Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 03:47 (GMT +7)
Cảnh giác với virut cúm gia cầm mới
Thứ 6, 07/09/2012 | 06:00:09 [GMT +7] A A
Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xác định được một loại virut cúm gia cầm H5N1 mới, được đặt tên là virut cúm gia cầm 2.3.2.1C, có độc lực rất cao. Nhóm virut này có khả năng mới xâm nhập vào Việt Nam và nguy cơ xuất hiện dịch trong giai đoạn hiện nay là rất cao.
Hiện tại, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở Hà Tĩnh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Cạn, Thanh Hoá và Quảng Ngãi, đã làm hơn 181 ngàn con gia cầm mắc bệnh, bị chết hoặc phải tiêu huỷ.
Một lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, cách đây 2 tháng, Việt Nam đã được thông tin về nhóm virut mới, xuất hiện ở Trung Quốc, có độc lực rất cao và khả năng gây chết người cũng rất cao. Hiện nhóm virut này đã xuất hiện tại Việt Nam.
Mặc dù hiện tại, dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra nhỏ lẻ (trong đó có ổ dịch đã tái phát trên địa bàn Quảng Ninh) và được bao vây, xử lý kịp thời, nhưng số lượng ổ dịch tái phát cao hơn so với các năm trước, và đáng lo ngại là virut có độc lực cao hơn. Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp. Trong khi đó tình trạng nhập lậu con giống, gia cầm thải loại không qua kiểm dịch vẫn còn khá phổ biến, là những nguy cơ tiềm ẩn có thể làm dịch lây lan, bùng phát trên diện rộng. Và nếu dịch bệnh còn tồn tại, không được chặn đứng thì thời gian tới ngành chăn nuôi sẽ vô cùng khó khăn.
Trong những năm qua, dịch cúm gia cầm đã gây điêu đứng cho nhiều hộ chăn nuôi trong cả nước. Người dân thiệt hại nặng về kinh tế, nhà nước phải lo công tác phòng chống dịch và tốn kém tiền của để hỗ trợ người chăn nuôi, tiêu huỷ gia cầm mắc bệnh. Không những thế, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người cũng rất cao. Và nếu loại virut cúm gia cầm H5N1 mới có độc lực cao lan ra diện rộng thì mức độ gây hại chắc chắn không phải là nhỏ. Bởi vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh và người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi cần cảnh giác cao độ với chủng loại virut mới này. Cụ thể là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ; tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm; tuân thủ nghiêm quy trình kiểm soát, kiểm dịch con giống. Đặc biệt, các lực lượng chống buôn lậu, kiểm soát biên giới, cửa khẩu tăng cường hơn nữa các biện pháp kiểm dịch động vật, ngăn chặn gia súc, gia cầm nhiễm bệnh nhập lậu vào nội địa.
Vụ việc bùng phát dịch lợn tai xanh ở lợn trên diện rộng tại Đông Triều xảy ra mới đây là bài học không nhỏ. Vì vậy, cần lấy đó làm kinh nghiệm để chỉ đạo, triển khai tốt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt là với loại virut mới có độc lực cao...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()