Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:15 (GMT +7)
Chất vấn, trả lời chất vấn: Chống thất thu thuế, chuyển đổi nghề cho ngư dân phải rõ trách nhiệm
Thứ 4, 13/12/2017 | 08:19:27 [GMT +7] A A
Đúng 8h00' ngày 13/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn có đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khoá XIV.
Báo Quảng Ninh thông tin trực tiếp nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khoá XIV cùng các đại biểu dự phiên chất vấn. |
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Dứt khoát phải chấm dứt được khai thác tận diệt
10h20’: Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp kết luận nội dung chất vấn này: Thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tập trung ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản hủy diệt. Các sở, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để bảo vệ, phát triển NLTS bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, trong thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân hiểu được việc ngăn chặn khai thác thủy sản theo hướng tận diệt là bảo vệ cuộc sống của chính người dân, của thế hệ tương lai và bảo vệ hệ sinh thái, nguồn tài nguyên môi trường. Vì vậy, người dân cần phải tự giác, tích cực vào cuộc, thể hiện vai trò giám sát, lên án hành vi khai thác thủy sản tận diệt, không mua bán, tiêu dùng các sản phẩm thủy sản từ hình thức khai thác tận diệt.
Cùng với đó, các ngành chức năng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp khai thác thủy sản tận diệt. Đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại, hướng dẫn, định hướng chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho ngư dân; tham mưu cho tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản phù hợp nguồn lợi, ngư trường, chuyển đổi đánh bắt nhỏ lẻ ven bờ thành nuôi trồng thủy sản; đào tạo nghề chuyển sang kinh doanh dịch vụ...
Các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, xây dựng các trung tâm giống thủy sản;... Triển khai việc cấm khai thác thủy sản tại các vùng biển cấm khai thác, thực hiện cấm khai thác thủy sản ven bờ trong mùa sinh sản…
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang là vấn đề "nóng"
10h: Trả lời chất vấn của đại biểu, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đang là vấn đề “nóng” được tỉnh và nhân dân trên địa bàn rất quan tâm. Hiện nay, nguồn lợi thuỷ sản đang bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố về nhu cầu tăng, thị trường ngư cụ đa dạng, thói quen đánh bắt huỷ diệt, lực lượng quản lý mỏng… Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc kiểm tra và xử lý đối với các vi phạm về đánh bắt, khai thác thuỷ sản tận diệt. Bước đầu công tác này đã có những kết quả tích cực, thay đổi thói quen đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động này có lúc, có nơi còn chưa được đồng đều.
Qua đó, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thì ngay từ mỗi ngư dân phải nhận thức sâu sắc hơn để thay đổi ý thức, cách thức đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân, các địa phương cần rà soát nhu cầu về nghề nghiệp của ngư dân sau chuyển đổi nghề nghiệp để tham mưu với tỉnh, các ngành chức năng lên phương án cụ thể tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho ngư dân.
Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh việc thực hiện lên chương trình tổng thể kiểm soát ngư trường; nâng cao hiệu quả các quy hoạch về bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học... Cùng với nội dung này thì các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý vùng bờ, ven bờ, bãi triều trên địa bàn, khai thác cộng đồng dân cư để phối hợp cùng quản lý và hưởng lợi. Mặt khác, các đoàn thể, tổ chức hội cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững trên địa bàn.
Video: Chống thất thu thuế làm "nóng" nghị trường
[video(42643)]
Vì sao ngư dân chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn?
9h36': Chất vấn về việc chuyển đổi nghề cho ngư dân nhiều đại biểu cho rằng ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn và đề nghị Sở NN&PTNT giải trình làm rõ các giải pháp để hỗ trợ?
Trả lời các đại biểu về vấn đề này Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Tỉnh ta có nhiều tàu công suất nhỏ, đây là áp lực lớn đối với địa phương và người dân. Vì vậy, để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, các địa phương cần triển khai hiệu quả quy hoạch nuôi trồng. Về sản xuất giống, tỉnh cơ bản mới đáp ứng được giống nuôi nước ngọt, các giống nhuyễn thể hiện nay các cơ sở để nuôi chưa có.
