Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:55 (GMT +7)
Chất vấn tại hội trường: Bám sát thực tiễn, giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm
Thứ 2, 08/07/2024 | 14:05:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khoá XIV, chiều 8/7, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, điều hành phiên chất vấn.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đăng ký chất vấn với nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực: Kinh tế ngân sách, văn hóa xã hội, pháp chế, liên quan đến nhiều sở, ngành của tỉnh.
Căn cứ vào các nội dung đại biểu đăng ký và vấn đề cử tri quan tâm, phiên chất vấn sẽ tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính gồm: Công tác phòng cháy chữa cháy và công tác phòng, chống ma túy; giải ngân vốn phát triển sản xuất các chương trình mục tiêu và Nghị quyết 06-NQ/TU.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, phiên chất vấn sẽ trên tinh thần hỏi nhanh, gọn - trả lời đi thẳng vào vấn đề; dành thời gian để có nhiều câu hỏi và câu trả lời, không ngại tranh luận để làm rõ, đi đến cùng vấn đề.
"Nóng" công tác PCCC và phòng chống ma túy
Đại biểu Nguyễn Thị Liễu, Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô chất vấn liên quan đến công tác PCCC. Theo đại biểu, thời gian gần đây, trên địa bàn một số địa phương trên cả nước đã xảy ra một số vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản được cử tri đặc biệt quan tâm. Quảng Ninh hiện là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao nhất cả nước, nhiều cơ sở có nguy cơ về cháy nổ như: chung cư, các cơ sở kinh doanh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tàu du lịch… Đại biểu đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết các giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là đối với các cơ sở trọng điểm về cháy nổ.
Đại biểu Nguyễn Mai Hùng, Tổ đại biểu Uông Bí cho biết, để nâng cao ý thức PCCC, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 2 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng". Đại biểu đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh đánh giá hoạt động của các mô hình trên và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này ở địa bàn các khu dân cư.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, Tổ đại biểu TX Quảng Yên cho biết: Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã bắt 344 vụ, 851 đối tượng phạm tội về ma tuý, tăng 18,6% số vụ (344/290), 13,8% số đối tượng (851/748 đối tượng). Đại biểu đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh và các giải pháp trong thời gian tới nhằm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý, đặc biệt, tội phạm ma tuý lợi dụng công nghệ và không gian mạng thực hiện hoạt động phạm tội diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Liễu (Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô).
Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 13.871 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, số vụ cháy, nổ giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái, không để xảy ra vụ cháy lớn, cháy phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số vụ cháy được nhân dân và lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chủ động tự dập tắt trong giai đoạn "5 phút giờ vàng", không cần sử dụng phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC chiếm tỷ lệ 34% (20/59 vụ).
Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị cũng như sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực tế. Nổi bật là công tác tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy, treo pano trên các tuyến đường chính, các địa điểm tập trung đông người, khu vực đông dân cư, in mã QR chứa nhiều nội dung tuyên truyền về các biện pháp PCCC & CNCH để người dân có thể tải về; nghiên cứu trên thiết bị di động (Công an tỉnh đã triển khai lắp đặt tại các địa điểm trên địa bàn Hạ Long và sẽ nhân rộng ra tất cả các địa phương còn lại trong toàn tỉnh).
Công an tỉnh cũng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tại địa phương vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân tiếp cận kiến thức, trải nghiệm, thực hành thực tế. Đồng thời tham mưu, phối hợp củng cố kiện toàn tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thành lập, bố trí đủ lực lượng PCCC tại chỗ ở tất cả các ca, kíp làm việc và tổ chức huấn luyện, bồi dường nghiệp vụ cho lực lượng này; đầu tư, mua sắm trang thiết bị về PCCC với phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra xử lý vi phạm về PCCC & CNCH; phân công các tổ công tác thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH. Cùng với đó là duy trì và phát huy có hiệu quả của các mô hình tự quản về công tác PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”; “Điểm chữa cháy công cộng”, “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; “Tàu du lịch tự quản an toàn PCCC”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Hùng, Tổ đại biểu Uông Bí, về hiệu quả hoạt động của 2 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng", đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 1.567 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", 514 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tại các ngõ sâu trên 50m mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được (các mô hình trên cơ bản đã được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC).
Để tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này, trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh đã phối hợp UBND các địa phương tổ chức hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy tại 100% các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” trên địa bàn tỉnh; tham mưu tổ chức Hội thi nghiệp vụ PCCC và CNCH mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" cấp huyện và cấp tỉnh với sự tham gia của 123 đội thi.
