Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:10 (GMT +7)
Câu cá, từ một thú chơi…
Chủ nhật, 13/06/2021 | 08:24:13 [GMT +7] A A
Đợt nọ, nhân chuyến công tác về một địa phương khu vực miền Tây của tỉnh, chúng tôi được mấy người bạn mời tới ăn… bên hồ, bảo để đổi gió một chút...
Câu cá gắn với dịch vụ ẩm thực
Vậy là chúng tôi đi theo, từ đường chính phải đi vòng vèo một chặng khá xa mới tới. Hoá ra, chiếc hồ lớn này vốn là nước chảy từ suối, qua một con đập tràn mà hình thành, từ đây cũng là nguồn cung cấp nước tưới cho vùng hạ lưu. Chủ nhà hàng thuê lại hồ để kinh doanh trên cơ sở tận dụng mặt nước tự nhiên, với điều kiện không tác động gây ảnh hưởng tới nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp nơi đây.
Hồ khá lớn, lại sâu tới cả chục mét nên cá tự nhiên sẵn, mà tôi đồ rằng chủ nhà hàng có lẽ cũng thả thêm cá để phục vụ khách (?) Nhà hàng nằm bên hồ, khung cảnh thoáng đãng, có một số lều làm bằng tre, gỗ, mái lá khá rộng và nhiều điểm ngồi tự nhiên khác, lại trang bị sẵn cần, sẵn mồi, khách đến ăn có thời gian dư dả thì tự kiếm cái cần ưng ý, móc mồi vào rồi kiếm chỗ câu tuỳ ý. Đồ ăn đa dạng, từ gà, vịt trời, cá sông, có cả các loại cá nhỏ bắt ngay tại hồ…
Câu chuyện qua lại, mấy người bạn mới bảo, sở dĩ chọn điểm ngồi xa như vậy vì có phong cảnh tự nhiên thú vị, các không gian thoáng, cách xa nhau cũng an toàn hơn trong bối cảnh dịch giã có nhiều nguy cơ thời gian qua… Cô nhân viên phục vụ bê món cá lên, chúng tôi đùa hỏi có phải cá bắt dưới hồ lên không? Cô cũng vui miệng bảo, là cá dưới hồ… Ông chủ nhà hàng dân dã cũng ghé những phòng có khách quen giao lưu đôi ba chén, vài câu chuyện vui, quý nữa có khi còn mời khách thưởng chén trà ngon vốn để dành từ lâu…
Kể xa, kể gần dẫn dắt bạn đọc vậy bởi khi tìm hiểu chúng tôi mới hay, nhiều điểm nhà hàng, quán ăn ở không ít địa phương đã tranh thủ khung cảnh tự nhiên là các hồ, đập lớn để thu hút thực khách mê câu cá.
Một “cần thủ” chia sẻ thông tin với chúng tôi rằng, thực tế thì các điểm câu cá tự nhiên trên địa bàn Quảng Ninh hiện nay không còn nhiều, vì các ao, đầm, hồ, đập thì đa phần đã giao cho người dân quản lý, nuôi trồng, khai thác. Vậy nên những người mê câu cá có xu hướng tìm đến các hồ làm dịch vụ để câu, trả tiền để được câu, thoả mãn thú vui cá nhân của mình.
Ở các địa phương có nhiều ao, hồ, đập, đầm phá như Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí… nơi nào cũng có thể tìm ra vài điểm câu cá thư giãn hay câu cá gắn với các điểm nhà hàng, quán ăn. Hạ Long cũng vậy, khi sáp nhập Hoành Bồ để mở rộng Hạ Long thì số điểm câu dịch vụ nơi đây tăng lên khá nhiều. Nhưng có một điểm hay là đa phần các chủ quán kiểu này cho khách câu cá mà lại không thu tiền theo giờ câu.
Một người bạn tôi rất mê câu cá kể rằng, tại một hồ câu trong xã Thống Nhất (TP Hạ Long), khách câu lên mà lấy cá ăn tại chỗ là 100 nghìn đồng/kg, mang về thì 50 nghìn đồng/kg, chủ yếu là rô phi, chép... Mà câu lên không thích ăn, cũng không lấy mang về thì có thể gỡ lưỡi câu ra rồi thả cá xuống hồ, ao bình thường.
