Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:24 (GMT +7)
Năm học mới - Thành công mới
Thứ 4, 31/08/2022 | 08:54:59 [GMT +7] A A
Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục Quảng Ninh xác định tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động vươn lên hội nhập quốc tế, thích ứng với tình hình dịch bệnh, phát triển giáo dục Quảng Ninh theo hướng hiện đại. Qua đó, đưa Quảng Ninh sớm lọt vào top địa phương đứng đầu về chất lượng giáo dục, đào tạo, tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh những năm tiếp theo.
Sẵn sàng cho mùa tựu trường
Ghi nhận tại nhiều trường học trong tỉnh những ngày vừa qua, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, công tác vệ sinh đều được các trường thực hiện khẩn trương. Một số cơ sở giáo dục ở các địa phương Hạ Long, Móng Cái, Tiên Yên... bị ảnh hưởng bởi cơn bão Maon (cơn bão số 3) nhanh chóng khắc phục hậu quả. Nhờ đó, không gian lớp học ở các trường cơ bản thông thoáng, sạch sẽ, tạo cảnh quan xanh, nhiều bóng mát, chờ đón học sinh đến trường.
Những ngày qua, Trường Mầm non Bạch Đằng (TP Hạ Long) tích cực dọn vệ sinh trường lớp. Năm học này, trường có 380 trẻ, bố trí thành 14 lớp. Để đón năm học mới thành công, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên, nhân viên tích cực dọn vệ sinh lớp học, hành lang, bếp ăn, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. Các cô giáo chủ động làm mới, trang trí lại các góc học tập, làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo sinh động để trẻ có niềm hứng thú, say mê hơn khi tới trường.
Cô giáo Nguyễn Thu Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bạch Đằng, cho biết: Trường nằm ở trung tâm TP Hạ Long, diện tích đất chật nên không có khuôn viên ngoài trời rộng rãi cho trẻ. Dù vậy, Trường vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, bố trí, tạo cảnh quan sảnh tầng 1, hợp lý, gọn gàng. Các lớp học, nhà vệ sinh cho trẻ đảm bảo sạch sẽ. Trong năm học này Trường sẽ tích cực tổ chức các buổi trải nghiệm ngoài trời, các hoạt động ngoại khóa để trẻ được phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ.
Việc đón học sinh đầu cấp, nhất là học sinh lớp 1, được các trường thực hiện từ sớm, để phụ huynh chủ động nắm bắt tình hình lớp học của con và tạo cho học sinh tâm lý tự tin bước vào năm học mới. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Nghị (TP Hạ Long), cho biết: Từ ngày 22/8, nhà trường đã tổ chức đón 105 học sinh lớp 1 tới trường. Ngày đầu tiên khi đến lớp, các em còn bỡ ngỡ, rụt rè, nhưng với sự chào đón thân thương của các cô chủ nhiệm, học sinh đã hòa nhập nhanh chóng...
Cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất và hoàn thành công tác đón học sinh đầu cấp, đội ngũ nhà giáo trong tỉnh đã sẵn sàng để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, quản lý. Các thầy, cô tích cực tham các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị; chủ động nắm bắt những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại
Bước vào năm học 2022-2023, dù đã có sự chuẩn bị kỹ, song GD&ĐT Quảng Ninh vẫn đứng trước một số khó khăn, thách thức, cần tiếp tục được tháo gỡ, nhất là khi dự báo dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Một vài địa phương, đặc biệt ở các thành phố, thị xã, có tình trạng quá tải số học sinh/lớp, số lớp/trường, gây khó khăn trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Đa số các trường còn tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên cấp học mầm non, tiểu học. Việc đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng giáo viên chưa đồng đều ở các vùng miền cũng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, đời sống của đa số giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi Quảng Ninh không còn các xã khu vực II, khu vực III; các chính sách hỗ trợ người học ở vùng này chỉ kéo dài hết năm học tới.
Những tồn tại, khó khăn nói trên chắc chắn sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới để ngành Giáo dục Quảng Ninh phấn đấu trong năm học 2022-2023. Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Trong năm học này, toàn ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường xã hội hóa, cơ sở vật chất, thực hiện chuyển đổi số giáo dục và phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học... Qua đó, giữ vững thành quả đã đạt được, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tập trung xây dựng nền giáo dục mở, hiện đại, tiên tiến.
Với sự chuẩn bị chu đáo, tin tưởng thầy và trò các trường học sẽ vượt mọi khó khăn, phát huy cao độ trí tuệ, sáng tạo, gặt hái những thành công mới trong năm học mới.
Cô giáo Nguyễn Thu Hương, Hiệu phó Trường PTDT bán trú TH&THCS Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ): "Thu hẹp khoảng cách giáo dục vùng miền"
Thời gian qua, tỉnh và địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Giáo dục huyện Ba Chẽ. Năm học này, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ, đầy đủ: Điểm trường Khe Pụt được sửa chữa, nâng cấp, cải tạo; xây mới dãy nhà 2 tầng với 7 phòng học; đầu tư hoàn thiện Phòng tin học. Qua đó, học sinh yên tâm học tập, đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần cải thiện đời sống người dân. Hy vọng rằng, công tác giáo dục ở địa bàn khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo... của tỉnh tiếp tục được quan tâm để từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Cô giáo Trương Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thanh (TP Uông Bí): "Sớm có giải pháp hỗ trợ khi thực hiện tự chủ"
Năm học này, Trường dự kiến đón 270 trẻ, bố trí thành 10 lớp. Nhà trường đã chuẩn bị chu đáo cho năm học mới, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn. Trường đang xây dựng đề án thí điểm tự chủ. Việc tự chủ sẽ tạo môi trường học tập đa dạng, nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước giảm biên chế. Tuy nhiên, tự chủ cũng có nhiều khó khăn cần các đơn vị liên quan có giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể, chính sách hỗ trợ, nhất là kinh phí hoạt động, mức thu học phí...
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí): "Sớm hỗ trợ học phí cho học sinh"
Gia đình tôi có 4 cháu đang theo học các cấp học trên địa bàn TP Uông Bí. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết HĐND tỉnh tại kỳ họp tới sẽ xem xét, thông qua nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023. Qua đó giảm bớt gánh nặng về chi phí học tập cho phụ huynh, nhất là phụ huynh là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nhiều địa phương đã có quyết định miễn, giảm, hỗ trợ học phí trong năm học này.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()