Qua hơn 1 năm triển khai xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng dân cư về công tác PCCC; nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH được nâng cao. Ngoài thực hiện tốt công tác PCCC, các hộ gia đình còn làm tốt công tác bảo đảm ANTT, vệ sinh môi trường, xây dựng khu phố văn hóa... Hiệu quả mang lại rõ nét nhất là từ việc xây dựng, triển khai các mô hình trên, thời gian qua, chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào tại các nơi có mô hình đã được xây dựng. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục rà soát các địa điểm dân cư đủ tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công an để tiến hành nhân rộng mô hình, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng PCCC cho các thành viên trong hộ gia đình và kiểm tra, hướng dẫn duy trì các hệ thống chuông đèn, nút ấn báo cháy đã được trang bị để đảm bảo hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp.
Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, Tổ đại biểu TX Quảng Yên về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của trung ương và của tỉnh là kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng đối với tội phạm về ma túy, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy, góp phần làm giảm tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Thời gian qua, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung quyết liệt đấu tranh, bắt giữ đối với tội phạm nguy hiểm này. Hiện tại, Công an tỉnh đang giam giữ 1.053 đối tượng, có đến 529 đối tượng liên quan đến ma túy, chiếm 50,2%. Tội phạm ma túy được phát hiện, bắt giữ, xử lý tăng lên là kết quả của sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của các lực lượng chức năng nói chung và của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã bắt 344 vụ, 851 đối tượng phạm tội về ma tuý, tăng 18,6% số vụ. Đây là tăng về số lượng hồ sơ quản lý tội phạm về ma túy, còn nhìn chung công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trên địa bàn được duy trì ổn định, đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội.
Bám sát chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Tỉnh đang triển khai quyết liệt xây dựng "Xã, phường, thị trấn sạch ma túy", "huyện sạch ma túy" nhằm tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm "triệt nguồn cung" ma túy vào địa bàn. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng 3 huyện sạch ma túy, mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng được 105 xã không còn ma túy và 4 huyện sạch ma túy.
Nhấn mạnh các giải pháp trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, biện pháp mạnh mẽ từ công lác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, phòng ngừa, cho đến công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm với phương châm “giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy".
Riêng về đấu tranh, xử lý đối với tội phạm ma túy trên không gian mạng, đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh nhận định thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng trong đường dây đều không biết mặt nhau, sử dụng mạng xã hội (telegram, viber, facebook) để liên hệ giao dịch. Số lượng trong các nhóm khoảng 3.000 thành viên; việc thanh toán theo hình thức chuyển khoản, qua nhiều tài khoản ảo… gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, tháng 6/2024 vừa qua, Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy trên không gian mạng với quy mô lớn trên địa bàn cả nước, bắt giữ 20 đối tượng trên địa bàn 5 tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Dương, thu giữ trên 146kg cần sa và 7,5 tỷ đồng. Đây là chuyên án điển hình về đấu tranh với tội phạm mua bán ma túy sử dụng công nghệ.
Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Tội phạm ma túy hoạt động trên không gian mạng thường có phạm vi hoạt động rộng, liên kết chặt chẽ với các đối tượng tại các tỉnh/thành trên cả nước, thậm chí là cả đối tượng nước ngoài để mua bán, giao dịch ma túy. Do đó, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh/thành trên cả nước để xây dựng chuyên án chung và tăng cường hợp tác quốc tế để bắt giữ, xử lý tội phạm ma túy trên không gian mạng.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Tổ đại biểu TX Đông Triều, tiếp tục chất vấn Phó Giám đốc Công an tỉnh: Ngày 3/6/2023, Thường trực HĐND tỉnh có Thông báo số 218/TB-HĐND tại phiên giải trình về công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh, theo đó đã kết luận thực hiện xử lý dứt điểm các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, nhất là các cơ sở có vốn đầu tư từ ngân sách như: trụ sở cơ quan nhà nước, chợ, trường học (riêng việc khắc phục PCCC đối với các trường học trước ngày 5/9/2023 để phục vụ năm học mới 2023-2024). Đề nghị ông Giám đốc Công an tỉnh cho biết kết quả khắc phục PCCC đối với các trường học đến thời điểm hiện nay và giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo an toàn về PCCC trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Chiến Thắng, Tổ đại biểu TX Đông Triều, đề nghị Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng tình hình sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nhất là đối tượng dưới 18 tuổi; công tác phòng ngừa, đấu tranh và biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại ma túy trong thanh, thiếu niên?
Cũng liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, đại biểu Bùi Thị Hải đề nghị ông Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Đối với các địa bàn chưa nằm trong diện sạch ma túy thì công tác quản lý như thế nào? Các giải pháp phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trong KCN, KKT trong đấu tranh phòng chống ma túy?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng số 84 cơ sở chịu sự tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, trong đó có 13 trường học.
Đến hiện tại, các trường học đã cơ bản hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu về PCCC theo tinh thần của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND. Một số cơ sở sau khi được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến nay đang triển khai bước lập dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập hồ sơ thiết kế, sẽ triển khai thi công khắc phục trong thời gian tới.
