Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 22:05 (GMT +7)
Chất vấn và trả lời chất vấn: Đúng trọng tâm, thể hiện trách nhiệm và đề ra giải pháp cụ thể
Thứ 6, 16/07/2021 | 14:54:32 [GMT +7] A A
Chiều 16/7, Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, điều hành phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thực hiện phương châm đổi mới trong kỳ họp HĐND tỉnh, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra theo nhóm vấn đề. Người hỏi và người trả lời thực hiện cách thức "Hỏi nhanh - Đáp gọn", đúng trọng tâm. Hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này đi sâu vào 3 nhóm vấn đề: Giải phóng mặt bằng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo; công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Nhóm vấn đề 2: Phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh
16h15: Phát biểu kết luận về nội dung phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh:
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần đoàn kết, năng lực ứng phó từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức khoanh vùng dập dịch, thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ; phòng, chống dịch với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; chiến lược phát hiện ngăn chặn, điều trị nhanh hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, giảm thiểu ảnh hưởng sức khỏe, đời sống của nhân dân. Thắng lợi này trước hết thuộc về lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch như công an, y tế, quân đội… Chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, có quyết sách khoa học. Việc trụ vững qua các làn sóng dịch cho thấy sức mạnh của cả hệ thống chính trị Quảng Ninh trong ứng phó với các tình huống ngày càng lớn, không lơ là, chủ quan mất cảnh giác, giữ vững địa bàn an toàn trong dịch bệnh. Nhân Kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Ninh gửi lời tri ân đến tất cả lực lượng tuyến đầu cũng như nhân dân đã góp phần giữ vững địa bàn an toàn, đà tăng trưởng, tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ngay từ đợt I.
Trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin, Quảng Ninh cũng đặt quyết tâm nhờ sức mạnh tổng hợp tiếp cận nguồn cung đủ lớn để triển khai tiêm chủng vắc xin cho toàn dân trên địa bàn tỉnh với phương châm an toàn, hiệu quả, nhanh chóng trên diện rộng, phấn đấu là một trong những địa phương đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 5 đợt tiêm vắc xin an toàn, thể hiện năng lực tiêm chủng của Quảng Ninh đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Qua 5 đợt tiêm chủng cũng cho thấy, chủ trương đưa bác sĩ từ CDC và các bệnh viện lớn tới các xã, phường phục vụ nhân dân thực hiện mô hình ở đâu cũng an toàn, ở đâu cũng được xử lý kịp thời. Có thể khẳng định Quảng Ninh hoàn toàn làm chủ trong mọi tình huống.
Tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm chủng thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành Y tế với vai trò là cơ quan tham mưu phải tổ chức xây dựng dữ liệu dân cư tiêm chủng ngay từ bây giờ, theo dõi sau tiêm, tiêm mũi 2, đồng thời sử dụng hộ chiếu vắc xin. Cùng với đó, quan tâm bố trí nhân lực tiêm chủng ở khu vực đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn để đảm bảo chất lượng tiêm chủng với đội ngũ y bác sĩ thực hiện tiêm chủng tốt nhất. Ngoài ra, tiếp tục truyền thông tích cực, chủ động, đúng mực, đúng thực tiễn khách quan để nhân dân tin tưởng; tổ chức tiêm chủng với tinh thần gắn kết giữa người dân, cơ quan y tế, chính quyền địa phương để tiêm chủng trở thành chiến dịch thành công trên tất cả các khía cạnh. Các ngành, địa phương cần tiếp tục cố gắng, không để nảy sinh bất ngờ trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, không lơ là, chủ quan mất cảnh giác để đảm bảo cuộc sống bình yên, giữ vững an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, phát triển KT-XH, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
16h02: Liên quan đến việc dành nguồn lực cho việc tiêm vắc xin miễn phí cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Tài chính cho biết cụ thể. Đồng chí Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết:
Sở đã báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh một số điều trong Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh ban hành ngày 9/12/2020 về quản lý điều hành thu chi ngân sách. Trong đó có nội dung điều chỉnh tăng phần dự phòng từ 2 lên 4%. Khi điều chỉnh lên 4% tổng dự phòng của tỉnh là 1.241 tỷ đồng. Trong đó có cắt giảm đầu tư công; tiết kiệm 10% chi thường xuyên; ngân sách tỉnh tiết kiệm 330 tỷ đồng; ngân sách huyện tiết kiệm 73 tỷ đồng. Tổng số tiết kiệm chi thường xuyên là 393 tỷ đồng, cùng với đó là 130 tỷ đồng bố trí kinh phí phòng, chống dịch ngay từ đầu năm.
Như vậy tỉnh ta có nguồn lực để phòng, chống dịch và mua vắc xin tiêm chủng miễn phí cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Mặc dù còn khó khăn về nguồn thu NSNN nhưng về nguồn lực về phòng chống dịch Quảng Ninh đã sẵn sàng.