Vừa qua Bộ NN&PTNT đã đồng tình cho Quảng Ninh xây dựng cơ sở sản xuất giống nhuyễn thể, hiện tỉnh đang triển khai đúng tiến độ, phấn đấu hết năm 2019 hoàn thành. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi và tiếp cận với các nhà đầu tư triển khai sản xuất, phát triển các loại giống vào Quảng Ninh, đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giống nuôi, chủ động sản xuất giống và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong Luật Thủy sản đã quy định rất rõ các nghề cấm trong khai thác thủy sản. Sau khi xin ý kiến của Bộ NN&PTNT từ ngày 1/1/2018 trên địa bàn Quảng Ninh sẽ thực hiện cấm hoàn toàn việc đánh bắt thủy sản bằng lồng bát quái. Về nội dung quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại các bãi triều, tỉnh đã có phân cấp quản lý vùng bờ cho các địa phương, quy định cho phép phân cấp các địa phương về diện tích, quy mô khai thác tại bãi triều, đồng thời chính quyền địa phương thực hiện hướng dẫn cộng đồng dân cư trong việc cùng khai thác, quản lý hiệu quả, đảm bảo theo quy định.
Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tập trung vận động ngư dân thực hiện các nghề truyền thống trong khai thác thủy sản, đồng thời nâng cấp tàu công suất lớn để đáp ứng việc đánh bắt xa bờ, giảm thiểu khai thác ven bờ...
Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức đào tạo nghề cho công nhân tại các khu công nghiệp lân cận. Đồng thời, rà soát, kiểm tra nội dung vay vốn ngân hàng của các ngư dân sử dụng các phương tiện đánh bắt nhằm ngăn chặn sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các phương tiện cấm không được khai thác. Bên cạnh đó, tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trong vùng lõi trên Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Thêm nữa, nghiên cứu phát triển các dịch vụ khác để tạo nguồn lợi phát triển kinh tế cho ngư dân…
TX Quảng Yên có hơn 700 tàu khai thác thủy sản bằng nghề lồng bẫy
9h25': Trả lời chất vấn của đại biểu Ngọc Thái Hoàng (Tổ đại biểu Cẩm Phả) về thực trạng và những giải pháp để bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) bền vững trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình:
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Hữu Giang. |
Toàn tỉnh có khoảng 1.100 tàu làm nghề lờ dây với trên 2.000 lao động. Địa phương nhiều nhất là Quảng Yên có hơn 700 tàu làm lồng bẫy. Tàu thuyền hoạt động chủ yếu là mủng nan, công suất chủ yếu từ 6CV đến 12CV/tàu. Ngoài ra còn các hoạt động cào khai thác nhuyễn thể, bơm áp lực khai thác thủy sản, lặn khai thác thủy sản, đăng, đáy... Trong những năm qua, Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các sở, ngành và UBND các địa phương triển khai tích cực công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển NLTS. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền; tổ chức thả giống tái tạo NLTS, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Giám đốc Sở NN&PTNT cũng nêu giải pháp để bảo vệ, phát triển NLTS bền vững trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành đối với hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển NLTS; chú trọng tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân trực tiếp làm nghề khai thác thủy sản về các quy định bảo vệ NLTS. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp nguồn lợi, ngư trường, giảm áp lực khai thác NLTS ven bờ như: Rà soát tàu cá dưới 90CV toàn tỉnh để xây dựng phương án chuyển đổi nghề; xây dựng đề án phát triển tàu khai thác tuyến lộng, khơi; giảm tàu khai thác ven bờ, không đăng ký các tàu cá đóng mới có công suất dưới 30CV; cấm khai thác thủy sản tại các vùng biển cấm khai thác…
Cùng với đó, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách, cơ chế để bảo vệ, phát triển NLTS; báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền thành lập lực lượng Kiểm ngư cấp tỉnh; thực hiện cấm khai thác thủy sản ven bờ trong mùa sinh sản và chính sách hỗ trợ ngư dân trong thời gian tạm ngừng khai thác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, tiếp nhận thông tin và xử lý vi phạm.
