Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:56 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe tai mũi họng
Thứ 5, 16/06/2022 | 08:14:28 [GMT +7] A A
Tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em, vì sức đề kháng còn yếu, hàng rào bảo vệ chưa phát triển hoàn thiện. Người lớn nếu như sinh hoạt, ăn uống không đúng cách, nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng vẫn rất cao.
Hiện bệnh nhân đến khám chuyên khoa tai mũi họng tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí có xu hướng tăng. Một tháng trở lại đây, Phòng khám tai mũi họng của Bệnh viện tiếp đón gần 100 lượt bệnh nhân mỗi ngày. Các bệnh thường gặp là viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm amidan, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...
Bác sĩ CKI Uông Hồng Hợp, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mắc các bệnh lý tai mũi họng là do các yếu tố về thay đổi thời tiết, khí hậu, vệ sinh môi trường sống, khói bụi..., đặc biệt là hậu quả do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 những năm gần đây. Tai mũi họng chính là cửa ngõ đầu tiên để các virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh cho nên việc bảo vệ các cửa ngõ đúng cách rất quan trọng.
Hiện nay nhiều người có thói quen chăm sóc, vệ sinh tai mũi họng sai cách, như lấy ráy tai thường xuyên, lạm dụng việc xông mũi, súc họng bằng nước muối thật mặn. Anh Nguyễn Đức Hải (khu 4, phường Quang Trung, TP Uông Bí) chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ nước muối càng mặn thì súc miệng, súc họng càng tốt, nên hằng ngày tự pha nước muối thật mặn để súc miệng và súc họng. Mấy ngày nay, thấy họng bị đau, rát đi khám, được bác sĩ tư vấn súc họng bằng nước muối mặn có thể khiến họng khô, rát, tổn thương niêm mạc vùng họng, tôi mới biết mình vệ sinh miệng, họng không đúng cách”.
Phương pháp xông và rửa mũi cũng được nhiều người áp dụng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng phương pháp này, xông mũi bằng nhiều loại tinh dầu như tỏi, gừng, sả... với tần suất nhiều lần trong ngày, dẫn đến bỏng rát niêm mạc mũi. Rửa mũi là một phương pháp để vệ sinh đường hô hấp, tuy nhiên việc rửa mũi thường xuyên và không đúng cách có thể khiến mũi bị nhiễm trùng nếu dụng cụ rửa mũi không được sát khuẩn sạch, rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sẽ làm khô dịch mũi tự nhiên, đây là dịch có tác dụng bôi trơn niêm mạc, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.
Các bà mẹ có con nhỏ thường than phiền trên mạng xã hội về vấn đề vệ sinh tai cho trẻ hằng ngày mà trẻ vẫn bị mắc bệnh viêm tai, tái đi tái lại nhiều lần, kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho con. Rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã vào tư vấn các loại thuốc từng sử dụng để chữa bệnh cho con mình hoặc giới thiệu các cách chữa mẹo chưa có cơ sở, các loại thuốc được quảng cáo là điều trị đặc hiệu.
Bác sĩ CKI Uông Hồng Hợp, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, khuyến cáo: “Bệnh tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến nhưng nếu không được khám và điều trị đúng thì bệnh sẽ dai dẳng, hay tái phát, tốn kém chi phí điều trị, khiến người bệnh mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí một số bệnh gây biến chứng nguy hiểm đến cả tính mạng người bệnh”.
Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh về tai mũi họng, trẻ em có sức đề kháng kém, cần đặc biệt chú trọng hơn trong việc bảo vệ các cửa ngõ tai mũi họng, thực hiện các biện pháp đeo khẩu trang hay che chắn vùng mặt khi đi ra ngoài; thường xuyên vệ sinh tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, môi trường sống, hạn chế tiếp xúc khói bụi và khói thuốc lá; uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, vệ sinh họng miệng hằng ngày. Đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, vận động tập thể dục thể thao. Trong trường hợp có các biểu hiện của bệnh lý tai mũi họng không nên tự ý mua thuốc uống, cần đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()