Tất cả chuyên mục

“Cây đa phố làng” là tập thơ thứ 5 của Vũ Xuân Hồng. Phải nói, Vũ Xuân Hồng có sức viết thật sự sung sức. Sung sức trong chiều sâu cảm nhận, lý giải cuộc sống và niềm hoài vọng về ký ức làng quê xưa...
![]() |
Trang bìa tập thơ “Cây đa phố làng” của Vũ Xuân Hồng. |
Từ những vấn đề của sự sống thường nhật, trường suy tư của anh khiến ta cảm phục và suy nghĩ: “Dòng sông”, “Vàng thau”, “Cõi người”. Đi từ triết lý tự nhiên, phi nhiên mà mở ra cả tầm tư tưởng, cảm xúc ào ạt tuôn chảy. Có thể nói “Cây đa phố làng” cũng chính là “Đất quê”, “Hồn xưa” da diết và cháy bỏng trong khát vọng và khắc khoải của anh. Với tần suất lớn cứ trở đi trở lại: “Ngày trở về” (Những dòng sông), “Gọi ta trở về” (Đất quê) không chỉ là hoài niệm về quê hương thuần tuý mà thực sự đó là tình cảm cháy bỏng, sâu nặng, thấm đẫm vào thi phẩm. Tôi nghĩ từ bản sắc văn hoá nguồn cội - dân tộc như chính nhà thơ xác lập ý và đó là sự hữu hình hoá:
Phải chăng tiếng cuốc bờ tre/ Hồn xưa khắc khoải lời thề nước non
(Hồn xưa)
Ngôn ngữ, chữ nghĩa Vũ Xuân Hồng là sự tinh lọc chiết xuất đến mức tinh tế trong những chuyển động:
Những dòng sông đều chảy ra biển/ Đến đoạn quanh co khúc khuỷu/ ngoảnh đầu nhìn lại/ Biết ơn sự cưu mang/ Khắc khoải ngày trở về
Hay với cái nhìn nhân ái, chứa đựng sự cảm thông đậm tình nghĩa:
Khổ đau muôn kiếp phong trần/ Thác gửi vào đất mà thành Hồn quê
(Đất quê)
Những câu thơ này là sản phẩm của tưởng tượng, liên tưởng của tầng sâu ký ức, đọc rồi còn mãi xúc động, bồi hồi đến ám ảnh.
Nỗi niềm trắc ẩn của “Cây đa phố làng” như những giai điệu tao nhã. Đây đó là những câu thơ mang chứa những vẻ đẹp buồn:
Cây đa, bến nước, sân đình/ Thiêng liêng hồn cốt quê mình trong tôi/ Nâu sồi, nón lá, áo tơi/ Củ khoai, hạt thóc nuôi tôi thành người/ Mưu sinh khắp nẻo phương trời/ Mồ hôi mách bảo tôi người nhà quê...
Trong cái toàn thể của tập thơ, hồn quê là một trong những bông hoa đẹp:
Chân trần nhớ cỏ ven đê/ Lời ru mẹ dẫn con về... ngày xưa!
(Hồn quê)
Chỉ “tiếng gió gọi đò” mà ngẫm nghĩ, thao thức “bâng khuâng” là thế!
Vẳng nghe tiếng gió gọi đò/ Bâng khuâng chợt nhớ đôi bờ dòng sông
Buồn nhớ man mác, xa vời, nhà thơ đã cá nhân hoá một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn. “Đất quê” là sự mát mẻ, nhuần nhị:
Ngát bùn sen nở hồng tươi/ Hội làng hoa gạo vẫn cười tháng ba
Trong tư duy và giọng điệu thơ, tác giả luôn biến hoá mà thật sự ấm áp:
Bùn vương thơm áo mẹ cha/ Hồn quê, hương đất gọi ta trở về...
Vẫn biết “Cây đa phố làng” Vũ Xuân Hồng viết cho mọi người, với cách ứng xử phù hợp, tài hoa mới lạ trong cách tân ngôn ngữ, cảm xúc, suy tư vừa dí dỏm lại hóm hỉnh hơn:
Lòng buồn mỗi dịp thăm quê/ Hồn quê sao chẳng còn về theo ta
Trong cái logic nội tại, lắng đọng lại là nỗi buồn, sự cô đơn trống trải... Thay vào đó, là những liên tưởng cũng rất đời và cũng rất người mà tạo nên kiểu diễn ngôn dân chủ, đa diện, giàu màu sắc, làm nên nét duyên của cây bút thơ Vũ Xuân Hồng như chính anh vẫn mãi chiêm nghiệm:
“Trăm năm trong cõi người ta”/ Vàng - thau sau trước vẫn là vàng - thau...
Võ Thanh Thủy (CTV)
Ý kiến ()