Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 10:29 (GMT +7)
Chất lượng dân số - Yếu tố quan trọng phát triển bền vững
Thứ 3, 14/12/2021 | 09:07:06 [GMT +7] A A
Chất lượng dân số là một trong những yếu tố hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển KT-XH của quốc gia. Bởi vậy, đầu tư cho công tác dân số có nghĩa là đầu tư cho sự phát triển. Cách đây 60 năm, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ lâm thời đã ban hành quyết định có ý nghĩa hết sức đặc biệt - Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Từ quyết định này, công tác dân số của Việt Nam nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã có những chuyển biến tích cực theo hướng ổn định và chất lượng.
Chặng đường dài nhiều nỗ lực
Vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, mức sinh của nước ta rất cao. Trung bình mỗi cặp vợ chồng có khoảng 7 con. Vì vậy, tỷ lệ tăng dân số lên tới 3,3%/năm. Tỉnh Quảng Ninh lúc ấy cũng không ngoại lệ, theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, giai đoạn đầu những năm 1960, dân số của Quảng Ninh (tỉnh Hồng Quảng và Hải Ninh cũ) là 375.027 người, với tỷ lệ tăng dân số xấp xỉ 4%. Tỉnh xếp vào danh sách các địa phương có mức sinh cao trong cả nước.
Giai đoạn 1963-1975, bên cạnh nhiệm vụ kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính cấp tỉnh dưới tên gọi chính thức là Quảng Ninh, tỉnh cũng bắt tay triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt công tác dân số trên tinh thần hướng dẫn của Chính phủ tại Quyết định 216-CP. Theo đó, tỉnh đã thành lập Trạm Bảo vệ bà mẹ, trẻ em có nhiệm vụ giúp Ty Y tế lập kế hoạch công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em và sinh đẻ có hướng dẫn. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức các hội nghị trực tiếp tại cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường; lưu diễn kịch, chiếu phim đèn chiếu, tranh ảnh, cổ động kết hợp với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các gia đình.
Ông Nguyễn Sỹ Hạnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Quảng Ninh, nhắc lại: Một mặt vừa phải tập trung cho chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, mặt khác vừa phải lao động sản xuất, nên công tác dân số khi ấy cũng gặp vô vàn khó khăn. Công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đều là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách, trang thiết bị thiếu, phương tiện truyền thông, tuyên truyền không có, chủ yếu tuyên truyền miệng; thuốc, vật tư trang thiết bị không có… Tuy nhiên, những nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số thời điểm đó đã góp phần chăm sóc sức khỏe, thể chất cho người dân, nhất là kiểm soát tốt tỷ suất sinh.
Giai đoạn 1976-1990, công tác dân số của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung được mở rộng theo tinh thần của Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI của Đảng, đó là “Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kiên quyết giảm dần tốc độ tăng dân số hằng năm”. Năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành một số chỉ đạo về củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác dân số. Đến năm 1984, quyết định thành lập Ủy ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch.
Tại Quảng Ninh đã thành lập Ủy ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch cấp tỉnh, huyện, xã, nhằm giúp việc UBND cùng cấp chỉ đạo công tác dân số và sinh đẻ ở địa phương. Cùng với đó là sự tham gia của 12 ngành thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể xã hội để tăng cường vai trò tuyên truyền, vận động, cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Năm 1985, Ủy ban Dân số và sinh đẻ có kế hoạch được đổi tên thành Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình. Đến cuối năm 1990, dân số toàn tỉnh đã tăng lên 834.221 người, với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,99%. Mỗi gia đình Quảng Ninh trung bình sinh khoảng 4 người con.
Thành công và chuyển biến toàn diện nhất trong công tác dân số phải kể đến giai đoạn 1991-2010. Công tác dân số được triển khai với phương châm “giảm tốc độ tăng dân số phải trở thành một cuộc vận động rộng lớn, mạnh mẽ và sâu sắc trong toàn dân”. Theo đó, tại Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác dân số, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể: Mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con; thực hiện gia đình ít con khỏe mạnh tạo điều kiện để cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cùng với đó là sự ra đời của Pháp lệnh Dân số vào tháng 1/2003 và sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Trên tinh thần đó, HĐND, UBND tỉnh và UBND các cấp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện với mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1-2 con, phấn đấu và tiến đến duy trì mức sinh thay thế bền vững, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; góp phần phát triển Quảng Ninh văn minh, giàu đẹp.
