Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:08 (GMT +7)
Đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ mang thai
Thứ 6, 09/08/2024 | 05:30:51 [GMT +7] A A
Chăm sóc sức khỏe khi mang thai không chỉ đảm bảo an toàn cho người mẹ, mà còn giúp em bé được phát triển khỏe mạnh. Vì thế phụ nữ mang thai cần tuân thủ lịch khám thai theo chỉ định của bác sĩ và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
Các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên vừa xử trí, cấp cứu kịp thời trường hợp sản phụ L.T.H, 35 tuổi (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) có tiền sử đẻ 1 lần non tháng thai 36 tuần, lần này mang song thai được 35 tuần 4 ngày. Sản phụ chuyển dạ nhanh và sinh thường 1 bé tại nhà; thai thứ 2, tay phải của bé sa ra ngoài âm đạo, gia đình đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa sản phụ nhập viện.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, gây mê hồi sức, hồi sức sơ sinh. Sau 3 phút, các bác sĩ đã mổ thành công bé trai nặng 2kg. Mổ ra bé không khóc, không có phản xạ sơ sinh. Các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh của Trung tâm nhanh chóng hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản, vận mạch. Sau 10 phút cấp cứu, bé bắt đầu hồng hào trở lại, tự thở qua ống nội khí quản và có phản xạ. Hai bé đã qua cơn nguy kịch, bé đẻ thường được theo dõi và chăm sóc tại Trung tâm Y tế huyện, bé đẻ mổ được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ CKI Lê Thu Hoài, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Phụ Sản (Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên), cho biết: Đây là một trường hợp sản phụ song thai chuyển dạ đẻ trong tình trạng nguy kịch với biến chứng sa chi của thai, rất may mắn là Trung tâm đã cấp cứu kịp thời. Vì thế các bà mẹ khi mang thai cần phải tuân thủ lịch khám định kỳ của bác sĩ, khám ngay khi có dấu hiệu bất thường. Đồng thời cần đăng ký sinh sớm tại các cơ sở y tế để làm trước các xét nghiệm, siêu âm cần thiết trước sinh, nhằm đảm bảo cho sức khỏe của mẹ cũng như em bé.
Theo quy định của Bộ Y tế, trong một thai kỳ, thai phụ phải được khám thai ít nhất 3 lần, vào các mốc quan trọng: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngoài 3 lần khám trên, thai phụ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản: Hỏi, khám toàn thân, khám sản khoa, thử nước tiểu, vệ sinh thai nghén, tiêm chủng phòng ngừa bệnh, siêu âm thai…
Trong điều kiện y tế hiện nay, tai biến sản khoa có thể phòng ngừa và phát hiện sớm nếu làm tốt công tác quản lý thai nghén tại tuyến y tế cơ sở. Điển hình như với tai biến sản giật, nếu được khám thai phát hiện tình trạng tăng huyết áp, phù nề, nước tiểu có protein ngay từ ban đầu, thai phụ sẽ được theo dõi, điều trị và có thể ngăn chặn được cơn sản giật xảy ra...
Cùng với khám thai định kỳ, phụ nữ khi mang thai cần tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất, uống viên sắt hoặc đa vi chất, canxi theo khuyến cáo của cán bộ y tế; tiêm phòng đầy đủ. Đồng thời thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Trong quá trình mang thai, nếu các bà mẹ có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, qua đó bác sĩ sẽ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi, để tiên lượng và chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng những nguy cơ khi chuyển dạ.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()