Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 02:22 (GMT +7)
Quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình trên địa bàn Quảng Ninh
Thứ 3, 01/03/2022 | 07:45:13 [GMT +7] A A
Từ ngày 1/3/2022, Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 18/2/2021 của UBND tỉnh quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Quảng Ninh chính thức có hiệu lực
Theo đó, nhà ở hộ gia đình phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định tại Tiêu chuẩn TCVN 9411:2012 “Nhà ở liền kề - Tiêu chuẩn thiết kế”; Quy chuẩn QCVN 12:2014/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng”; đồng thời đảm bảo các quy định:
Lối thoát nạn: Lối thoát nạn (cửa đi, hành lang, cầu thang) phải có chiều rộng thông thủy tối thiểu là 0,7m và chiều cao thông thủy tối thiểu là 2m. Nhà nhiều tầng phải bố trí lối lên sân thượng hoặc lên mái bằng cầu thang bộ hoặc thang leo qua lỗ cửa trên mái; tum thang bộ phải có lỗ mở để thoát khói tự nhiên trong nhà thông qua mái nhà hoặc thoát khói trực tiếp ra không gian bên ngoài tại các tầng. Nhà có thiết kế ban công, lô gia phải bảo đảm thông thoáng; trong trường hợp ban công, lô gia có lắp đặt lồng sắt thì phải mở ô cửa để bảo đảm thoát nạn khi có sự cố; đối với nhà không có ban công, lô gia phải mở cửa trên tường, vách bảo đảm có thể thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng 1 cần sử dụng cửa bản lề (cửa cánh), hạn chế sử dụng cửa cuốn, cửa trượt; trường hợp lắp đặt cửa cuốn hoặc loại cửa được điều khiển đóng, mở bằng điện thì phải có nguồn điện dự phòng (bộ lưu điện) và có cơ cấu mở bằng tay khi mất điện hoặc động cơ bị sự cố; chìa khóa mở các cửa thoát nạn phải được bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy.
Trang bị phương tiện PCCC: Khuyến khích mỗi nhà ở hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy (đối với bình bột chữa cháy phải là loại bình ABC, trọng lượng chất chữa cháy tối thiểu là 4kg; đối với bình khí chữa cháy phải có trọng lượng chất chữa cháy tối thiểu là 3kg). Bình chữa cháy phải bố trí ở nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng.
Hệ thống điện: Tiết diện dây dẫn điện phải phù hợp với công suất thiết bị tiêu thụ, dây dẫn điện phải được đặt ngầm trong tường hoặc luồn trong ống gen bảo vệ, được đấu nối an toàn theo quy phạm điện. Khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải tính toán để không gây quá tải cho hệ thống điện. Hệ thống điện phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau; có thiết bị bảo vệ chống quá tải, ngắt mạch (aptomat) cho hệ thống điện chung của toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn (điều hòa, bình nước nóng, bếp điện, lò nướng...). Ổ cắm điện, bảng điện và các thiết bị sinh nhiệt (bóng đèn, bàn là, bếp điện, máy sấy...) phải bố trí cách xa các chất dễ cháy. Bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn; không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm.
Quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khu vực thắp hương thờ cúng phải bảo đảm vách, trần nhà là vật liệu không cháy, khó cháy; đèn dầu, hương, nến khi thắp phải đặt chắc chắn, được đặt trên các vật liệu không cháy. Bếp nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt phải để xa các vật liệu dễ cháy; không bố trí, sử dụng bếp gas và các phòng chứa khí cháy được ở dưới tầng hầm hoặc tầng nửa hầm.
Phòng Bạn đọc - Tư liệu
Liên kết website
Ý kiến ()