Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:25 (GMT +7)
Cảnh giác với vi rút nguy hiểm Marburg
Thứ 2, 03/04/2023 | 10:22:49 [GMT +7] A A
Marburg - một dạng bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm, đang xuất hiện và có chiều hướng lan rộng ở Guinea Xích Đạo. Hiện đã có hàng chục ca lây nhiễm, trong đó có gần 10 ca tử vong. Trước đó, vi rút nguy hiểm Marburg đã khiến 5 người đã tử vong ở Tanzania. Như vậy, tới nay, thế giới đã ghi nhận có hàng chục trường hợp tử vong do liên quan tới đợt bùng phát vi rút Marburg ở hai nước châu Phi.
Trước tính chất nguy hiểm của vi rút Marburg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chức các nước tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh dịch do vi rút Marburg gây ra, khi số ca nhiễm vi rút này đang tăng nhanh ở một số quốc gia châu Phi và tỷ lệ người nhiễm có thể tử vong lên tới 88%. WHO cảnh báo thực tế trên cho thấy vi rút đã lan truyền rộng hơn và đòi hỏi các nỗ lực tăng cường ứng phó để tránh dịch bệnh quy mô lớn và thiệt hại về người.
Vi rút Marburg gây sốt xuất huyết, có độc lực cao. Nguy cơ tử vong của người nhiễm Marburg tương tự Ebola. Hiện không có vắc xin đặc trị hoặc phương pháp điều trị kháng vi rút cho căn bệnh này, nhưng việc cung cấp nước cho bệnh nhân và điều trị các triệu chứng cụ thể của người bệnh có thể cải thiện cơ hội sống sót.
Giống Ebola, Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do vi rút rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày và các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội kèm theo cảm giác bải hoải, mệt mỏi khó chịu. Các triệu chứng khác có thể có như: Đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn, thờ ơ chán chường, chảy máu qua chất nôn, phân và từ các bộ phận cơ thể khác. Đáng lo ngại, bệnh Marburg có thể gây tử vong thường sau 7-8 ngày khởi phát bệnh do mất máu hay sốc. Các triệu chứng diễn tiến nặng bao gồm vàng da, viêm tụy, suy gan, suy đa cơ quan và xuất huyết nặng. Tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao và không có dấu hiệu lâm sàng cụ thể cho bệnh Marburg. Điều đó có nghĩa rằng một bệnh nhân chỉ có thể được xác định mắc bệnh Marburg thông qua xét nghiệm kháng thể, kháng nguyên và chuỗi phản ứng polymerase.
Vi rút Marburg có đường lây truyền đa dạng. Theo WHO, dơi ăn quả được coi là vật chủ của vi rút để lây truyền sang người, mặc dù vậy dơi không bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể lây lan qua nhiều cơ chế khác nhau như: Tiếp xúc lâu dài với phân hay chất tiết của dơi trong hầm mỏ. Một người bị nhiễm vi rút nếu tiếp xúc trực tiếp (vết thương hở) với máu, chất tiết, tạng hay tiếp xúc gián tiếp dịch cơ thể ngay cả trên bề mặt hay dụng cụ (quần áo, ga trải giường) bị lây nhiễm dịch tiết, hay tiếp xúc bề mặt với thực phẩm nhiễm vi rút. Vi rút Marburg có thể lây truyền qua đường tình dục; lây truyền cho thai nhi qua nhau thai…
WHO cảnh báo, cách phòng ngừa tốt nhất ở thời điểm hiện tại là ngăn chặn sự lây truyền trực tiếp từ người sang người cũng như hạn chế sự lây lan vi rút từ vật chủ hoặc động vật bị nhiễm sang người.
Với Quảng Ninh, là địa bàn có nhiều cửa khẩu, lối mở, cảng hàng không, cảng biển quốc tế, cùng hoạt động giao thương, du lịch phát triển, nhộn nhịp, vì vậy hiện tỉnh đang tích cực, chủ động phòng, chống dịch do vi rút Marburg gây ra với phương châm từ xa, từ sớm.
Quảng Ninh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý y tế tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển quốc tế nhằm kiểm soát chặt chẽ người xuất nhập cảnh, phát hiện sớm để ngăn chặn dịch bệnh Marburg xâm nhiễm vào nội địa. Quảng Ninh cũng yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường giám sát trong cộng đồng, đẩy mạnh truyền thông các dấu hiệu của bệnh, đường lây. Các đơn vị y tế chủ động sẵn sàng cho việc thu dung cách ly điều trị nếu có ca mắc. Hiện bệnh do vi rút Marburg gây ra được Bộ Y tế phân loại là bệnh truyền nhiễm Nhóm A. Các trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ được đánh giá nguy cơ và cách ly nếu có nghi nhiễm.
Đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc vi rút nguy hiểm Marburg. Tuy nhiên, việc phòng bệnh từ xa, từ sớm là rất cần thiết, qua đó ngăn chặn dịch bệnh Marburg có thể xâm nhiễm vào nội địa.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()