Hiện Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn giải pháp nâng cao điều kiện an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hữu. Công an tỉnh sẽ thường xuyên bám sát các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Xây dựng để kịp thời cập nhật các văn bản hướng dẫn mới, đưa ra các giải pháp phù hợp cho dạng công trình này, đồng hành cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương nhằm khắc phục dứt điểm tồn tại, vi phạm về PCCC tại các trường học. Đề nghị UBND các địa phương quan tâm cấp kinh phí cho các trường học này để triển khai các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu Nguyễn Chiến Thắng liên quan thực trạng tình hình sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, số đối tượng phạm tội về ma túy trong độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm 37,5%, chủ yếu là các vụ phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy nhỏ lẻ và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, có 13 đối tượng phạm tội về ma túy là người dưới 18 tuổi, bằng cùng kỳ năm 2023, song số còn lại là học sinh tại các trường học giảm mạnh.
Tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thanh, thiếu niên:
+ Về người nghiện ma túy, toàn tỉnh có 2.051 người nghiện có hồ sơ quản lý; trong đó, độ tuổi thanh, thiếu niên (từ 14 đến dưới 30 tuổi) chiếm 24,7%, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
+ Về người sử dụng trái phép chất ma túy, toàn tỉnh có 1.086 người sử dụng trái phép ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó, độ tuổi thanh, thiếu niên chiếm 49,6%, tăng 42,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân phát sinh người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và trong thanh, thiếu niên nói riêng. Do bản tính hiếu kỳ, tò mò, thích thể hiện bản thân, thích hưởng thụ, thiếu hiểu biết về tác hại của ma túy của một bộ phận giới trẻ nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ; sự quản lý của gia đình còn hạn chế...
Về giải pháp thời gian tới, tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 32-CT/TU, ngày 5/5/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới; triển khai hiệu quả công tác xây dựng “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”, “Huyện sạch ma túy” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 25/4/2024 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030.
Tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp nhằm "giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại ma túy" trên địa bàn tỉnh, trong đó, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các tổ chức, cơ sở Đoàn và cơ sở giáo dục các cấp trong công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên, học sinh, trọng tâm là thanh, thiếu niên, học sinh hư, thường xuyên vi phạm, có các biểu hiện liên quan đến tệ nạn ma túy. Tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên không gian mạng để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.
Tăng cường các biện pháp nắm, dự báo chính xác tình hình hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; chủ động tập trung đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Thị Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Cùng với quá trình đô thị hóa, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và ngành khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút lượng lớn công nhân lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc. Trong đó có các công nhân là người dân tộc thiểu số tại các tỉnh phía Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình... Qua công tác nắm tình hình, đã phát hiện nhiều trường hợp công nhân là người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời, xuất hiện các đối tượng mua bán ma túy cho số công nhân này.
Nhận diện được tình hình trên, Công an tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy tại địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế và lán trại xây dựng... Từ năm 2023, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND triển khai cao điểm tổng rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, lập hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; trong nội bộ Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4351/KH-CAT-CSMT, ngày 30/6/2023 về kiểm tra, phòng ngừa người lao động từ tỉnh ngoài đến làm việc vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chỉ đạo Công an các địa phương tiến hành rà soát, lên danh sách các khu công nghiệp, khu kinh tế, các lán trại, khu nhà ở tập thể, cho thuê trọ tại dự án xây dựng, các công ty Than trên địa bàn có sử dụng công nhân, người lao động tỉnh ngoài, đồng thời tiến hành công tác xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể đối với các trường hợp này.
Do chủ động nhận diện, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, tệ nạn ma túy tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lán trại công nhân... nên đã sớm kiểm soát được tình hình, không để phát sinh phức tạp kéo dài.
Về các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trong thời gian tới, tiếp tục tham mưu triển khai các kế hoạch, phương án, mở các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống ma túy theo chuyên đề về công nhân, người lao động tại địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, lán trại xây dựng. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý lưu trú, tạm trú nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm về ma túy. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp tuyên truyền, phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy cho công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Thúy, làm rõ nội dung công tác phòng chống ma túy trong học sinh, sinh viên
Thời gian qua ngành giáo dục đã tập trung thực hiện công tác phòng chống ma túy trong học đường cho đối tượng là học sinh. Đây là nội dung quan trọng được Sở xác định vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài. Theo đó, công tác này được Sở quán triệt thực hiện với tinh thần “Phòng ngừa là chính, tuyên truyền là trọng tâm”.
Trong đó, Sở chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn đổi mới hình thức, nội dung, đối tượng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Về hình thức, bên cạnh cách tuyên truyền truyền thống qua pano, áp phích, cử cán bộ giáo viên tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt đầu giờ, sinh hoạt ngoại khóa; lồng ghép tuyên truyền qua các giờ học chính khóa…, các đơn vị đã tuyên tuyền lồng ghép qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật phòng chống ma túy… Qua đó, để học sinh trực tiếp trao đổi, bày tỏ quan điểm của bản thân.