Trước ngày Thương binh Liệt sỹ năm 2018 phải xong việc xây nhà cho người có công
9h13': Kết luận nội dung liên quan đến nhà ở cho người có công, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện đầy đủ các chính sách cho người có công. Thường trực Tỉnh uỷ đã họp thống nhất quy định các đối tượng thụ hưởng theo quy định của Trung ương, nhưng với mức hỗ trợ lớn hơn, cụ thể là đối với xây mới nhà ở tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà, (Trung ương quy định 40 triệu đồng/nhà); sửa chữa 30 triệu đồng/nhà (Trung ương quy định 20 triệu đồng/nhà). Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương không đợi nguồn vốn của Trung ương. Qua đó, tỉnh tập trung bố trí nguồn lực hỗ trợ, tập trung xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công chia làm 2 đợt, đợt 1 thực hiện xong trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất sắp tới; đợt 2 thực hiện xong trước ngày 27/7/2018.
Trên cơ sở này để chính sách được triển khai nhanh chóng đảm bảo quyền lợi cho người có công, đồng chí yêu cầu các địa phương cụ thể hoá nội dung chỉ đạo của tỉnh, tiến hành kiểm tra, rà soát không để sót, để thiếu đối tượng, vận động người dân, tổ chức cùng tham gia hỗ trợ gia đình người có công. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương tranh thủ mùa khô từ nay đến Tết Nguyên đán để triển khai nhanh việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, vận động người dân, huy động các lực lượng cùng tham gia để đẩy nhanh tiến độ. Đồng chí kêu gọi các gia đình chính sách cùng hợp tác với các cơ quan chức năng của tỉnh sớm tạo điều kiện để triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công, phấn đấu trước dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Người có công ngóng được hỗ trợ xây nhà
9h00': Chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng về việc triển khai Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 24/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2, đại biểu Trần Thị Thiêm (Tổ Hải Hà) cho rằng hiện tiến độ chậm, tỷ lệ xây dựng nhà ở cho người có công đạt thấp.
Giải trình nội dung này Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo: Đến hết tháng 11/2017, toàn tỉnh đã và đang triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho tổng số: 2.238/3.630 hộ (đạt 62% tổng số hộ theo Đề án được phê duyệt).
Tiến độ thực hiện Đề án triển khai theo Quyết định số 3346/QĐ-UBND ngày 30/8/2017 hỗ trợ cho 3.630 hộ trong thời gian ngắn (chưa đến 1 năm) do tiến độ khẩn trương và vào thời điểm cuối năm, nên việc triển khai thực hiện Đề án hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bên cạnh đó, Đề án được UBND tỉnh phê duyệt ngày 30/8/2017, nhưng để đảm bảo kinh phí triển khai, tỉnh đã cố gắng chủ động, cân đối để hỗ trợ đối với phần kinh phí tăng thêm thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương và ứng trước kinh phí (73.312 triệu đồng) thuộc trách nhiệm của Trung ương (trong khi Trung ương chưa cấp kinh phí), ngay sau khi có ý kiến của Thường trực HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4536/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 để cấp kinh phí cho các địa phương. Mức hỗ trợ theo Đề án mặc dù có chính sách hỗ trợ riêng (60 triệu đồng/hộ xây mới, 30 triệu đồng/hộ sửa chữa) nhưng chỉ đáp ứng một phần kinh phí xây dựng nhà ở của các hộ; do đó nhiều hộ gia đình chờ đợi thời vụ và khả năng huy động số kinh phí còn lại để triển khai xây nhà ở...
