Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:11 (GMT +7)
Chăm lo cho thế hệ tương lai phát triển toàn diện
Thứ 4, 01/06/2022 | 07:40:22 [GMT +7] A A
Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Khắc ghi lời dạy của Bác, các cấp, ngành của Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo, vun đắp, bồi dưỡng, để những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ.
Xác định việc chăm lo, giáo dục thanh thiếu nhi (TTN) là một trong những trách nhiệm của tổ chức đoàn, đội, hội các cấp, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai rất nhiều chương trình, phong trào thi đua cụ thể, tạo môi trường lành mạnh cho TTN học tập, rèn luyện.
Bí thư Tỉnh Đoàn Hoàng Văn Hải cho biết: Chăm lo cho TTN là một trong những nội dung quan trọng trong công tác đoàn và phong trào TTN hằng năm, do đó, các cấp bộ đoàn đều phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, tích cực đổi mới, đa dạng hóa hoạt động, mô hình, phong trào thi đua, đồng hành cùng TTN trong học tập, rèn luyện và phát triển kỹ năng sống theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của TTN, giúp các em rèn luyện, phát triển toàn diện. Từ những phong trào này ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương TTN tiêu biểu trong các lĩnh vực, được Tỉnh Đoàn khen thưởng thông qua chương trình tuyên dương “Gương mặt trẻ, tài năng trẻ tiêu biểu”, “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”...
Theo đó, hoạt động đồng hành, hỗ trợ, cổ vũ TTN học tập tốt được triển khai rộng rãi thông qua chương trình “Tuổi trẻ Quảng Ninh đi đầu xây dựng xã hội học tập”, các hội thi tin học trẻ, ngày hội hùng biện ngoại ngữ... được tổ chức thường niên. Các hoạt động đồng hành với TTN rèn luyện và phát triển kỹ năng sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa, tinh thần được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú.
Nổi bật, năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tham mưu, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt đề án "Phát hiện tài năng và bồi dưỡng kỹ năng, năng khiếu một số lĩnh vực cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2019-2025". Từ đề án này đã tạo thêm nguồn kinh phí để tổ chức sinh hoạt thường xuyên cho 218.359 học sinh (đạt 90% số học sinh được bàn giao) tại 1.623 điểm sinh hoạt trên toàn tỉnh; mở 421 lớp kỹ năng sống, năng khiếu hè, thu hút 13.015 TTN tham gia.
Công tác chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các cấp bộ đoàn đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn đoàn đã nhận đỡ đầu 6.235 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn và 182 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học hết đại học. Đặc biệt, việc thành lập Hội đồng trẻ em tỉnh, giai đoạn 2018-2022 đã và đang tạo cầu nối hiệu quả giúp các cấp lãnh đạo tỉnh, cơ quan chuyên môn nắm bắt nguyện vọng và nhu cầu của trẻ em, kịp thời đề ra các cơ chế, chính sách giải quyết một số vấn đề liên quan đến trẻ em ở địa phương.
Không chỉ các cấp bộ đoàn, công tác chăm lo cho TTN đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Trong 10 năm qua, ngân sách tỉnh đã bố trí 1.655 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện bố trí trên 38,6 tỷ đồng hỗ trợ 69.533 trẻ em hưởng chính sách đặc thù của tỉnh. Giai đoạn 2012-2021, UBND tỉnh đã tiếp nhận, phê duyệt 26 dự án viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng số tiền hơn 75 tỷ đồng liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đặc biệt, với nỗ lực bảo vệ trẻ em bằng những việc làm thiết thực, trước những nguy cơ của dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em. Tính đến ngày 29/5/2022, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin; 44.358 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 (đạt 24,48%), mũi 2 là 24.213 trẻ (đạt 13,36%), các trường hợp trẻ em tham gia tiêm chủng đến nay đều đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng tăng cường xây dựng và phát triển các mô hình, dịch vụ bảo vệ TTN như: Mô hình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; “Trường học an toàn”... Nhằm đảm bảo cho TTN có không gian vui chơi, các cấp, ngành đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cấp cơ sở. Tính hết năm 2021, toàn tỉnh có 61 điểm vui chơi trẻ em được bố trí quỹ đất riêng.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hoạt động chăm sóc, giáo dục TTN của Quảng Ninh đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng giúp TTN hình thành nhân cách, phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()