Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:57 (GMT +7)
Câu trả lời cho hiện tượng học sinh bỏ học
Thứ 3, 18/03/2008 | 04:56:50 [GMT +7] A A
Trước dư luận bức xúc về tình trạng nhiều học sinh bỏ học ở các địa phương trong cả nước, mới đây lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp báo xung quanh vấn đề này. Theo thống kê trong 5 năm qua, cả nước có hơn 3,5 triệu học sinh bỏ học, trong đó chiếm tỷ lệ cao là ở các bậc học tiểu học và THCS.
Lý giải nguyên nhân học sinh bỏ học, các vụ chức năng của Bộ GD-ĐT đều cho rằng do học lực yếu kém; nhà trường chưa thực sự hấp dẫn đối với học sinh; hoàn cảnh gia đình khó khăn; trình độ dân trí một số vùng miền còn thấp nên nhận thức và trách nhiệm của cha mẹ học sinh về việc học tập của con em còn hạn chế; dân cư vùng dân tộc sống rải rác, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến việc đi học và duy trì sĩ số... ở bậc THCS còn có nguyên nhân do nhiều em trong độ tuổi lao động phải tham gia phụ giúp gia đình; hiện tượng di chuyển nơi cư trú, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể một số địa phương chưa thực sự quan tâm; trường học một số vùng còn quá nhiều khó khăn, chưa đủ điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học...
Ở Quảng Ninh, tuy không nhiều nhưng một vài năm qua cũng có hiện tượng học sinh bỏ học. Số học sinh bỏ học phần lớn tập trung ở các địa bàn còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân là do các em học lực yếu kém không theo nổi chương trình, nhà ở quá xa trường lớp, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn...
Dù lý giải thế nào thì hiện tượng học sinh bỏ học nhiều và diễn ra trong thời gian dài cũng thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục và các cấp chính quyền địa phương đã thiếu sâu sát, chưa quan tâm đúng mức và không có biện pháp khắc phục kịp thời. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, việc học sinh bỏ học là điều đau xót và mấu chốt của vấn đề chính là việc phối hợp, quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội chưa tốt.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, trước mắt Bộ sẽ rà soát lại về nội dung chương trình, sách giáo khoa, sớm phân loại học sinh để phân công giáo viên dạy cho phù hợp. Ngành cũng tập trung phát triển mạng lưới trường lớp cho gần học sinh hơn, tăng cường điều kiện để đảm bảo cho học sinh học tập. Cùng với đó sẽ đi sâu đánh giá giáo viên qua bộ chuẩn nghề nghiệp.
Hy vọng, những “bài thuốc” mà ngành giáo dục đưa ra sẽ “chữa trị” được căn bệnh bỏ học của học sinh đã kéo dài nhiều năm qua...
Liên kết website
Ý kiến ()