Về nội dung tuyên truyền cùng với các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, ngành giáo dục căn cứ vào thực tiễn để tuyên truyền về con đường dẫn đến nghiện ma túy, tác hại, hậu quả, cách nhận diện, cách phòng tránh ma túy…
Về đối tượng tuyên truyền, ngành giáo dục đã thực hiện phân loại học sinh theo khối lớp để phù hợp với tâm lý, lứa tuổi; tập trung tuyên truyền vào nhóm học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh trong vùng có nguy cơ cao, đặc biệt là học sinh sống trong gia đình có người nghiện ma túy.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở GD&ĐT cũng thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Đoàn Thanh niên để tổ chức giáo dục cho học sinh. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được đẩy mạnh để tuyên truyền sâu rộng trong học sinh. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng tăng cường quản lý học sinh trong các cở sở giáo dục để các em thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế, quy định của pháp luật.
Năm 2024, tội phạm ma túy trong các cơ sở giáo dục giảm sâu, trong 6 tháng năm 2024 không có trường hợp học sinh vi phạm.
Liên quan đến tình trạng ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử, đại biểu Nguyễn Thị Thúy Hằng, Tổ đại biểu Hạ Long cho biết: Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, nhiều cử tri quan tâm đến tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và lo lắng tình trạng ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử. Đại biểu đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cho biết việc quản lý mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Giải trình nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng khi sử dụng, đặc biệt đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt thu giữ 2.088 điếu thuốc lá điện tử, 3.990 tinh dầu và phụ kiện các loại.
Để giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong thời gian tới, Sở Công Thương đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho thanh thiếu niên thông qua các hình thức đa dạng, phong phú. Về phía các lực lượng chức năng cần tổ chức ngăn chặn mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngay từ biên giới và các địa phương giáp ranh với tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh làm rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong công tác phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đối với tỉnh Quảng Ninh, công tác phòng chống ma túy được đặc biệt quan tâm, nhất là từ năm 2019 trở lại đây. Đặc biệt, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của các cấp, UBND tỉnh tập trung cao độ triển khai các chỉ đạo. Trong đó, năm 2023, UBND tỉnh ban hành 5 kế hoạch, chương trình; 6 tháng đầu năm 2024 ban hành 4 kế hoạch, chương trình để tập trung các giải pháp. Trong đó, tổng rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện đưa vào quản lý, tổng rà soát, truy quét, đấu tranh tiền chất ma túy tổng hợp, truy quét đồng bộ trên địa bàn tỉnh việc sử dụng, vận chuyển, kinh doanh khí cười trên địa bàn tỉnh, phòng chống ma túy trong thanh thiếu niên, đầu tư nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy, chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng
Với các giải pháp đồng bộ, công tác cai nghiện ma túy đã đạt được những kết quả tích cực được Bộ Công an, Chính phủ ghi nhận. Mặc dù đạt được kết quả căn bản song nhiệm vụ phía trước còn nhiều cam go, thử thách. Do đó, UBND tỉnh rà soát kế hoạch đã ban hành, bổ sung, cập nhật kịp thời Chỉ thị số 32-CT/TU của Tỉnh ủy và các văn bản cấp trên. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ, tập trung vào đối tượng có nguy cơ nghiện, sàng lọc nguy cơ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên dễ sa ngã; đấu tranh trấn áp tội phạm, truy quét sử dụng, vận chuyển, kinh doanh các chất có nguy cơ gây nghiện, có đợt tổng điều tra đối tượng nguy cơ trên địa bàn; lực lượng Công an tiếp tục phối hợp đấu tranh mạnh mẽ. Đặc biệt, UBND tỉnh coi công tác xét nghiệm là việc làm thường xuyên, tiếp tục nâng công suất Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh, tạo không gian, khu vực cai nghiện, giáo dục, tuyên truyền cho đối tượng loạn thần tái hòa nhập cộng đồng có ích cho xã hội.
Công tác phòng chống ma túy là nhiệm vụ thường xuyên. Để thực hiện mục tiêu, đến năm 2025, Quảng Ninh đảm bảo hoàn thành 105 xã, phường, thị trấn “sạch ma túy” và 4 huyện “sạch ma túy” là Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô, rất cần có sự cam kết của tập thể của những người đứng đầu trong việc làm sạch địa bàn ma túy; từ đó, giữ địa bàn an toàn, bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân.
Kết luận nhóm nội dung chất vấn về công tác phòng cháy chữa cháy và công tác phòng, chống ma túy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Trong thời gian qua, toàn tỉnh dành sự quan tâm rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bằng những chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp ủy đảng và các nghị quyết của HĐND tỉnh cũng như các kế hoạch của UBND tỉnh.
