tiền điện như vậy”, đầu bên kia nói sẽ báo công an về sự việc này. Chị Yến cho biết thêm, cách đây 2 tuần cũng nhận được cuộc điện thoại đòi nợ tiền điện. Do chị Yến đã biết ngay đó là điện thoại lừa đảo, nên chị đã trả lời đầu dây bên kia rằng chị sẽ tự gọi cho Công ty Điện lực Quảng Ninh báo cơ quan Công an để xác minh, giải quyết.
Công ty Điện lực Quảng Ninh khuyến cáo, khách hàng tiếp nhận thông tin của ngành điện từ những kênh chính thống như SMS, email, qua website của Công ty hoặc Tổng đài Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 19006769.
Nếu khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực" hoặc xưng danh là “Công ty Điện lực Quảng Ninh” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của Công ty, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch, khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành điện qua các kênh CSKH để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đặc biệt, trong mọi trường hợp, PC Quảng Ninh khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()