Biện Nguyễn Khôi Nguyên, 13 tuổi, từng đọc hết hàng trăm cuốn sách lịch sử, được chọn đóng vai Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội tại phiên họp "Quốc hội trẻ em".
Khôi Nguyên đang học lớp 8A, trường THCS Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Em là một trong 5 học sinh của tỉnh tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, hôm 28-29/9.
Nam sinh được nhiều người biết đến cách đây ba năm, vì đãđọc hàng trăm cuốn sách lịch sử, gồm sách giáo khoa từ lớp 4 đến 12, quyển Thế giới 5.000 năm, sơ lược lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới cổ đại và trung đại, lịch sử Liên Xô... Nhiều cuốn lên đến 500 - 1.000 trang, đã được Nguyên xem qua ít nhất một lần.
Lúc đó, thầy cô trong trường, giảng viên Đại học Hà Tĩnh đánh giá Nguyên không chỉ nhớ các sự kiện mà còn biết so sánh, nêu ý nghĩa, rút ra các bài học. Đây là điều hiếm và đặc biệt ở một học sinh 10 tuổi.
Hiện nay, ngoài duy trì thói quen đọc sách lịch sử, Nguyên còn tìm những tác phẩm tiêu biểu của các sử gia, nhà khoa học, nguyên thủ trên thế giới để xem.
Ở trường, nam sinh luôn là học sinh xuất sắc. Em hai lần dẫn đầu kỳ thi Olympic tiếng Anh trên mạng cấp huyện; giành giải nhất thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp trường, là chỉ huy đội giỏi.
Với thành tích học tập tốt, hồi tháng 6, Nguyên được Huyện đoàn Cẩm Xuyên giới thiệu tham dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em". Qua các vòng xét duyệt, Nguyên được Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương phỏng vấn, chọn làm đại biểu chính thức.
Chủ đề của phiên họp năm nay là "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường". Nguyên kể, trước vòng phỏng vấn, em đã quay video dài ba phút, nêu sự cần thiết có các văn bản về phòng chống bạo lực, phòng chống tác hại của thuốc lá trong học đường.
"Khi được chọn, em mừng rỡ, ôm lấy bố, nói: Con được làm đại biểu quốc hội rồi", Nguyên nhớ lại.
Anh Biện Văn Quyền, bố của Nguyên, cho biết đã tìm các video họp Quốc hội cho con xem để hiểu về phiên khai mạc, chất vấn, bế mạc... Anh Quyền cũng để con tập phát biểu rồi quan sát về tốc độ nói, cách phát âm, ngôn từ, diễn đạt. Chỗ nào chưa ổn, anh góp ý luôn, chẳng hạn từ chỗ nói hơi nhanh, Nguyên giảm tốc độ và giữ nhịp tốt sau hơn một tuần.
Hồi tháng 7, Nguyên bước vào vòng chọn đại biểu chủ chốt (đóng vai Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch, Bộ trưởng giả định...). Đánh giá nam sinh Hà Tĩnh có kiến thức rộng, ăn nói lưu loát, Hội đồng Đội Trung ương "chấm" Nguyên cho vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục. Tuy nhiên, chức danh này sau đó không xuất hiện trong kịch bản của kỳ họp, vì thế Nguyên được chọn đóng vai Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội.
"Ban đầu em hơi bỡ ngỡ với vai này", Nguyên nói. Nam sinh tìm tài liệu về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các văn bản luật, thông tư, nghị định... liên quan đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đọc hết trong hơn một tuần.
"Tìm hiểu và nghiên cứu sâu, em thấy lĩnh vực rất hay, áp lực đã tan biến".
Tại phiên thảo luận tổ giả định hôm 28/9 về phòng chống bạo lực học đường, Nguyên nêu vấn đề chăm sóc trẻ em ở các tỉnh miền Trung khi bố mẹ các em đi xuất khẩu lao động. Nam sinh cho rằng cần xây dựng môi trường gia đình đầm ấm, gần gũi, tình cảm, bố mẹ quan tâm, nêu gương cho con.
Về phòng chống tác hại thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường, Nguyên đề xuất tạo ra một trò chơi mô phỏng để học sinh thấy tác hại của thuốc lá tới cơ thể như thế nào, quán triệt không nên thử chất kích thích dù chỉ một lần.
Đến phiên chất vấn ngày hôm sau, một đại biểu nêu câu hỏi: Một bộ phận lớn học sinh đang trong độ tuổi trẻ em, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện những giải pháp gì để góp phần giải quyết vấn đề bạo lực học đường?.
"Bộ có tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận các ý kiến của trẻ em. Khi các em gặp vấn đề tâm lý, có thể nảy sinh bạo lực học đường, cần phản ánh đến tổng đài, hoặc qua kênh thông tin của Trung ương Đoàn nhằm giải tỏa", Nguyên trả lời.
Theo bộ trưởng giả định, trường hợp người lớn bạo lực với trẻ em hoặc những vụ việc bạo lực liên quan trẻ em, Bộ sẽ lên tiếng để các cơ quan chức năng ở địa phương, nhà trường kịp thời giải quyết và nhận được sự quan tâm hơn của xã hội. Ngoài ra, Bộ sẽ tích cực tham gia về tư vấn tâm lý cho trẻ em, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực, trong đó có bạo lực học đường, bạo lực gia đình.
"Bộ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường có chuyên gia tư vấn tâm lý cho học sinh, hoặc xây dựng một cơ sở dữ liệu về chuyên gia tâm lý để các em có thể tìm đến giãi bày khi cần thiết", Nguyên nói thêm.
Nguyên cho hay nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu, bạn bè tại hội trường. Em cũng quay sang bên cạnh và thấy nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhìn mình cười tươi nên rất vui.
Khôi Nguyên phát biểu tại phiên thảo luận tổ của "Quốc hội trẻ em", ngày 28/9. Video: Truyền hình Quốc hội
Trở về sau phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", nhiều bạn bè trêu đùa, gọi Nguyên là "Bộ trưởng". Nam sinh cho hay đã "thoát vai", xem đó là một trải nghiệm quý báu, được tích lũy thêm kiến thức, làm quen nhiều bạn mới.
"Đây là diễn đàn tốt để trẻ em trình bày mong muốn của mình", Nguyên nói. Nam sinh lớp 8 ước mơ trong tương lai trở thành một nhà ngoại giao giỏi.
Cô Đặng Thị Hồng Anh, giáo viên chủ nhiệm, đánh giá Khôi Nguyên học giỏi đều, nổi bật là ngoại ngữ. Ngoài tiếng Anh, em còn tự học cả tiếng Pháp.
"Kỹ năng sống của em ấy cũng rất tốt, năng nổ trong mọi hoạt động ngoại khóa, hòa đồng với bạn bè", cô Hồng Anh nói.
Khôi Nguyên trả lời các câu hỏi về lịch sử Việt Nam, năm 2021, khi 10 tuổi. Video: Đức Hùng
Tổ chức lần đầu năm 2023, "Quốc hội trẻ em" là diễn đàn để học sinh thể hiện tiếng nói, đồng thời tạo cơ hội để các em tập dượt sinh hoạt chính trị. Đây là mô hình mới, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề phù hợp với tâm lý, khả năng, phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến ở các vấn đề liên quan.
Ý kiến ()