Nhưng thông thường, đã vào các điểm câu dịch vụ thì khách cũng đặt ăn tại đó luôn, ngoài cá còn nhiều món khác nữa. Các điểm dịch vụ như vậy làm ra với mục đích để thu hút khách là chính, xung quanh hay có các chòi, lều nhỏ cho khách có thể ngồi theo nhóm hoặc tìm những chỗ ngồi câu một mình. Với không gian mở, gắn với thiên nhiên nên nhiều gia đình cũng chọn các điểm câu dịch vụ như điểm dã ngoại cuối tuần cho cả nhà thư giãn, câu cá hay cắm trại vui chơi…
Thú câu cũng lắm công phu
Trở lại với thú vui câu cá vốn là cơ sở hình thành các dịch vụ như trên. Mặc dù có nói giờ các ao hồ tự nhiên hiếm vì đã giao cho các hộ dân nhưng không phải không có các điểm câu cá tự do. Nhưng theo kinh nghiệm của người câu thì những điểm này cá không nhiều. Muốn câu tốt phải lựa thời điểm trời mưa, nước lên cao mới có nhiều cá… Tuy nhiên, với những người chỉ xem câu cá là thú vui, để gần hơn với thiên nhiên, muốn có những giờ phút thư giãn thì việc đi câu được nhiều hay ít cá hẳn là không quá quan trọng (?)
Cũng lại phải nói thêm rằng, dân đi câu chơi có nhiều kiểu. Qua khảo sát nhỏ từ thực tế cho thấy, những người mong muốn có trải nghiệm thực sự, để cho tư tưởng thư giãn thường muốn đi câu một mình. Có người chỉ đi câu cho vui, có người thử để xem mình có câu được cá không… Chính vì vậy, nhiều nhóm hay gọi bạn bè, rủ nhau đi câu. Tuy nhiên, điều này hơi ngược với logic của việc câu cá vốn đòi hỏi sự tĩnh lặng, nhóm đông người đi câu thường tạo ra sự ồn ào. Nếu không biết chia nhóm, không có sự thống nhất với nhau thì dễ “xôi hỏng bỏng không”.
Anh bạn tôi lý giải: Một số loại cá, nhất là con sống lâu năm cứ nghe tiếng động là chạy, hoặc qua bóng nước thấy người câu trên bờ làm cá sợ… Dân câu gọi vui đây là những con cá đã “thành tinh”, bởi chúng ít nhiều đã được “nếm mùi đau khổ” từ các cần thủ, thậm chí có con đã được câu lên thả xuống nhiều lần.
Với dân đi câu hay dùng từ “sát cá”, tuy nhiên lý giải sâu về việc người nào đó “sát cá” hay không lại cho thấy không phải… tự nhiên mà có. Anh bạn mê câu cá khẳng định với tôi: Chả có ai là sát cá cả, câu được cá hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mồi câu, đồ câu, cách câu là một chuyện, sự kiên trì cũng là điểm quan trọng. Người kiên trì có thể ngồi lặng lẽ hàng tiếng không câu được con cá nào vẫn không thấy sốt ruột.
Còn điểm quan trọng nữa (tôi nghĩ thực tế thì đúng hơn) là chỗ câu phải… có cá, câu vào đúng mùa, tuỳ từng thời điểm trong ngày, lúc cá đói... Cá cắn câu nhiều nhất là vào lúc trời mưa (mưa thôi chứ không có mưa dông sấm sét nhé, người cũng hãi nói gì cá), thời tiết mát mẻ chứ giữa trưa nắng chẳng hạn thì không có chuyện cá cắn câu. Cá cũng mẫn cảm với thời tiết, nắng nôi thì nó cũng nấp vào những chỗ mát, bụi cây, nghỉ ngơi ở bên dưới chứ nó cũng như người, không phải lúc nào cũng ăn…
Như vậy, kỹ thuật, kiến thức về tự nhiên của người câu sẽ quyết định rất nhiều đến kết quả của buổi câu. Mà những điều này thì không phải ai cũng biết, cũng có sự kiên trì, chịu dành thời gian để tìm hiểu.
