Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 17:36 (GMT +7)
Câu hát thành trend
Thứ 5, 03/06/2021 | 07:52:51 [GMT +7] A A
Ngay khi rapper Đen Vâu vừa ra mắt MV Trốn tìm, câu hát “Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/Để khi đi trốn có người đi tìm” và một loạt câu hát khác trong ca khúc đã được chia sẻ khắp mạng xã hội.
Muôn kiểu tạo trend
Đen Vâu được coi là rapper mát tay trong việc tạo trend (trào lưu). Ngay như tựa đề của nhiều ca khúc do anh sáng tác cũng dễ dàng trở thành trào lưu trên mạng xã hội, có thể kể đến như Đi về nhà, Bài này chill phết, Đưa nhau đi trốn...
“Cách gieo vần, chơi chữ - một trong những yếu tố quan trọng nhất của rap, rất gần với cách gieo vần của thể thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ ngũ ngôn của người Việt. Chính bởi vậy, nhạc rap tưởng là mới lạ, nhưng hóa ra lại rất gần gũi. Những câu hát trong nhạc rap dễ dàng lan tỏa và được khán giả Việt đón nhận”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói. Ông nhìn nhận ngoài những yếu tố cơ bản của rap, cái giỏi của Đen Vâu còn nằm ở sự độc đáo trong cách sử dụng ngôn từ, cách chơi chữ, kỹ thuật đảo chữ cùng thông điệp truyền tải. Đó cũng là lý do vì sao nhiều câu hát do Đen viết khiến nhiều người “càng nghe càng cảm thấy gần gũi”, rồi thích thú chia sẻ.Thời gian qua, mạng xã hội liên tục xuất hiện những chia sẻ Sài Gòn đau lòng quá, cùng hình ảnh quán xá đóng cửa, dây giăng phong tỏa nhiều nơi... khi TP.HCM bắt đầu vào đợt giãn cách. Sài Gòn đau lòng quá chính là tên bài hát của Hứa Kim Tuyền ra mắt hồi tháng 3 năm nay và sau 2 tháng, ca khúc đạt hơn 30 triệu lượt xem trên YouTube, 1 tỉ lượt trên TikTok, 10 triệu lượt streaming (Spotify/Apple Music/NCT) và đến nay vẫn chưa nguôi “cơn sốt”. Nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền cho biết bài hát này được anh sáng tác đã lâu, khi chia tay người yêu cũ chứ không liên quan đến… dịch Covid-19. Theo nhạc sĩ sinh năm 1995 này, việc bài hát thành “hit” hay tạo trend một phần còn do vô tình hợp hoàn cảnh xã hội hiện tại.
Còn nhớ, ca khúc Hơn cả yêu (nhạc sĩ Khắc Hưng) do Đức Phúc thể hiện từng vào top thịnh hành của YouTube chỉ sau 1 ngày ra mắt. Nội dung ca khúc là câu chuyện đẹp về tình yêu, thế nhưng câu hát trong bài “cao hơn cả núi/dài hơn cả sông/rộng hơn cả đất/xanh hơn cả trời” được trích dẫn và tạo thành làn sóng trên mạng xã hội sau đó với những gán ghép để diễn tả khi bài tập về nhà chồng chất, kỳ nghỉ kéo dài vì Covid-19 hay giá cả leo thang...
Hoặc với Em không sai, chúng ta sai (Nguyễn Phúc Thiện sáng tác, do Erik thể hiện), không chỉ vũ đạo trong MV thành trend trên mạng xã hội mà cả câu hát “anh thật sự ngu ngốc” cũng được chia sẻ liên tục để gắn với các thông tin trên báo chí về những trường hợp trốn cách ly và thông tin sai sự thật về phòng chống dịch Covid-19...
Sài Gòn đau lòng quá đang được chia sẻ cùng hình ảnh thành phố đang chống dịch những ngày qua ẢNH: NSCC |
Để ca khúc không bị trôi đi
Trong nhiều trường hợp, đứng sau việc tạo trend, tạo viral (lan tỏa trên mạng) cho sản phẩm âm nhạc là cả ê kíp. Ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV cùng thể hiện ca khúc trong MV Trốn tìm của Đen Vâu) cho rằng: “MV Trốn tìm có thể được xem là một sự tính toán nhanh nhạy và hiệu quả của ê kíp Đen Vâu. Những hình ảnh cài cắm trong MV chứa đựng nhiều thông điệp ẩn sau đó. Khán giả cũng tiếp tục quen với việc phải tự mình vận dụng tư duy để tìm hiểu từng chi tiết, thông điệp của ca khúc rồi phá lên cười khi nhận ra được điều gì đó cùng “sóng” với chính mình. Đó là sự thú vị trong âm nhạc của Đen”.
Bên cạnh đó, theo Lê Minh, đội ngũ làm viral cho Đen Vâu đã xuất sắc khi lấy hình ảnh trong MV Trốn tìm để đưa vào nội dung kêu gọi thực hiện các biện pháp an toàn trong mùa dịch một cách rất khéo léo, chẳng hạn câu “đừng trốn vì sẽ được tìm” dành cho những người trốn cách ly. “Nhưng dù có chủ đích làm viral thì thật sự, ý tưởng của MV vẫn là một ý tưởng rất hay để lan tỏa, bởi sản phẩm này cũng bao hàm ý nghĩa bảo vệ môi trường đến cộng đồng với hình ảnh mỗi người tự biến thành một cái cây, góp phần tác động vào ý thức trồng cây gây rừng, bảo vệ thiên nhiên”, anh nói.
Ca sĩ Anh Tuấn (nhóm MTV) nhận xét: “Âm nhạc phản ánh thực tế cuộc sống đương thời. Màu sắc, tiết tấu âm nhạc cũng đi cùng với guồng quay của xã hội. Bởi vậy, âm nhạc thời nào sẽ hợp với xu hướng và khán giả thời đó. Với xu hướng âm nhạc hiện nay, khán giả cảm thấy thích thú với phần ca từ. Bởi vậy, nhiều nhạc sĩ trẻ thích sử dụng ca từ vừa có vần điệu và cho thấy thú vị với nhiều tầng ý nghĩa. Họ thích dùng ca từ như một cách chơi chữ, cũng như tạo thành keyword (từ khóa)... mang đến nhiều thú vị cho người nghe”.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng đồng tình với quan điểm: “Câu hát thành trend phản ánh đời sống âm nhạc đại chúng, trong đó chủ yếu dành cho giới trẻ hiện nay”. Ông nhận xét: “Trong thời đại số, mọi thứ trôi qua ào ào. Một dòng chia sẻ trên mạng xã hội hay một ca khúc cũng sẽ trôi rất nhanh nếu không có gì khiến người ta phải nhớ. Trong khi đó, khán giả Việt xưa nay thường quan trọng lời hát hơn âm nhạc. Một vài từ hay một vài câu hát ngắn khiến mọi người phải nhớ để ngẫm nghĩ, thậm chí chỉ để nói vui hoặc đưa ra những câu nói phái sinh chia sẻ trên Facebook hay TikTok, cũng khiến bài hát đó được lan rộng, không dễ bị trôi đi”.
Theo thanhnien.vn
Liên kết website
Ý kiến ()