Nhiều giải pháp được tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, như: Tăng cường kiểm tra, đánh giá, đưa công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình thành nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch của các cấp ủy, chính quyền địa phương; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục trong xã hội, tập trung cho từng nhóm đối tượng, nhất là hộ nghèo, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, giai đoạn này, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản. 186 trạm y tế xã, phường, thị trấn của tỉnh có bác sĩ, nữ hộ sinh. Nguồn nhân lực cho công tác dân số cũng được quan tâm đầu tư. Nhờ đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh giảm còn 1,59%, trung bình mỗi cặp gia đình có dưới 2 con, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên gần 73 tuổi.
Nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc con người Quảng Ninh
Từ năm 2010 đến nay, công tác dân số của Quảng Ninh chuyển trọng tâm từ sinh đẻ có kế hoạch sang nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hoàng Văn Hy, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong đánh giá và tiếp cận dân số. Nếu như giai đoạn trước, công tác dân số chủ yếu tập trung giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thì đến giai đoạn hiện nay, công tác dân số tập trung vào giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và gắn liền với các mục tiêu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh.
Thực hiện mục tiêu đó, nhiều mô hình, đề án, chương trình, như: Tầm soát, chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Qua đó, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc con người Quảng Ninh.
Tiêu biểu như mô hình nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS triển khai tại 74 xã của 9 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ đồng bào DTTS cao trên địa bàn tỉnh. Tại các địa phương đã thành lập những CLB dân số, thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho người dân về SKSS vị thành niên, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, các biện pháp tránh thai an toàn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết...
Chị Trương Thị Thu (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: Được cộng tác viên dân số tuyên truyền, chúng tôi đã biết cách tiếp cận và sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn để không sinh con thứ ba; dành nhiều thời gian hơn để chăm lo sức khỏe, học hành cho các con, để các cháu được phát triển tốt nhất.
Đặc biệt, tỉnh cũng quan tâm đầu tư hệ thống chăm sóc sức khỏe từ tuyến tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người dân. Hiện tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Bệnh viện Sản Nhi - bệnh viện chuyên khoa về sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Cùng với đó là hệ thống bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; các bệnh viện Trung ương, bệnh viện quốc tế… Mạng lưới y tế được đầu tư rộng khắp, người dân ở các vùng, miền đều tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có các dịch vụ dân số, SKSS. Các chính sách liên quan đến sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi cũng được tỉnh từng bước quan tâm.
Các phong trào rèn luyện thể lực, thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi cũng được phát động, tổ chức thường xuyên. Hệ thống giáo dục đào tạo của tỉnh từng bước được quan tâm nhằm phát triển trí tuệ, tri thức, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Đến nay, chất lượng dân số của tỉnh được cải thiện đáng kể. Năm 2020, quy mô dân số của tỉnh đạt hơn 1,34 triệu người; tỷ lệ tăng dân số bình quân/năm giai đoạn 2011-2015 là 1,15%, giai đoạn 2016-2020 là 1,12%. Cơ cấu dân số có sự chuyển dịch tích cực từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
Không chỉ vậy, chất lượng dân số được cải thiện trên nhiều phương diện: Tuổi thọ bình quân năm 2020 là 73,6 tuổi, tương đương với toàn quốc; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt 61,8%; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 94,1%... Cùng với đó, các chỉ số sức khỏe của người dân và các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng dân số có vai trò hết sức quan trọng, nhân dân vừa là chủ đất nước, vừa là đối tượng thụ hưởng những thành quả của sự ổn định chính trị và phát triển KT-XH.
Trên tinh thần đó, để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, Quảng Ninh tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh cao, khống chế đà tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; chủ động tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hoá dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()