Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 07:46 (GMT +7)
Cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi như thế nào?
Thứ 4, 01/02/2023 | 09:57:09 [GMT +7] A A
Hiện nay cả nước có khoảng 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, gồm 10 triệu nam giới và 9 triệu nữ giới.
Tại dự thảo Luật CCCD (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất các quy định về cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam. Những chính sách này sẽ giúp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, Luật CCCD hiện hành không quy định về cấp thẻ CCCD cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ người dưới 14 tuổi, người không có nơi thường trú…) và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dân Việt Nam liên quan đến cấp, sử dụng thẻ CCCD và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh, cần phải có chính sách, quy định pháp luật để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; nhất là quy định về quản lý trường hợp người gốc Việt Nam; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.
Do vậy, dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) đã bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (hiện nay cả nước có khoảng 19 triệu người, gồm 10 triệu nam giới và 9 triệu nữ giới) và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Cụ thể, dự thảo Luật quy định, người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện cấp thẻ CCCD còn người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ CCCD theo nhu cầu. Công dân dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ, người giám hộ của công dân dưới 14 tuổi có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ CCCD.
Đối với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh. Khi cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh thì cơ quan tư pháp-hộ tịch chuyển thông tin đăng ký khai sinh và đề nghị cấp thẻ CCCD của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho cơ quan Công an để thực hiện việc cấp thẻ CCCD đồng thời với việc đăng ký cư trú.
Đối với công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân theo quy định cho trẻ em (trẻ em dưới 6 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học). Trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.
Người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, gồm người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam và con, cháu của người này, hiện nay là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Người gốc Việt Nam được cấp số định danh và được cấp giấy chứng nhận căn cước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra; được sử dụng số định danh của người gốc Việt Nam trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người đó trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, việc bổ sung đối tượng cấp CCCD và giấy chứng nhận căn cước sẽ bảo đảm việc phát huy các tiện ích, giá trị sử dụng của thẻ CCCD theo Đề án 06; giải quyết được các bất cập liên quan đến xây dựng Chính phủ số, xã hội số trong giai đoạn sắp tới. Nhà nước sẽ cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ cả đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng thẻ CCCD gắn chíp; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân dưới 14 tuổi khi được sử dụng thẻ CCCD. Công dân là trẻ em dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ CCCD (hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại…
Việc bổ sung chính sách cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi bảo đảm tính khả thi bởi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được dữ liệu sinh trắc học chính xác hơn. Ngoài ra có thể thu nhận các thông tin sinh trắc học khác. Bên cạnh đó, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan. Qua rà soát pháp luật của nhiều nước trên thế giới, Bộ Công an thấy rằng có một số nước quy định độ tuổi nhất định để đủ điều kiện cấp thẻ căn cước. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ căn cước cho cả công dân dưới 14 tuổi như Argentina, Bỉ, Chile, Colombia, Đức, Malaysia, Bồ Đào Nha, Syria, Thái Lan…
Việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi được thực hiện theo nhu cầu của công dân hoặc theo đề nghị của cha, mẹ, người giám hộ. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho công dân khi được quyền lựa chọn trong việc cấp giấy tờ tùy thân; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân khi thực hiện các giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch thiết yếu phục vụ cuộc sống, việc đi lại, học tập, khám chữa bệnh…
Việc thực hiện chính sách cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam sẽ giúp nhà nước quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()