Trong 2 ngày qua, tỉnh đã tiêm vaccine cho khoảng gần 4.500 công nhân, trong khi tổng nhu cầu công nhân và người lao động cần tiêm phòng là 100.000 người. Thứ trưởng Sơn cho biết dự kiến trong 7-10 ngày sẽ tiêm xong cho các trường hợp này. Bộ phận thường trực đặc biệt đã lên kế hoạch chi tiết, phân từng địa phương trong tỉnh.
"Nếu thiếu nhân lực tiêm vaccine, Bộ Y tế sẽ điều chuyển 1.000 sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã được tập huấn và sẵn sàng lên đường", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Sơn cho biết Bắc Giang tiếp nhận 150.000 liều vaccine. Ba nhóm được tiêm đợt này gồm: Nhóm tuyến đầu đã được tiêm lần 1, giờ tiêm lần 2; Nhóm tuyến đầu như công an, quân đội chưa được tiêm đợt trước; Nhóm công nhân để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất.
"Việc tiêm vaccine cho công nhân là tiền đề để một số các cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp có đầy đủ điều kiện về an toàn chống Covid-19 và có thể trở lại sản xuất", Thứ trưởng nói.
Bắc Ninh hôm nay cũng tiêm vaccine Covid-19 cho 600 công nhân môi trường. Tỉnh cũng đang tiến hành tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Ước tính khoảng 90.000 công nhân sẽ được tiêm trong thời gian tới.
Việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế nhằm phòng chống dịch bệnh.
Vaccine Covid-19 đang tiêm ở Việt Nam là của Astrazeneca. Đến nay, tổng số người được tiêm là 1.038.741. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 28.529 người.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hôm nay cũng nhấn mạnh tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên người đã được tiêm, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm một mũi vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.
Lý do, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.
Ngoài ra, vaccine không bảo vệ tuyệt đối nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác.
"Chính vì vậy, người được tiêm vaccine vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng", ông Thái nói.
Ý kiến ()