Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:25 (GMT +7)
Cảnh báo vỡ đập
Thứ 7, 13/06/2020 | 05:48:21 [GMT +7] A A
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ đập nước tại tỉnh Phú Thọ và Nghệ An, khiến người dân không khỏi lo lắng. Mặc dù mùa mưa bão chưa tới thế nhưng đập đã vỡ cho thấy công tác kiểm tra, rà soát độ an toàn hồ đập cần phải được các ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai để tránh những sự cố đáng tiếc.
Sự cố vỡ đập hồ Đầm Thìn rộng hơn 15ha, chứa khoảng 600.000m3 nước ở xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vào sáng 28/5, đã làm người dân nơi đây hoang mang, lo sợ. Chiều dài đoạn đập bị vỡ khoảng 5m, nước tràn xuống hạ du. Tuy vụ vỡ đập không gây thiệt hại về người, song nhiều diện tích lúa chưa thu hoạch, ao nuôi trồng thủy sản của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Còn ở Nghệ An, dù đang trong quá trình nâng cấp, đập tràn Đô Lương trên sông Lam bất ngờ bị vỡ, cuốn trôi 40m đập tràn cũ. Sự cố xảy ra vào ngày 6/6, không có thiệt hại về người, tuy nhiên do không có nước, Nhà máy nước Đô Lương phải ngừng hoạt động, trên 7.800 hộ dân mất nước sinh hoạt. Được biết, đập do người Pháp xây dựng từ năm 1933, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và đang được tỉnh Nghệ An đầu tư, nâng cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng người dân vùng hạ du.
Hồ Yên Lập hiện đang là hồ chứa nước ngọt lớn nhất của tỉnh. |
Có thể nói, sự cố vỡ đập tại Phú Thọ và Nghệ An là hồi chuông cảnh báo cho các địa phương trong cả nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng, nhất là mùa mưa bão đang đến gần. Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, hồ đập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, phải được làm thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, bởi nếu xảy ra sự cố vỡ đập sẽ gây ra hậu quả thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp - nông thôn và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Với Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 179 công trình hồ đập trữ, chứa nước với nhiều hồ có sức chứa lớn như: Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh, Chúc Bài Sơn, Khe Cát, Cao Vân, Khe Chè… Trong đó, 139 công trình đang do các địa phương quản lý.
Mùa mưa bão đang đến gần, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, việc chuẩn bị, rà soát, kiểm tra các hồ đập để có phương án ứng phó sớm của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh là vô cùng quan trọng. Các cơ quan liên quan cần tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, triển khai nâng cấp, sửa chữa những hồ đập chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng nặng, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tài sản, tính mạng cho nhân dân trong mùa mưa lũ.
Cùng với đó là rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; phân cấp gắn trách nhiệm cụ thể với từng đơn vị, ngành, địa phương, người đứng đầu, trong việc quản lý hồ đập; rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn hồ đập.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ an toàn hồ đập chứa nước. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao quản lý, khai thác công trình cần có phương án vận hành, điều tiết nước hồ đập hợp lý. Việc duy tu, sửa chữa công trình cần tính đến những thay đổi của điều kiện khí hậu, thủy văn để bảo đảm an toàn hồ đập trong mọi tình huống.
Bài học vỡ đập từ tỉnh Phú Thọ và Nghệ An đã có. Mùa mưa bão đang đến rất gần, nhất là sự biến đổi khí hậu, thời tiết những năm qua rất khó lường, phức tạp thì các ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần phải vào cuộc ngay theo dõi, kiểm tra, rà soát hồ đập, phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, như vậy mới tránh được những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()