Dự kiến trong khoảng thời gian đến cuối tháng 1/2018 (trước Tết Nguyên đán 2018) các địa phương sẽ triển khai đảm bảo cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án. Đối với số hộ còn lại do các yếu tố khách quan chưa thực hiện được sẽ hoàn thành chậm nhất trước ngày 27/7/2018, cơ bản đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Đại biểu Lài Thị Hiền (Tổ Bình Liêu). |
Thời gian tới, Sở Xây dựng - cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc hỗ trợ các hộ gia đình người có công về nhà ở theo Đề án; UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong việc cấp kinh phí cho các hộ và đôn đốc, thực hiện. Sở tiếp tục chủ trì phối hợp với các ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra các địa phương hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án. Đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã tập trung cao độ, quyết liệt trong việc hỗ trợ, ủng hộ giúp đỡ hộ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở; hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ có vướng mắc về đất đai, quy hoạch, xây dựng, để các hộ triển khai thực hiện...
Cũng liên quan đến nội dung này theo chất vấn của đại biểu Lài Thị Hiền (Tổ Bình Liêu), Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thời gian triển khai xây dựng nhà ở cho người có công triển khai trong năm 2017 và 2018, vì vậy hộ nào chưa triển khai trong năm 2017 thì các địa phương vận động thực hiện triển khai và hoàn thành trước ngày 27/7/2018.
Trong quá trình rà soát phát sinh một số hộ đủ điều kiện xây nhà mà chưa thống kê hoặc các hộ tự bỏ tiền xây từ trước thì các địa phương chủ động cân đối kinh phí, đảm bảo hỗ trợ cho các hộ không thấp hơn mức hỗ trợ của đề án, đồng thời linh hoạt chuyển làm mới sang sửa chữa....
Tăng cường kiểm tra, không để doanh nghiệp, hộ kinh doanh trốn thuế
8h47': Kết luận về nội dung này, Chủ tọa kỳ họp Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Thu ngân sách là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế. Nhờ đó, tỷ lệ thu thuế năm nay đều vượt so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong công tác thu thuế.
Chủ tọa kỳ họp đề nghị ngành Thuế, các ban, ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động chống thất thu thuế; tập trung rà soát các hộ, các doanh nghiệp kinh doanh, nhất là đối với các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm nộp thuế của từng hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn.
Doanh nghiệp mua giá cao kê khai thấp để trốn thuế
8h40': Đại biểu Thu Trang (Tổ TP Cẩm Phả) cho rằng đang có tình trạng doanh nghiệp mua giá cao nhưng kê khai thấp để trốn thuế, vậy ngành Hải quan có giải pháp nào để giải pháp khắc phục tình trạng trốn thuế của một số đơn vị nhập khẩu hàng hóa?
Khẳng định quyết tâm của ngành Hải quan trong chống thất thu thuế, đồng chí Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết:
Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh. |
Thời gian qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và của tỉnh, ngành Hải quan tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong chống thất thu. Trong đó, tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, đó là tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp, đối với những mặt hàng có tính rủi ro cao. Đặc biệt, Cục Hải quan tập trung kiểm tra sau thông quan đối với các dấu hiệu vi phạm về giá nhập khẩu (giá mua cao nhưng kê khai thấp để trốn thuế)... Kết quả thu thuế nhập khẩu của Hải quan đến thời điểm này tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng liên quan đến nội dung này Giám đốc Sở Tài chính cho biết hiện nay việc triển khai hoá đơn điện tử đang được Chính phủ nghiên cứu ban hành. Nếu trong năm 2018 Chính phủ chính thức cho triển khai nội dung này, tỉnh Quảng Ninh sẽ là đơn vị đầu tiên đăng ký triển khai thanh toán điện tử, hoá đơn điện tử, không sử dụng tiền mặt khắc phục việc kiểm tra hoá đơn.
Năm 2018 Sở tham mưu UBND tỉnh rà soát người nộp thuế, phân cấp tối đa quản lý thuế doanh nghiệp ngoài quốc doanh cho các địa phương để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong công tác thu. Đối với vấn đề thất thu trong các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, trong năm 2018 tham mưu UBND tỉnh phân ngành theo nhóm để kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn.