Đồng chí biểu dương, đánh giá cao nỗ lực rất lớn của các cấp các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, nòng cốt triển khai pháp luật về phòng cháy chữa cháy, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh liên quan đến lĩnh vực này, cũng như sự hưởng ứng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Với sự nỗ lực rất lớn đó, trên địa bàn tỉnh, thời gian qua không xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không có thiệt hại về người.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các địa phương bám sát 5 mục tiêu: Kiên quyết không để xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; Ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu các nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, sự cố, tai nạn, nhất là tại khu dân cư đô thị, chung cư cao tầng, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh, quán karaoke, vũ trường, trường học, trong ngành than, khu công nghiệp, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, kho chứa hàng hóa…; Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương, của ngành Than, ngành lâm nghiệp, nòng cốt là lực lượng chuyên trách trong công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Giữ vững an toàn cháy nổ để ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống và sự chủ động của người dân đối với công tác phòng chống cháy nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn. Mỗi người dân phải chủ động trong công việc này; tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Để thực hiện 5 mục tiêu trên, Chủ tọa đề nghị cần phải tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể; đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; tích cực phòng cháy - sẵn sàng chữa cháy - kịp thời chữa cháy, phấn đấu từng nhà an toàn – từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn, tổ dân, khu phố an toàn… Tiếp tục xây dựng nhân rộng mô hình tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư. Vận dụng thực hiện tốt phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, coi nhẹ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp yêu cầu tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy; chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ…
Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Tiến hành rà soát công tác quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch mạng lưới giao thông cấp nước, thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Chính quyền địa phương phải rà soát, khắc phục triệt để tình trạng người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình trên rãnh thoát nước đô thị và hành lang phòng cháy, chữa cháy để cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
Tăng cường truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng; triển khai phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thường xuyên, liên tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, cập nhật dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” về các hộ gia đình, các khu dân cư, các chung cư cao tầng, các địa bàn, cơ sở sản xuất kinh doanh, tàu thuyền, chợ… có nguy cơ cháy nổ cao để thường xuyên cảnh báo loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống cháy nổ… Công khai các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục sơ hở, yếu kém, bất cập trong phòng cháy, chữa cháy; quyết tâm, quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh; kiên quyết không đưa các dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Tất cả các vụ cháy, nổ phải được xác minh, làm rõ nguyên nhân, căn cứ tính chất, mức độ phải xử lý nghiêm trách nhiệm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
Quan tâm kiện toàn, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở, lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực chất; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong nhân dân.
Thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; khắc phục dứt điểm các vi phạm, thiếu sót đối với công trình chưa bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Đối với công tác phòng chống ma túy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 4 huyện (Cô Tô, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà), 105 xã, phường sạch ma túy đạt các tiêu chí về “xã, phường, thị trấn sạch ma túy”; dứt khoát triệt phá dưới mọi hình thức: trên không gian mạng, biên giới, hải đào, các loại hình kinh doanh có điều kiện. Tất cả cơ sở giáo dục, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức sạch ma túy. Tỉnh cũng tiếp tục kiên trì, kiềm chế, chặn đứng, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tệ nạn này ra khỏi cộng đồng tỉnh Quảng Ninh vì mục tiêu phát triển bền vững, vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ. Đồng thời, kiên quyết triệt xóa tận gốc các đường dây, điểm, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong nội địa; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện; kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn ma túy từ bên ngoài vào địa bàn, nhất là trên tuyến biên giới biển, biên giới bộ, đường hàng không và các khu vực giáp với các tỉnh lân cận.
Tỉnh Quảng Ninh xác định quan điểm công tác phòng chống ma túy là công việc nặng nề, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị toàn tỉnh; giữa gia đình, nhà trường và xã hội, với lực lượng chức năng, nòng cốt là công an, biên phòng, hải quan. Kiên trì phương châm lấy phòng ngừa làm cơ bản, chiến lược lâu dài với tích cực phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi phạm thường xuyên, cấp bách giữa triệt phá nguồn cung, giảm nguồn cầu, giám tác hại ma túy, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; cộng đồng dân cư, xã phường, thị trấn là pháo đài trong phòng chống mà túy dựa trên cách tiếp cận quản trị an ninh phi truyền thống.
Nhấn mạnh thêm một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng chống ma túy, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ xác định đưa vào cơ chế giám sát, kiểm tra giám sát thường xuyên hàng năm từ cấp chi bộ đối với nhiệm vụ này. HĐND tỉnh sẽ tăng cường giám sát chuyên đề và các đại biểu dân cử từ tỉnh xuống cơ sở phải tăng cường nắm bắt địa bàn, gắn trách nhiệm để có tiếng nói trong đấu tranh, phòng chống tệ nạn ma túy. Từ đó phấn đấu đưa Quảng Ninh đã từng là một địa bàn trọng điểm về ma túy kéo theo các loại hình phạm tội khác nảy sinh thì bây giờ đã có những xã, phường thị trấn bình yên, người dân không mất ngủ về đêm, người dân được hưởng cuộc sống ấm no bình yên, hạnh phúc. Và chúng ta phải quyết tâm giữ vững địa bàn “sạch ma túy”, dù có khó khăn đến đâu thì toàn thể hệ thống chính trị của tỉnh và lực lượng công an phải nỗ lực vì mục tiêu này.