15h55: Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Bá Nam, Tổ đại biểu TP Móng Cái, cho biết thêm:
TP Móng Cái được sẽ thực hiện khoảng 31.000 mũi tiêm trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Móng Cái thực hiện tiêm vắc xin trên quan điểm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân. Để đảm bảo tất cả người dân đều chủ động đi tiêm vắc xin, TP Móng Cái đã thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp trên; xác định rõ được những đối tượng tiêm để tạo sự lan tỏa. Công tác tuyên truyền, tạo sự khích lệ trong nhân dân được thực hiện triệt để tại các phường, xã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân.
Triển khai tiêm chủng loại vắc xin Sinopharm, trên địa bàn thành phố chưa xuất hiện những phản ứng đáng ngại nào trên những người được tiêm vắc xin này. Đặc biệt, 3 ngày gần đây, tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố, người dân đến đăng ký và thực hiện tiêm chủng ngày càng nhiều. Điều này cũng phần nào khẳng định niềm tin của người dân Móng Cái với loại vắc xin Sinopharm cũng như chiến dịch tiêm chủng vắc xin của tỉnh.
Hiện nay, TP Móng Cái đã tập trung và hoàn thành tiêm chủng cho công nhân tại Khu công nghiệp Hải Yên. Tới nay, các mũi tiêm tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn đều tăng qua từng ngày. Với tình hình này, TP Móng Cái sẽ hoàn thành việc tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn trước ngày 20/7.
15h46: Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Vinh, đại biểu TX Đông Triều, về chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện trả lời trước HĐND tỉnh và cử tri toàn tỉnh như sau:
Cùng với chiến lược 5K, truyền thông, công nghệ, vắc xin là chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và đã giữ được an toàn địa bàn đến ngày hôm nay. Toàn tỉnh hiện đã tiêm được trên 50.000 mũi tiêm an toàn. Việc triển khai chiến lược vắc xin tại Quảng Ninh được thực hiện hết sức bài bản, nghiêm túc với sự vào cuộc trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Quảng Ninh cũng là tỉnh rất sớm ban hành Nghị quyết chi ngân sách để mua vắc xin tiêm cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ tiếp cận và tiêm vắc xin cho người dân với những nội dung chính như: Đạt được số người tiêm càng nhiều càng tốt; đến tháng 4/2022, tối thiểu có 70-80% dân số toàn tỉnh được tiêm chủng; tất cả các loại vắc xin đều miễn phí đến tận người dân dù bất kỳ ở đâu; đảm bảo chất lượng tốt nhất khi tiêm cho nhân dân; thứ tự ưu tiên theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và Nghị quyết 326 của HĐND tỉnh. Nhà nước sẽ huy động các nguồn lực và cấp ngân sách để mua đủ vắc xin cho nhân dân. Đối với mỗi đợt vắc xin được phân bổ, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai cụ thể, khoa học với quan điểm xuyên suốt “TIÊM ĐẾN ĐÂU, AN TOÀN ĐẾN ĐÓ”. Trên cơ sở đó, ngành Y tế tỉnh cũng đã thành lập 195 điểm tiêm chủng trên toàn tỉnh và 195 tổ cấp cứu đi theo điểm tiêm để đảm bảo người dân sau khi tiêm vắc xin được theo dõi sát sao về sức khỏe.
Với 500 tỷ đồng ngân sách cùng với 100 tỷ đồng xã hội hóa, tỉnh cũng đã tiếp cận một số công ty được Chính phủ cho phép nhập các nguồn vắc xin cao cấp của thế giới: Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc nhằm tìm kiếm nguồn vắc xin chất lượng tiêm chủng cho người dân.
Đối với sự quan tâm của người dân về chất lượng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đây là loại vắc xin đứng thứ 4 trong các loại vắc xin cao cấp và được nhiều nước trên thế giới lựa chọn để triển khai tiêm chủng.
Ông Nguyễn Trọng Diện cũng cho biết thêm: Tỉnh đang tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác nhằm có được lượng vắc xin nhiều nhất và nhanh nhất. Dự kiến trong tháng 7 này, Quảng Ninh sẽ tiêm khoảng 200.000 mũi tiêm cho người dân; dự kiến đến hết tháng 4/2022 sẽ tiêm khoảng 2,2 triệu mũi tiêm. Thời gian tới đây, ngành sẽ tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu ý nghĩa của tiêm chủng và thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ trong công tác phòng, chống dịch. Đây là thời điểm vàng để tiêm chủng, do đó, ngành sẽ tập trung lực lượng để tranh thủ thời gian sớm nhất hoàn thành chiến lược tiêm chủng cho người dân.