Vì vậy, giờ đây, để hỗ trợ người câu, người ta dựa vào tập tính của từng loại cá sản xuất ra những loại mồi mà cá thích ăn. Dùng loại mồi này câu cá cho hiệu quả cao về số lượng cá, ngược lại với dân mê câu cũng mất đi cái thú nhất của người câu cá, đó là câu cá bằng mồi tự nhiên, như nhái, giun, dế, khoai luộc, chuối chín…
Câu cá thành dịch vụ du lịch
Đi câu giờ là thú chơi lắm công phu. Còn ngày xưa, đi câu là thú vui rất phổ biến của đám trẻ ở quê chúng tôi, đặc biệt vào những ngày trời mưa nhỏ. Không có cần bán sẵn, mấy đứa rủ nhau đi chặt cây tre làm cần, tự buộc dây cước, cắt dép xốp cũ hoặc lấy lõi sắn làm phao, tự làm lưỡi câu bằng tanh và nan hoa xe đạp, cầu kỳ hơn còn làm bát cước gỗ với cần câu lắp thêm khoen ở đầu, bắt nhái để câu cá chuối… Khi ấy, vác cần đi câu cá như một trò vui và cũng là kiếm cái để ăn.
Giờ không chỉ có mồi mà đồ nghề, phương tiện câu cũng phát triển lên rất nhiều với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật. Đồ đi câu của dân mê câu không chỉ sẵn, phong phú về chủng loại mà kể ra đầu tư khá tốn phí. Có những “đại gia” đầu tư cả trăm triệu cho đến cả chục tỷ đồng, từ sắm tàu, xuồng đi câu biển cho đến việc đặt đồ câu xịn từ nước ngoài về, với mỗi chiếc cần câu có giá lên đến hàng ngàn đô…
Quảng Ninh có cả vùng núi, cả đồng bằng, cả biển nên không chỉ có câu ở ao đầm, hồ nước ngọt mà còn câu cá ở các sông lớn, ở những con suối nước chảy, câu cá ở biển. Vào những chiều hè râm mát, hình ảnh các thanh niên, trung niên, cao tuổi và cả trẻ con vác cần theo đi câu ở các tuyến đường ven biển của Hạ Long cũng không phải là hiếm.
Và không chỉ tận dụng các khu đầm, ao hồ tự nhiên làm điểm dịch vụ câu gắn với ẩm thực như đề cập ở đầu bài viết, một số địa phương, doanh nghiệp du lịch còn nắm bắt nhu cầu câu cá làm thành dịch vụ phục vụ du khách trải nghiệm, rồi bên cạnh câu cá còn mở rộng với các loại hình câu tôm, câu mực…
Sớm nhất ở Hạ Long có lẽ là tour trải nghiệm “Một ngày làm ngư dân” tổ chức cho du khách câu cá tại các khu làng chài trên Vịnh Hạ Long từ cách đây hơn chục năm. Gần đây thì tour này phát triển thêm nhiều hơn ở các vùng đảo như Vĩnh Thực, Cái Chiên, Quan Lạn, Minh Châu, Vân Đồn, Cô Tô… Câu mực đêm đã trở thành thú vui của dân du lịch ở vùng biển vào mùa hè như thế này những năm gần đây…
Tôi vốn không mê câu, viết bài này chợt nghĩ có lẽ vì tôi không kiên trì ngồi im lặng được, chỉ câu một lúc mà cá không cắn câu là tôi chán ngay... Ấy vậy mà anh bạn tôi chia sẻ, anh câu cá rô phi là loại phàm ăn, dễ cắn câu, một lúc có thể câu được mấy chục con. Là thú câu nên có khi anh chỉ câu chơi, câu ăn không hết thì lại thả. Tôi cứ nghĩ đến hình ảnh con cá mắc câu… thì lo ngại cá thả xuống rồi không sống nổi. Anh bạn bảo: Không sao, gỡ ra cá vẫn sống bình thường. Vết thương do lưỡi câu rồi lại lành thôi. Nhưng những con cá đấy nó sẽ khôn dần lên, khó bị mắc câu lần nữa.
Lại nhớ đợt trước, tôi rủ đi câu để lấy ảnh cho bài viết thì anh bạn tỏ vẻ kiêng kị, bảo: Nay mùng 1 thì thôi không nên đi câu, con nào dại cắn câu, câu nó lên, tội nó…
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()