Đồng chí cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an xã chính quy phối hợp chặt chẽ với 1.452 Tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để làm tốt công tác quản lý địa bàn gắn chặt với phòng ngừa để tạo sức mạnh tổng hợp cho mục tiêu về phòng chống ma túy.
"Giải quyết khó khăn, vướng mắc về giải ngân nguồn vốn; dồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia".
Để làm rõ hơn vấn đề, Đại biểu Đinh Trung Kiên, Tổ đại biểu Vân Đồn – Cô Tô đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT làm rõ: Các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn phát triển sản xuất cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ của Trung ương và tỉnh; cách thức để người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn?
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ Đại biểu Đầm Hà – Hải Hà, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&NT nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 185/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3839/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 phân bổ 300 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho 9 địa phương để phát triển sản xuất. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn thực hiện. Theo báo cáo tổng hợp của Sở Tài chính - Cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương rà soát tổng hợp nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất. Tính đến hết tháng 6, tổng kinh phí sử dụng 35,362 tỷ đồng (huyện Đầm Hà có thể sử dụng được 28,66 tỷ đồng; huyện Ba Chẽ: 5,406 tỷ đồng; huyện Bình Liêu: 1,20 tỷ đồng; huyện Tiên Yên sử dụng được khoảng 96 triệu đồng). Các địa phương khác chưa có đề xuất sử dụng được đề nghị thu hồi về ngân sách với tổng kinh phí thu hồi là 264,638 tỷ đồng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Lài Thị Hiền về những khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia, đồng chí Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT làm rõ: Triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị định 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện toàn tỉnh không còn vùng đặc biệt khó khăn. Đối với việc triển khai hỗ trợ chuỗi theo sản xuất, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc bởi nguyên nhân là do quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung và người đứng đầu chuỗi liên kết sản xuất. Thêm vào đó, điều kiện của các nhóm hộ, HTX đăng ký thực hiện các dự án theo từng Chương trình MTQG không đáp ứng được tỷ lệ tối thiểu, trong đó, người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 50% để thực hiện theo chương trình MTQG giảm nghèo và địa điểm sản xuất cũng không thuộc địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn nên cũng không đủ điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc trong việc, hỗ trợ sau đầu tư, tỷ lệ xoay vòng để bảo toàn vốn, hỗ trợ theo đặt hàng.
Trả lời câu hỏi chất vấn của Đại biểu Đinh Trung Kiên, Tổ đại biểu Vân Đồn – Cô Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT khái quát lại về các chính sách hỗ trợ để phát triển du lịch, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn đang được triển khai hiện nay. Trong đó, các chính sách của Trung ương hiện đang được áp dụng, gồm: Quy định tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính về Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tất cả đều quy định chính sách hỗ trợ người dân để phát triển du lịch dịch vụ nông thôn về các nội dung: (1) Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; (2) Hỗ trợ truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn; (3) Tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; (4) Hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững; (5) Chính sách hỗ trợ liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng phục vụ du lịch tại khu vực nông thôn.
Về chính sách của tỉnh, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 194/2019/NQHĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Về cách thức tiếp cận để được hỗ trợ từ các chính sách của Trung ương, của tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT làm rõ: Đối với chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh tại Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND ngày 30/7/2019 của HĐND tỉnh; Liên ngành gồm các sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Khoa học và công nghệ… đã có hướng dẫn số 1598/HD ngày 21/4/2020.
Đối với nội dung chính sách chi hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Thông tư số 05/2022/TTBNNPTNT ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định nội dung, mức hỗ trợ cụ thể đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao. Nội dung này, Sở Du lịch đã chủ trì và Sở NN&PTNT đang phối hợp để xây dựng chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch, trong đó tập trung chính cho phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2030.
Qua sóng truyền hình trực tiếp của Trung tâm Truyền thông tỉnh, cử tri gửi ý kiến tới Kỳ họp nêu vấn đề: Nhu cầu vốn phát triển sản xuất cho nhân dân rất lớn, Quảng Ninh lại là địa phương đi đầu trong phát triển chương trình OCOP, cử tri quan tâm đến con số năm 2023 chỉ giải ngân được 800 triệu đồng/155 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 phân bổ được 7,2 tỷ đồng/300 tỷ đồng. Cử tri đề nghị phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân còn hạn chế và giải quyết vướng mắc, khó khăn.
