Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:33 (GMT +7)
Cảnh giác trước làn sóng thứ 2 dịch Covid-19
Thứ 7, 20/06/2020 | 04:35:57 [GMT +7] A A
Ngày 18/6, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đánh giá, tình hình dịch ở trong nước đã được khống chế, tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh trên thế giới vẫn còn hết sức phức tạp.
Hiện tại, Việt Nam đang ở trạng thái bình thường mới, với những nỗ lực cao độ để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch tốt, vừa đảm bảo khôi phục, phát triển mạnh kinh tế. Trong đó, yêu cầu đặt ra là các lực lượng phòng, chống dịch không được chủ quan, nới lỏng, sẵn sàng ứng phó với tình huống mới có thể xảy ra.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia, Việt Nam vẫn còn bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị; đồng thời việc đưa công dân Việt Nam về nước, đưa chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao người nước ngoài vào đang tiếp tục được triển khai, do vậy vấn đề công bố hết dịch cần hết sức cân nhắc. Bên cạnh đó, vẫn cần thắt chặt quản lý người nhập cảnh...
Tại Việt Nam, tính đến ngày 19/6, đã tròn 64 ngày cả nước không có ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Cũng tính đến thời điểm này, Việt Nam có tổng số 342 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 202 bệnh nhân được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Tổng số trường hợp mắc bệnh được chữa khỏi ở nước ta là 325/342 bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam. Các bệnh nhân còn lại đa số có sức khỏe ổn định.
Trên thế giới, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, đã có 215 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc. Toàn cầu đã tăng nhanh, vượt mốc hơn 8,4 triệu người mắc bệnh, trong đó số ca tử vong là hơn 451 ngàn người. Điều đáng nói là trong khi châu Âu tiếp tục xu thế giảm số ca mắc, thì dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành dữ dội ở châu Mỹ và đặc biệt là tại châu Á - nơi khởi phát của dịch bệnh vào cuối năm 2019. Theo các nhà chuyên môn, châu lục này đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ 2, khi hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện gần đây tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, trong đó đáng chú ý là các ổ dịch mới phát sinh liên quan đến một chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất châu Á ở Bắc Kinh. Tại đây, chỉ trong 6 ngày đã ghi nhận 137 ca mắc. Trước sự bùng phát của ổ dịch mới này, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hàng nghìn chuyến bay đến và đi từ thành phố này. Nhiều thành phố đã áp dụng cách ly bắt buộc đối với người đến từ Bắc Kinh...
Như vậy, nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 ở nhiều quốc gia trên thế giới là rất cao. Từ thực tế ổ dịch bùng phát ở Bắc Kinh mới đây, cho thấy dịch bệnh có thể tái phát ở bất cứ đâu, thời điểm nào nếu công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch không được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Việt Nam vui mừng vì đã qua hơn 60 ngày không ghi nhận có ca bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Các ca bệnh được phát hiện gần đây đều là người từ nước ngoài nhập cảnh vào, gần đây nhất là ngày 18/6 có thêm 7 ca bệnh trở về từ Kuwait. Tất cả các trường hợp này đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Mặc dù vậy, điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với các lực lượng phòng, chống dịch phải có sự phối hợp thật tốt, nhịp nhàng, chặt chẽ, nhất là trong thực hiện các quy định, nguyên tắc trong phòng, chống dịch. Không được phép chủ quan, lơ là khi thấy nhiều ngày qua không có ca bệnh lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là trong việc đón tiếp các công dân Việt Nam trở về từ nước ngoài và các chuyên gia, công nhân người nước ngoài đến Việt Nam làm việc.
Làm thật tốt công tác phòng, chống dịch, ngay từ biên giới, cửa khẩu, sân bay đến trong nội địa, thì làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 chắc chắn không có cơ hội xuất hiện tại Việt Nam. Chúng ta sẽ có một môi trường an toàn, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục, bù đắp những thiệt hại nặng nề về sản xuất, kinh doanh do hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra trong những tháng đầu năm vừa qua...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()