Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 18:20 (GMT +7)
Chăm lo cho đời sống người dân nông thôn
Thứ 7, 26/08/2023 | 06:20:15 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, nông nghiệp chỉ chiếm gần 6% trong GDP. Tuy nhiên, dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm gần 50%. Do đó, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn.
Với mục tiêu đưa nước sạch về nông thôn, tăng dần tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, từ đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và những nơi thiếu nguồn sinh thủy.
Tháng 3/2015, công trình cấp nước tập trung xã Hải Lạng - Đồng Rui được hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 690 hộ dân 2 xã với công suất gần 100m3/ngày đêm. Công trình có tổng mức đầu tư gần 31 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông quản lý.
Ông Ngô Thành Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên), cho biết: Trước đây, các hộ dân trên địa bàn xã phải sử dụng nước khe, suối. Vào mùa khô, người dân phải đi rất xa lấy nước sinh hoạt. Thêm vào đó, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nên người dân trên địa bàn xã rất lo lắng về sức khỏe. Khi công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nguồn nước sạch ngày càng tăng lên, chất lượng đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhiều bệnh tật có liên quan đến nguồn nước đã được khắc phục triệt để.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 262 công trình và hệ thống công trình cấp nước khu vực nông thôn. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,96%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 86,37%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 70,16%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là 67,17%.
Nhằm nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, chăm lo cho đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc thực hiện xóa mù chữ.
UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và phổ cập giáo dục xoá mù chữ nói riêng. UBND tỉnh còn ban hành “Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh giai đoạn 2022-2025”, trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm học tập cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục xóa mù chữ.
Những năm qua, ở các huyện như Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà… đã tổ chức rất nhiều lớp học xóa mù chữ cho người dân. Nhờ đó người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các thông tin mới, nâng cao hiểu biết, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.
Chị Nịnh Thị Chắn, thôn Ngàn Vàng Giữa (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu), chia sẻ: Trong thôn giờ nhiều người biết đọc, viết, tính toán, mình không biết thì lạc hậu lắm. Sau một thời gian theo học lớp xoá mù chữ, tôi có thể viết tên và đọc, viết một số từ đơn giản khi làm các TTHC mà không cần điểm chỉ như trước nữa. Tôi vui lắm. Hy vọng sau lớp học tôi sẽ biết đọc, viết, tính toán thành thạo.
Kết quả phổ cập giáo dục xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao. Quảng Ninh đã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.
Tỷ lệ người từ 15-35 tuổi biết chữ mức độ 1 đạt 99,85%, người từ 15-35 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt 99,76%, người từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 1 đạt 99,68%, người từ 15-60 tuổi biết chữ mức độ 2 đạt 99,25%.
100% đơn vị cấp huyện và 99,43% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Tỉnh cũng là địa phương thứ 17/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục xoá mù chữ mức độ 2, qua đó từng bước nâng cao dân trí, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()