Điều hành trả lời ý kiến của cử tri, Chủ tọa yêu cầu phân tích từ cách làm của huyện Đầm Hà - là địa phương đang triển khai tốt các mô hình phát triển sản xuất. Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu Đầm Hà – Hải Hà, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà, nhấn mạnh, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo các chương trình của Trung ương và của tỉnh là nhu cầu chính đáng của tất cả các tầng lớp nhân dân. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, đặc biệt là Sở NN&PTNT đã rất quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, trong đó có huyện Đầm Hà trong việc hướng dẫn trực tiếp các hộ gia đình có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, việc triển khai nội dung này trong thực hiện rất khó khăn, kết quả đạt được còn không được như mong muốn. Như tại huyện Đầm Hà, từ năm 2023, khi được phân bổ nguồn vốn, ngoài tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các nhiệm vụ, huyện đã tính toán phân bổ nguồn vốn để các địa phương của huyện chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai, huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy sâu sát theo dõi để kịp thời hỗ trợ, xây dựng các dự án để phát triển sản xuất. Qua đó, trên địa bàn huyện đã có 11 dự án được xây dựng, đề xuất tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Qua thẩm định, đến nay, đã có 3 dự án đủ điều kiện, đang làm thí điểm, theo tính toán sơ bộ có thể giải ngân được khoảng trên 3 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế, quan điểm của địa phương là sẽ cố gắng hết sức để người dân được thụ hưởng chính sách một cách đầy đủ và hiệu quả nhất. Đầm Hà cũng như các địa phương mong Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục sát sao hướng dẫn địa phương trong các nội dung công việc để có thể triển khai tốt hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới.
Làm rõ thêm công tác giải ngân nguồn vốn phát triển sản xuất, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Huyện Ba Chẽ được phân bổ 37 tỷ đồng nguồn vốn phát triển sản xuất, dự kiến hết năm 2024 giải ngân 5,4 tỷ đồng. Quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến đối tượng thụ hưởng chính sách; nội dung hỗ trợ; quy trình, trình tự thủ tục hành chính để được hỗ trợ; quá trình thanh toán sau đầu tư; việc duy trì bảo tồn nguồn vốn…
Thực tiễn tại huyện cho thấy, thời gian qua, người dân trên địa bàn rất tích cực trong việc tự vay vốn phát triển sản xuất. Qua tổng kết trên địa bàn huyện về xóa bỏ tình trạng trông chờ, ỷ lại ở cán bộ, đảng viên, hiện nay, Ba Chẽ vay vốn tín dụng trên 500 tỷ đồng. Như vậy, tính ra 1 năm nhân dân vay vốn khoảng 84 tỷ đồng. Không chỉ chủ động vay vốn phát triển sản xuất, người dân còn thực hiện trả tiền vốn vay đúng thời gian, quy định, không có nợ xấu.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu Tiên Yên – Bình Liêu – Ba Chẽ báo cáo rõ thêm: Từ năm 2021 đến năm 2023, Bình Liêu đã triển khai được 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với kinh phí 1,68 tỷ đồng và năm 2024 triển khai 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất khoảng 1,2 tỷ đồng, chủ yếu là hỗ trợ triển khai mô hình trồng dong riềng gắn với sản xuất, chế biến miến dong.
Việc triển khai hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 194/2019/NQ-HĐND, Nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND có những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như báo cáo của Giám đốc Sở NN&PTNT trình bày. Việc chuyển nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất sang ngân hàng chính sách xã hội là giải pháp để thực hiện hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long cho rằng: Nguồn vốn theo Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh, trong đó, có mục tiêu tỉnh dành tối thiểu 30% để hỗ trợ phát triển sản xuất cho cả giai đoạn. Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn này rất thấp. Do đó, đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết các giải pháp để đạt được mục tiêu khi đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn 2021-2025.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn nêu rõ các giải pháp thời gian tới. Trong đó, Sở đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh đã phân bổ hỗ trợ cho 9 địa phương sang ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh theo quy định tại khoản 6, điều 4, Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với 4 địa phương Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả đã bố trí vốn sự nghiệp của địa phương theo quy định tại Điểm g, Khoản 4, Điều 1, Nghị quyết 12/2022/NQ - HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh chủ động triển khai thực hiện theo quy định Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/1/2024 của Quốc hội khóa XV. Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp, các Đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại các địa phương tăng cường công tác giám sát việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khi được HĐND tỉnh ủy thác nguồn vốn sự nghiệp sang Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thực hiện các nội dung, đảm bảo theo Nghị quyết 111/2024/NQ15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng chí Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh làm rõ hơn câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà. Theo đó, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang đồng hành, hỗ trợ tích cực giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng hơn 26.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi với số tiền khoảng 1.645 tỷ đồng/năm. Để có được kết quả đó, Ngân hàng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và cổng thông tin điện tử từ cấp huyện đến tỉnh về nội dung các chính sách tín dụng của Trung ương và tỉnh; tuyên truyền, đưa tin về các khách hàng sử dụng vốn vay có hiệu quả để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong đời sống xã hội.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đối tượng thụ hưởng, phương thức quản lý đang thực hiện là điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tạo thuận tiện trong việc nắm bắt về chính sách tín dụng, sản phẩm dịch vụ của ngân hàng ngay tại nơi sinh sống, tạo mọi điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận. Hội, đoàn thể là kênh thông tin rất quan trọng đến hội viên về các chính sách tín dụng. Hội, đoàn thể các cấp đã luôn đồng hành với ngân hàng trong công tác quản lý nguồn vốn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về quy trình, thủ tục vay vốn cho các hội viên với mạng lưới hơn 2.200 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, khu phố. Nguồn vốn khi được Trung ương và tỉnh giao, trên cơ sở nhu cầu vốn của các địa phương, ngân hàng cùng với các ngành tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh phân bố vốn cho UBND cấp huyện, huyện phân bổ vốn đến cấp xã. Với nguồn vốn được giao, Ngân hàng CSXH tại cấp huyện sẽ tham mưu, phối hợp để triển khai cho vay.
