Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 05:56 (GMT +7)
Chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy: Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Thứ 5, 21/07/2022 | 13:22:12 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai các mặt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh cho thấy, trong quá trình thực hiện không ít tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, triển khai công tác PCCC và CNCH của các địa phương chưa được chú trọng, dẫn đến hiệu quả một số mặt công tác còn thấp. Toàn tỉnh hiện có trên 12.000 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC, trong đó UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý trên 9.000 cơ sở. 100% UBND cấp xã đã giao cho lực lượng công an cấp xã tham mưu UBND cùng cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở này. Tuy nhiên, qua theo dõi, nhiều lãnh đạo UBND xã có tư tưởng giao khoán nội dung này cho lực lượng công an xã nên sự quan tâm, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở cơ sở trong công tác PCCC còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ công tác PCCC theo chỉ đạo của UBND tỉnh còn chậm. Cụ thể, việc triển khai thực hiện khắc phục tồn tại vi phạm về thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC của các cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC và nghiệm thu đã đưa vào hoạt động còn chậm (109/115 cơ sở chưa triển khai thực hiện; 69 công trình chưa có hình thức xử lý). Việc xử lý các công trình chịu sự tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện còn 53 công trình thuộc đối tượng chịu tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND nhưng đến nay đã có 2 cơ sở hoàn thành việc khắc phục, 5 cơ sở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng mới để thay thế.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, mặc dù có những giải pháp kỹ thuật có thể thực hiện được ngay nhưng chưa được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện như: vận động các hộ kinh doanh khắc phục việc mất an toàn của hệ thống điện trong các ki ốt; việc tháo dỡ các mái che, mái vẩy giữa các nhà chợ để tạo khoảng cách ngăn cháy lan, đường cho xe chữa cháy hoạt động; khắc phục việc bày bán hàng hóa lấn chiếm lối đi, làm giảm chiều rộng của lối thoát nạn và mất tác dụng ngăn cháy.
Toàn tỉnh hiện có 17 chợ sử dụng vốn nhà nước phải khắc phục các điều kiện về PCCC; nhưng theo quy định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, quy định vốn từ ngân sách địa phương chỉ được hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, do đó, việc bố trí sử dụng ngân sách nhà nước để cải tạo các chợ này hiện còn gặp vướng mắc.
Ngoài ra, lực lượng dân phòng tuy là lực lượng nòng cốt trong thực hiện công tác PCCC ở khu dân cư nhưng chưa được các địa phương quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của lực lượng này trong công tác PCCC.
Tính từ ngày 15/4/2021 đến 15/4/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm 2 người chết, thiệt hại tài sản ước tính trên 5,3 tỷ đồng. |
Việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng còn có những tồn tại. Vẫn có địa phương cấp phép xây dựng cho công trình thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC khi chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Các đồ án quy hoạch khi phê duyệt quy hoạch không đưa các giải pháp bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC vào trong đồ án dẫn đến khi triển khai không thực hiện đúng các giải pháp để bảo đảm khoảng cách ngăn cháy. Các địa phương chưa đưa các nội dung nhiệm vụ quy hoạch hạ tầng PCCC vào quy hoạch vùng; các khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ xây mới hoặc chuyển đổi từ nhà ở chưa được quản lý chặt chẽ về công năng và thực hiện thẩm duyệt về PCCC khi cấp phép xây dựng; việc cải tạo, sửa chữa hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị theo chỉ đạo của tỉnh còn chậm...
Do đó, trong thời gian tới, song song với việc khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra, các địa phương, ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, người có thẩm quyền; các quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH; triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCCC và CNCH thống nhất từ huyện đến cơ sở.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()