Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:25 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ
Thứ 6, 16/08/2024 | 08:42:32 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ ở vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, nhiều dịch vụ y tế đã được cung cấp thường xuyên, hiệu quả nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Vào ngày 25 hàng tháng, Trạm Y tế xã Quảng La (TP Hạ Long) đều tổ chức tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai; tiêm phòng cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tổ chức vào 1 ngày giữa tháng. Lồng ghép trong hoạt động tiêm chủng, các y, bác sĩ của Trạm đã tuyên truyền, tư vấn cho bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ về khám, chăm sóc thai nghén; tăng cường sử dụng dịch vụ y tế tại cơ sở y tế; tầm soát, sàng lọc bệnh, tật trước sinh và sơ sinh cho trẻ; dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh…
Chị Ngọc Thị Dung (xã Quảng La, TP Hạ Long), cho biết: “Nhờ khám thai định kỳ tại Trạm Y tế xã mà tôi đã được các bác sĩ phát hiện sớm mắc tăng huyết áp thai kỳ. Tôi duy trì dùng thuốc và ăn uống, sinh hoạt theo căn dặn cụ thể của bác sĩ. Hiện sức khỏe của tôi và thai nhi đều ổn định”.
Còn chị Phạm Thu Hà (xã Quảng La, TP Hạ Long) đang nuôi con nhỏ 22 tháng tuổi, chia sẻ: “Tôi đã được các bác sĩ tại trạm y tế tư vấn về cách chăm sóc trẻ nhỏ, đặc biệt là phải tiêm phòng đầy đủ để trẻ được khỏe mạnh, không ốm đau. Đồng thời được bác sĩ hướng dẫn nên tôi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Bắt đầu tập ăn dặm khi đã sang tháng thứ bảy. Các bữa ăn bảo đảm đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Nhờ thực hiện nuôi con khoa học nên con phát triển khỏe mạnh”.
Xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) hiện có 974 hộ dân, 4.628 nhân khẩu với trên 95% người dân là đồng bào Dao sinh sống rải rác ở 12 thôn, bản. Mặc dù là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ luôn được các cấp, các ngành của xã quan tâm.
Bác sĩ Phạm Ngọc Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn, cho biết: Để các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng một cách hiệu quả, trạm đã cung cấp một số dịch vụ y tế như quản lý thai nghén, tiêm phòng vắc-xin... Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên lồng ghép tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho chị em phụ nữ các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản; vận động phụ nữ mang thai tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình… Qua đó, 100% phụ nữ mang thai được quản lý, phụ nữ đến khám thai, đẻ tại cơ sở y tế tăng lên, giảm tai biến cho phụ nữ mang thai; góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn xã.
Ngành Y tế Quảng Ninh luôn chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ. Ở các địa phương vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi, ngành đã tăng cường đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành để triển khai tốt các kỹ thuật chuyên môn về cấp cứu, khám chữa bệnh sản khoa, nhi khoa. Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế bằng cách thường xuyên đào tạo cập nhật kiến thức về chăm sóc bà mẹ trước sinh, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cho cán bộ y tế các tuyến…
Hiện 100% đơn vị điều trị đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện bố trí khoa sản, khoa nhi hoặc khoa ghép ngoại - sản, nội - nhi; 100% trung tâm y tế tuyến huyện có khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản; 100% xã có biên chế y sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Việc bố trí mạng lưới cơ sở y tế bao phủ từ tuyến tỉnh đến cơ sở với đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn đã tạo điều kiện cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ được thăm khám, tư vấn kịp thời.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của các bà mẹ đang mang thai và bà mẹ nuôi con nhỏ đã hiểu tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, chăm sóc sau sinh; cho trẻ uống vitamin A và đưa trẻ đi cân, đo chiều cao, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ.
Đến nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám ít nhất 4 lần trong ba thời kỳ của thai kỳ đạt 90,5%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,88%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đạt 99,9%; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được nhân viên y tế chăm sóc tuần đầu sau sinh tại nhà đạt 57,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh không có ca tử vong liên quan đến thai sản.
Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025” cũng tiếp tục đưa những chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ vào triển khai thực hiện tại 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn. Theo đó, các đơn vị liên quan sẽ tổ chức các hoạt động thăm khám, tư vấn kiến thức sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tiền hôn nhân, bà mẹ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ kiến thức dinh dưỡng thai kỳ, dinh dưỡng cho trẻ em theo lứa tuổi, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc thai nhi, theo dõi thai định kỳ, cách bổ sung vi chất, chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động, nghỉ ngơi đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo cơ chế thuận lợi để các bà mẹ, trẻ em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng một cách hiệu quả; hướng dẫn các bà mẹ, các gia đình, người chăm sóc trẻ đưa trẻ suy dinh dưỡng nặng đến các cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân suy dinh dưỡng và điều trị kịp thời cho trẻ. Cùng với đó, thành lập nhóm tư vấn trên zalo, facebook dành cho các bà mẹ mang thai, nuôi con nhỏ, giải đáp những thắc mắc thường ngày về dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, theo dõi thai kỳ, cách cho trẻ ăn bổ sung hợp lý…
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()