Phải khẳng định rằng, tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm dành nguồn lực uỷ thác để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ 200 - 300 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, người dân được thụ hưởng, nguồn vốn tín dụng ưu tiên phát triển sản xuất, tạo việc làm ngày càng tăng, tăng cả về mức vay vốn của từng lĩnh vực, số lượng người lao động được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách.
Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh lưu ý, trên thực tế triển khai các chương trình mục tiêu còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai. Cụ thể, các địa phương chưa quyết liệt, tích cực trong việc vận động, mời gọi và hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX tham gia xây dựng dự án liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; chưa thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện vốn phát triển sản xuất, tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay phát triển sản xuất theo cơ chế tại Nghị quyết số 111/2024/QH15. Để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ phát triển sản xuất, Chủ tọa Kỳ họp đề nghị UBND tỉnh quan tâm một số nội dung sau:
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quá trình triển khai các chủ trương của tỉnh, của Trung ương, nhất là việc thực thi các chính sách, các quy định thời gian qua để làm rõ các bất cập khách quan, chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Qua đó, rút kinh nghiệm lập dự toán trong năm tiếp theo. Có đánh giá hiệu quả vốn, hiệu quả thực hiện ngân sách, đảm bảo nguồn vốn triển khai đến với bà con nhân dân, đến với đối tượng thụ hưởng chính sách có năng lực sản xuất mới, đời sống vật chất tốt hơn. Đối với nguồn vốn của năm 2024, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh, HĐND tỉnh sẽ xem xét đề nghị Ngân hàng Chính sách có kế hoạch cụ thể cùng các địa phương nhanh chóng triển khai nguồn vốn này đến người dân có nhu cầu tập trung cho phát triển sản xuất.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp huyện trong quản lý, sử dụng vốn đúng mục tiêu. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong quá trình triển khai thực hiện. Nhất là phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.
Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương cần tiếp tục rà soát, tập trung tháo gỡ những tồn tại khó khăn, hướng dẫn sâu sát đối với người dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong xây dựng dự án chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả tập trung tại các địa phương. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không được phép “bỏ rơi” người dân trong triển khai phát triển sản xuất; đồng thời phải tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có giá trị cao.
Đồng chí cũng yêu cầu UBND các địa phương quyết liệt, tích cực trong việc giao mặt biển đã có quy hoạch, để ngư dân, người làm thủy sản có những mô hình sản xuất mới, bền vững hơn, hiệu quả hơn. Nhiệm vụ này phải cơ bản được thực hiện xong trong quý III/2024. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ quản lý, sử dụng nguồn vốn… phấn đấu đưa mức thu nhập của người dân nông thôn đến hết năm 2025 đạt tối thiểu từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh phải tăng cường bám sát địa bàn, sâu sát cơ sở, nắm được ngay các khó khăn nảy sinh, từ đó tránh được tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, ngại không dám làm. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng phải tăng cường công tác giám sát với những nội dung này.
Về phía bà con nhân dân ở các địa bàn được thụ hưởng chính sách, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh mong muốn bà con cần quan tâm hơn đến chính sách, đến các quy định và chủ động chuẩn bị sẵn phương án sản xuất. Đặc biệt là cán bộ địa phương phải đồng hành cùng bà con nhân dân ngay từ đầu trong triển khai các dự án phát triển sản xuất theo hướng thật sự tận tình, tận tâm và trách nhiệm. Để từ đó bảo đảm thời gian còn lại của năm 2024 và năm 2025, toàn tỉnh có thêm những mô hình sản xuất mới thật hiệu quả về kinh tế, về môi trường, về an ninh trật tự và có thể nhân rộng các mô hình này. Vì đây là những mục tiêu rất quan trọng của tỉnh trong cả giai đoạn 2021-2025.
Theo kế hoạch, ngày mai (9/7), Kỳ họp sẽ tiếp tục với phiên thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()