TS.BS Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, Covid-19 rất nguy hiểm với những người có bệnh lý nền, đặc biệt là các bệnh ung thư bởi sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu.
Đối với bệnh ung thư, phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả cao, có thể khỏi bệnh, ít biến chứng và chi phí điều trị thấp. Bệnh nhân cần được điều trị liên tục đảm bảo đúng phác đồ, chậm trễ không đi khám chữa bệnh có thể mất cơ hội "vàng" khỏi bệnh.
Người ung thư được tiêm vaccine Covid-19, khi mắc bệnh sẽ diễn tiến nhẹ nhàng hơn. Với bệnh nhân chưa được tiêm, sau khi điều trị Covid-19 sẽ còn một số di chứng như khó thở kéo dài có thể làm trễ lịch điều trị ung thư.
Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, trong khi đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, bệnh nhân ung thư cần thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế và dùng thêm kính chắn giọt bắn để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các giọt bắn của người đối diện.
Bệnh nhân ung thư nên tiêm vaccine Covid-19 vì họ có thể trạng kém, sức đề kháng yếu hơn những người bình thường, theo bác sĩ Khiêm. Hệ miễn dịch yếu là điều kiện khiến virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, phát triển và gây bệnh. Đồng thời, nếu mắc Covid-19, người bệnh ung thư dễ bị thể nặng. Vì vậy, người bệnh ung thư là đối tượng ưu tiên cần được tiêm phòng sớm và đủ liều.
"Tiêm phòng vaccine Covid-19 không ảnh hưởng tới phương pháp điều trị (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị...). Các phương pháp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị cũng không tác động nhiều tới hiệu quả của vaccine", bác sĩ Khiêm giải thích.
Người bệnh không bị phản ứng dị ứng nặng hoặc không có tiền sử sốc phản vệ, có thể tiêm vaccine. Tuy nhiên, cần lưu ý thời điểm tiêm. Chẳng hạn, bệnh nhân cần tiêm vaccine ít nhất 5 ngày trước phẫu thuật vì sau tiêm có thể bị sốt. Với các trường hợp hóa trị, người bệnh nên tiêm vaccine giữa các chu kỳ hóa trị; còn bệnh nhân xạ trị vẫn có thể tiêm bình thường.
Bên cạnh đó, bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 phải lưu ý khi điều trị các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, đặc biệt là giảm đau vì nếu không được giảm đau đúng mức sẽ làm bệnh nhân mệt và suy kiệt hơn. Điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư cần thận trọng, nhất là khi dùng morphine vì có nguy cơ gây suy hô hấp nặng.
Bệnh nhân cũng dễ có các biến chứng như tràn dịch trong bụng, phổi, tim... nên phải theo dõi sát sao để phát hiện kịp thời rút dịch giải áp, nếu không bệnh nhân sẽ dễ bị mệt và nguy cơ hô hấp.
Người bệnh nên chơi thể thao ở mức độ nhẹ như đi bộ, đạp xe, không nên vận động quá mạnh. Nhưng đối với những trường hợp ung thư di căn vào xương, vận động gắng sức có thể dẫn đến gãy xương.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 cần có chế độ ăn phù hợp, đủ thành phần và dưỡng chất. Ăn nhiều rau, quả, các loại thức ăn dễ tiêu, nhiều vitamin và uống sữa... để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể. Không ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối và đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng...
Ý kiến ()