Đại biểu Trần Đức Lâm (Tổ TP Hạ Long). |
Chưa phát hiện cán bộ thuế "đi đêm" với doanh nghiệp
8h25': Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Đức Lâm (Tổ TP Hạ Long) về các giải pháp của ngành Thuế trong công tác kiểm tra, giám sát nhằm chống thất thu thuế tại các doanh nghiệp, Cục trưởng Cục thuế khẳng định, thời gian qua, các doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp thuế theo quy định của pháp luật. Theo đó, ngành Thuế đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị chức năng để thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp đảm bảo 15% số doanh nghiệp được kiểm tra trực tiếp hàng năm. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra đột xuất khi phát hiện các đơn vị vi phạm trong việc kê khai thuế. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn khi lực lượng cán bộ thuế còn mỏng. Đồng thời, các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn với ngành Thuế để làm tốt công tác rà soát các hộ kinh doanh phát sinh, các hộ kinh doanh hủy bỏ để làm tốt công tác thu thuế. Đối với các lĩnh vực dịch vụ, đề nghị các ngành phối hợp với ngành Thuế để cung cấp thông tin ấn định số thuế chống thất thu.
Xung quanh ý kiến của các đại biểu về việc có hay không tình trạng cán bộ thuế “đi đêm” với doanh nghiệp hoặc cán bộ thuế làm kế toán cho các doanh nghiệp, đồng chí Cục trưởng Cục Thuế khẳng định qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên chưa phát hiện cán bộ thuế có hành vi vi phạm và sẽ xử lý nghiêm khắc nếu có tình trạng trên.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh. |
Hơn 33.000 hộ kinh doanh nhưng số thuế nộp thấp
8h16': Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Hương (Tổ Đông Triều) về chống thất thu thuế, trách nhiệm cán bộ ngành thuế, cục thuế, trách nhiệm của các địa phương trong việc chống thất thu thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các ngành như: Công an, Biên phòng, Sở Giao thông - Vận tải… thông tin liên quan đến quản lý như: Lệnh xuất bến, khách lưu trú, khảo sát doanh thu ăn uống, dịch vụ, du lịch lữ hành. Trên cơ sở đó, quy định mức giá cụ thể, ấn định số thuế. Riêng đối với các hộ kinh doanh, số hộ kinh doanh lớn khoảng 33.000 hộ nhưng số thuế không cao. Do đó, để quản lý thuế, cơ quan thuế đã tham mưu cho các địa phương xác định mức doanh thu, mức thuế cụ thể sau đó công khai đến từng hộ, từng tổ chức, khảo sát doanh thu, qua đó góp phần giám sát từng loại ngành nghề. Bên cạnh đó, xác định ngay từ đầu mức thuế của từng hộ kinh doanh, gắn với tỉ lệ điều tiết cân đối chi của từng phường, xã, thị trấn. Năm 2018, ngành Thuế sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp trong chống thất thu đối với từng doanh nghiệp, cá nhân…
Đại biểu Bùi Thị Hương (Tổ Đông Triều). |
Thất thu thuế từ hộ kinh doanh- đại biểu lo ảnh hưởng đến thu NSNN trên địa bàn
8h: Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Cao Kỳ (Tổ Cô Tô) đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết các giải pháp đảm bảo số thu NSNN theo Nghị quyết HĐND giao, làm thế nào để không thất thu thuế từ các hộ kinh doanh?
Trả lời chất vấn về nội dung này, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thị Minh Thanh khẳng định, là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước trên địa bàn, Sở Tài chính luôn xác định nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của cơ quan; qua đó, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh một số giải pháp cơ bản nhằm chống thất thu thuế trên địa bàn:
Đồng chí Trịnh Minh Thanh, Giám đốc Sở Tài chính. |
Một là, tăng cường rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn.
Hai là, thực hiện rà soát đánh giá lại tổng thể quy trình quản lý và phân cấp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh để phân cấp tối đa quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh ngay từ đầu năm 2018, nhằm gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thu ngân sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên địa bàn.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế.
Bốn là, tập trung thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; kiểm tra các tờ khai có sự mâu thuẫn, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế.
Năm là, triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, trong đó tập trung bám sát những doanh nghiệp nợ thuế lớn.
Sáu là, kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Bảy là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thuế cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích về thuế.
Đại biểu Nguyễn Cao Kỳ (Tổ Cô Tô). |
Liên kết website
Ý kiến ()