Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:04 (GMT +7)
Chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long - Cần quyết liệt hơn
Chủ nhật, 05/08/2012 | 04:14:04 [GMT +7] A A
Sau hơn một tháng triển khai Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22-6-2012 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, sự đồng tình ủng hộ của du khách, môi trường hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, đặc biệt là môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long, đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những vi phạm, làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch, cần có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng liên quan, sự ủng hộ tích cực hơn nữa của người dân và du khách...
Thực tế cho thấy, một trong những hiện tượng vi phạm thường xảy ra trên Vịnh Hạ Long, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Hạ Long trong con mắt du khách, đó là tình trạng các thuyền nan đeo bám các tàu du lịch để bán hàng rong, ăn xin… Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện trên Vịnh Hạ Long có khoảng hơn 30 đò gắn máy và một số mủng chèo tay đang hoạt động trên các tuyến du lịch, tập trung chủ yếu tại khu vực Ba Hang, Hoa Cương, Gà Chọi. Các đối tượng này tự đóng các phương tiện, sau đó đem ra hoạt động, không có đăng ký, đăng kiểm, không có chứng chỉ điều khiển. Điều đáng nói, họ thường xuyên đeo bám, chèo kéo, ăn xin, ép buộc, thậm chí là đe doạ du khách và thuyền viên tàu du lịch... Để bài trừ tệ nạn này, thời gian qua, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan kiên quyết xử lý.
Hiện tượng đò bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long vẫn chưa được giải quyết triệt để. |
Cùng với hiện tượng ăn xin, bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long, một hiện tượng không thể không nói đến, tồn tại đã nhiều năm nay, đó là tình trạng một số bè kinh doanh hải sản “chặt chém”, nâng giá hải sản lên nhiều lần, cân sai và dùng các thủ đoạn để ép khách phải mua, gây bức xúc cho du khách. |
Theo đó, đã tập trung tuyên truyền, vận động dân cư trên địa bàn, tổ chức cho các đối tượng này ký cam kết, phối hợp kiểm tra xử lý các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng như: Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Chi hội tàu Du lịch Hạ Long, Chi hội du thuyền Hạ Long v.v.. trong công tác tuyên truyền vận động các thuyền trưởng, thuyền viên tàu du lịch với nội dung không để các đối tượng ăn xin và bán hàng rong đeo bám vào các phương tiện của mình khi đang trong hành trình chở khách tham quan Vịnh Hạ Long v.v.. Thông qua các biện pháp này, thời gian gần đây, tình trạng đeo bám, bán hàng rong trên Vịnh đã giảm hẳn. Ông Nguyễn Văn Duyên, Khu trưởng Khu Ba Hang, cho biết: Trước đây, tình trạng bà con khu vực Ba Hang, Hoa Cương đeo bám tàu du lịch để ăn xin và bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long diễn ra khá phổ biến, nhưng kể từ khi Chỉ thị 11 của tỉnh được ban hành, với sự vào cuộc của các ngành chức năng cùng với địa phương, đến nay, tình trạng này không còn xảy ra nhiều như trước nữa. Nhiều đối tượng ăn xin đã được hợp tác xã Vạn Chài nhận vào làm lao động chở đò phục vụ khách du lịch, thu nhập bình quân khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Cùng với hiện tượng ăn xin, bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long, một hiện tượng không thể không nói đến, tồn tại đã nhiều năm nay, đó là tình trạng một số bè kinh doanh hải sản “chặt chém”, nâng giá hải sản lên nhiều lần, cân sai và dùng các thủ đoạn để ép khách phải mua, gây bức xúc cho du khách. Theo tìm hiểu, hiện nay các đối tượng nhà bè bán hải sản cũng tập trung chủ yếu tại khu vực làng chài Ba Hang (18 bè) và làng chài Hoa Cương (3 bè). Các bè này đã kết nối với các tour du lịch đưa du khách đến tham quan và mua hải sản. Điều đáng nói hơn là các bè này không được cấp giấy phép kinh doanh và đã để xảy ra nhiều hiện tượng ép giá, cân sai, lừa khách tại đây. Để bảo vệ quyền lợi, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho du khách, xây dựng hình ảnh du lịch Hạ Long, ngày 12-6-2012, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 1230, với nội dung: Không cho tàu du lịch đưa khách đến các điểm bán hải sản, điểm dịch vụ chưa được công bố, công nhận trên Vịnh Hạ Long, các điểm không có trong giấy phép rời cảng. Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế, đến nay sau một thời gian triển khai, một số chủ tàu kinh doanh vận chuyển khách vẫn tiếp tục đưa khách du lịch vào các điểm bán hải sản nói trên. Theo thông tin từ một cán bộ phụ trách đường dây nóng tiếp nhận các phản ánh khiếu nại của du khách, một trong những khó khăn, vướng mắc là các nhà bè này vốn được đầu tư nhiều tiền, (thường là vài trăm triệu tiền bè và hải sản) và từng đã ký hợp đồng nằm trong tour của các hãng lữ hành… Vì thế, việc dẹp bỏ họ là không đơn giản
Để giải quyết triệt để các hiện tượng vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, các ngành chức năng, địa phương cần có sự phối kết hợp chặt chẽ để giải quyết những khó khăn vướng mắc. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân dưới nhiều hình thức, tăng cường công tác thanh kiểm tra tại các khu vực nhạy cảm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt có cơ chế chuyển đổi công ăn việc làm cho đối tượng ăn xin, đeo bám vào các tàu du lịch bán hàng rong...
Thu Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()