Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:43 (GMT +7)
Cảnh giác với nguy cơ sạt lở kè chắn đất
Thứ 2, 08/05/2023 | 15:48:23 [GMT +7] A A
Với đặc thù địa hình núi dốc, trên có những bãi thải than, hàng năm chịu tác động bởi số lượng cơn bão, lượng mưa lớn… khiến cho Quảng Ninh có nguy cơ cao về sạt lở. Thực tế Quảng Ninh đã từng chịu hậu quả nghiêm trọng trong đợt sạt lở bãi thải mỏ lịch sử năm 2015. Gần đây, Quảng Ninh liên tiếp xảy ra các vụ việc sạt lở bờ kè dân sinh, gây tổn thất về người và của.
Vụ sạt lở bờ kè tại tổ 4, khu 8, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long ngày 12/8/2021 đã làm 3 người chết, 1 người bị thương. Đây là tuyến kè dân sinh, người dân xây dựng để chắn đất làm nhà ở từ trước đó nhiều năm. Bản thân tuyến kè này vốn được xây dựng bê tông cốt thép khá chắc chắn, đã được định hình từ lâu. Sau này, một số hộ gia đình làm nhà trên đồi cao hơn và tiếp tục xây chồng lên tuyến kè để chắn đất, dẫn đến kết cấu kè yếu, thiếu kết dính giữa kè cũ và kè mới xây. Đây là nguyên nhân khiến kè bị đổ từ trên cao xuống, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Gần đây nhất, ngày 29/3, một vụ sập đổ bờ kè cũng đã xảy ra tại tổ 24, khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long làm 1 người tử vong. Theo thông tin của đơn vị chức năng cung cấp, công trình bờ kè này vốn được xây dựng tạm. Trong quá trình hộ dân mở rộng công trình nhà ở vị trí phía dưới đã làm ảnh hưởng chân kè, dẫn đến đổ sập.
Điều đáng nói, những kè dân sinh kiểu này hiện tồn tại phổ biến ở Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, nơi mà vốn người dân xây dựng nhà ở men theo triền đồi núi.
Theo ông Vũ Mạnh Huy, Chi cục phó Chi cục Thuỷ Lợi tỉnh, những công trình kè dân sinh chắn đất đang tồn tại trong các khu dân cư tập trung trên toàn tỉnh hiện nay tính an toàn không cao. Nguyên nhân bởi phần lớn là kè người dân tự xây, không theo quy chuẩn kỹ thuật, trải qua thời gian không được gia cố đầy đủ. Bên cạnh đó, việc hình thành ngày càng nhiều những dự án đô thị, hạ tầng trên đồi cao, làm giảm diện tích cây xanh, làm thay đổi dòng chảy, tỷ lệ bê tông hoá lớn khiến cho việc giữ đất, nước kém…
Chính bởi vậy, chỉ cần có mưa liên tục trong 1-2 ngày, dù là mưa nhỏ cũng đủ làm đất nhão ra, rất yếu hoặc khi mưa lớn thì hình thành những dòng chảy xô thẳng vào chân kè, khiến xô đổ những công trình kè đất, gây ảnh hưởng cho con người và tài sản phía dưới công trình kè.
Cũng theo ông Huy, mặc dù nguy cơ sạt lở kè chắn đất hiện nay là rất cao, tuy nhiên giải pháp thay thế cho công trình này gần như không có. Bởi thực tế việc xây dựng nhà ở bám các triền đồi núi dường như đã trở thành văn hoá kiến trúc của người dân. Nhất là trong bối cảnh hiện nay diện tích đất xây dựng nhà ở tại những khu vực bằng phẳng vùng trung tâm đô thị ngày càng ít, đắt đỏ thì giải pháp xây nhà ở tại vị trí cao được người dân lựa chọn.
Từ thực tế này cho thấy, các đơn vị chuyên môn, các địa phương cần thiết phải có những hoạt động hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống nguy cơ sạt lở kè chắn đất. Theo đó, chính quyền cấp cơ sở nắm sát địa hình, thực trạng, biến động số lượng kè chắn đất; kiểm tra, rà soát những công trình kè chắn không an toàn để có giải pháp gia cố cũng như cảnh báo người dân; yêu cầu người dân khi xây dựng kè chắn đất phải được hướng dẫn, tư vấn của đơn vị chuyên môn, đồng thời cam kết di dời đến nơi an toàn khi mưa bão kéo dài. Chính quyền cơ sở cũng cần chuẩn bị không gian cho người dân đến tạm trú khi cần thiết... Hơn hết các địa phương xây dựng quy hoạch hợp lý và quản lý quy hoạch đối với các dự án hạ tầng đô thị trên cao, qua đó giảm thiểu tác động, làm thay đổi môi trường tự nhiên dẫn tới làm yếu kết cấu địa chất, sập đổ những công trình trên đất, bao gồm cả các công trình kè chắn đất.
Việt Hoa
- Sở NN & PTNT và Hội Nông dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023-2025
- Sạt bờ kè vùi chết 3 mẹ con ở Cao Bằng: Gia đình nạn nhân từng gửi đơn ra phường
- Bình Thuận: Đồi cát Trinh Nữ tại danh thắng Bàu Trắng bị sạt lở nghiêm trọng
- Cao Bằng: Sạt lở kè đá khiến 3 người tử vong
- Xử lý sạt lở nguy hiểm trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An
Liên kết website
Ý kiến ()