Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 06:46 (GMT +7)
Cắt giảm lãi suất
Chủ nhật, 21/12/2008 | 11:27:19 [GMT +7] A A
Chiều 19-12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn 8,5%/năm. Trước đó ngày 17-12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất chủ đạo (lãi suất các ngân hàng áp dụng khi cho nhau vay) từ 1% xuống mức 0- 0,25%.
Có 6 điểm đáng lưu ý. (1) Đây là mức thấp kỷ lục trong 54 năm qua (tính từ năm 1954). (2) Đây là mức lãi suất thấp nhất thế giới, thấp hơn cả mức lãi suất của Nhật Bản duy trì trong nhiều năm và mới đây đã hạ tiếp từ 0,5% xuống còn 0,3%. (3) Mức cắt giảm này lớn hơn so với mức dự đoán (0,5%) của nhiều chuyên gia trước đó. (4) Mức lãi suất hiện nay còn thấp hơn cả mức lãi suất 1% mà ông Alan Greenspan - cựu Chủ tịch Fed đưa ra - người mà nhiều nhà kinh tế hàng đầu đã coi với mức lãi suất này, ông là thủ phạm gây ra tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản Mỹ, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay - mặc dù ông vẫn là chuyên gia kinh tế uy tín hàng đầu trên thế giới hiện nay, người ngay từ lúc đầu tiên khi khủng hoảng xảy ra đã nhận định cuộc khủng hoảng lần này là cuộc khủng hoảng hàng trăm năm mới có một lần. (5) Cùng với việc cắt giảm mạnh lãi suất, Fed còn cam kết sẽ sử dụng “mọi công cụ có thể” để chống cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng cũng như tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài và tuyên bố sẽ có những bước đi khác nhằm kích thích hoạt động kinh tế và cho vay, trong đó có việc mua lại các khoản chứng khoán cầm cố lớn để giúp giải tỏa tín dụng. (6) Các điểm trên chứng tỏ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu rộng lớn, kéo dài và rất khó lường.
Sau động thái cắt giảm lãi suất của Fed, nhiều thị trường trên thế giới đã có phản ứng tức thì. Giá vàng tăng mạnh lên mức 860 USD/ounce - mức cao nhất trong 2 tháng qua - do các nhà đầu tư đã đổ tiền vào vàng nhằm bảo đảm an toàn và phòng tránh lạm phát. Giá USD giảm so với các đồng tiền mạnh khác: 1 USD lần đầu tiên chỉ còn mua được dưới 90 yên Nhật, tiếp tục giảm giá so với đồng euro, đồng bảng Anh…
Chỉ số chứng khoán của nhiều nước tăng điểm. Chỉ số DowJones của Mỹ tăng 4,2%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,7%, chỉ số S&P/ ASX của Australia tăng 2,1%, chỉ số NZX 50 của New Zealand tăng 0,7%... Giá dầu thô cũng tiếp tục giảm xuống còn dưới 40 USD/thùng, mặc dù OPEC vừa quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và Nga cắt giảm 200 nghìn thùng/ngày, là mức cắt giảm trong một lần lớn nhất từ nhiều năm nay.
Sự cắt giảm lãi suất của Fed cũng sẽ tác động đối với Việt Nam có thể dự đoán trên một số mặt.
Giá vàng đã vượt qua mốc 17 triệu đồng/lượng từ vài tuần nay, có xu hướng tăng lên cao hơn nữa. Giá USD trên thị trường tự do trong thời gian qua có xu hướng tăng lên, mấy ngày hôm nay giảm xuống, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng trên dưới 300 VND/USD so với tỷ giá trên thị trường chính thức.
Theo dự đoán, giá USD sẽ có xu hướng giảm nhẹ, mặc dù xu hướng nhập khẩu cho cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng lên, nhưng giá thế giới tính bằng USD giảm và giá USD giảm, nên giá USD trên thị trường tự do sẽ giảm xuống sát với giá trên thị trường chính thức. Lãi suất huy động và cho vay đối với USD của các ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng kéo xuống, bởi hiện đã cao hơn nhiều so với mức trên thị trường thế giới.
Giá hàng hóa nhập khẩu, kể cả giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm, tạo sức ép giảm giá hàng hóa nhập khẩu trong nước. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống. Chỉ số giá chứng khoán trên cả hai sàn sẽ tăng nhẹ.
Liên kết website
Ý kiến ()