Liên quan đến chất vấn của Đại biểu Trần Thùy Liên về tính hiệu quả khi sử dụng 2 loại vắc xin khác nhau cho 2 đợt tiêm chủng, ông Nguyễn Trọng Diện cho biết: Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc tiêm chủng 2 loại vắc xin khác nhau cho 2 đợt tiêm chủng và đều cho thấy hiệu quả đáp ứng tốt. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vắc xin nói chung và tiêm vắc xin kết hợp sẽ vẫn cần thời gian để khẳng định tính hiệu quả tuyệt đối trên người và cần thêm nhiều thời gian nữa để nghiên cứu, đánh giá. Dù vậy, trong hoàn cảnh cả thế giới và Việt Nam đang tích cực phòng, chống dịch thì việc thực hiện các quy định về 5K cùng vắc xin đang là giải pháp tối ưu nhất nhằm từng bước kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
15h40: Đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu TX Đông Triều: Trong thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, trong khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt bùng phát dịch thứ 4 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, bằng nhiều giải pháp nên địa bàn Quảng Ninh vẫn giữ được an toàn. Cùng với các biện pháp trong phòng, chống dịch như chiến lược 5K, truyền thông, công nghệ, vắc-xin thì chiến lược tiêm vắc-xin đã được tỉnh triển khai thực hiện bước đầu hiệu quả, tạo sự tin tưởng trong nhân dân và cử tri trong toàn tỉnh. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết chiến lược tiêm vắc-xin được tỉnh Quảng Ninh triển khai như thế nào? |
15h42: Đại biểu Trần Thùy Liên, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Xin đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết Sở đã có tham mưu cho tỉnh như thế nào trong việc triển khai tiêm 2 loại vắc xin cho người dân trên địa bàn tỉnh?
|
15h45: Đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả: Theo tôi được biết hiện nay trên thế giới nguồn cung ứng vắc-xin còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đối với Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vắc-xin để tiêm cho người dân, trong đó tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận vắc-xin và tiêm cho trên 31.000 người, trong đó huyện Hải Hà và TP Móng Cái đã triển khai tiêm và được nhân dân ủng hộ, đồng tình rất cao. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: Trong khi nguồn vắc-xin còn khó khăn như vậy, Sở Y tế có giải pháp nào để tham mưu cho tỉnh đảm bảo khả năng đáp ứng về vắc-xin và nguồn lực để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh? Những đối tượng nào sẽ được tiêm trong thời gian tới đây? |
* Nhóm vấn đề 1: Giải phóng mặt bằng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo
15h10: Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao việc trả lời chất vấn của thành viên UBND tỉnh, nhất là những câu hỏi trực tiếp hỏi nhanh, đáp gọn.
*Về công tác giải phóng mặt bằng
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của UBND tỉnh và các ngành, địa phương trong công tác GPMB, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ghi nhận, cảm ơn sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Quảng Ninh phát triển phát triển không chỉ là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhờ các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-Index, phải nói sự đóng góp rất lớn của người dân vào các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Ghi nhận, biểu dương, cảm ơn cử tri, nhân dân, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và tạo thuận lợi cao nhất trong GPMB, gắn với trách nhiệm của đồng chí Bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND các cấp theo cơ chế có Ban Chỉ đạo và chính quyền vận hành theo quy định pháp luật. Đề cao vai trò người đứng đầu trong thực hiện quy định của pháp luật, trontg lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, tái định cư. Tiếp tục chăm lo củng cố đội ngũ cán bộ công chức thực hiện công tác GPMB ở các cấp, nhất là cấp xã.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh trong định hướng phát triển giai đoạn tới, hàng loạt các dự án đầu tư trọng điểm, mang tính động lực sẽ tiếp tục được triển khai. Vì vậy, diện tích cần phải giải phóng mặt bằng còn rất lớn. Để đảm bảo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng như quyền lợi của người dân, đồng chí yêu cầu phải khắc phục được những tồn tại, bất cập trong công tác này. Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị cần phải nâng cao năng lực của các đơn vị, cơ quan, tổ chức trong việc xác định giá đất. Đảm bảo rút ngắn thời gian và đúng quy định pháp luật. Thực hiện quy trình GPMB theo nguyên tắc làm đúng ngay từ đầu, công khai, minh bạch, công bằng. UBND tỉnh tiếp tục rà soát, phát hiện các bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác GPMB để đề xuất sửa đổi. Đối với việc bố trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong điện giải phóng mặt bằng, phải thực hiện rà soát tổng thể trên địa bàn toàn tỉnh đối với quỹ đất tái định cư cho người dân. Tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình lợi dụng, trục lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.
*Về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh phải thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan nếu để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo chậm được giải quyết. Nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Có cơ chế để Tòa án nhân dân các cấp, Đoàn Luật sư tỉnh tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông qua đó củng cố niềm tin của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu phát triển chung của tỉnh.
14h50: Cũng liên quan đến nội dung trên, đồng chí Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Việc khai thác cát ở xã Bình Ngọc, đây là dự án có chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có xảy ra hiện tượng sụt lún, cử tri đã có kiến nghị, TP Móng Cái tổ chức lấy ý kiến nhưng người dân không đồng tình, việc tổ chức khai thác cát đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được. Qua khảo sát cho thấy việc sụt lún là có, thành phố đề nghị phải giải quyết dứt điểm và đề xuất dừng dự án để tránh hệ lụy sau này.
|
14h36: Chánh Thanh tra tỉnh Điệp Văn Chiến trả lời: Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào Đảng bộ, chính quyền các cấp. Kết quả này được các cơ quan Trung ương thông qua kiểm tra, giám sát đánh giá và ghi nhận cao. Cách làm sáng tạo và hiệu quả của tỉnh đã nêu cao được trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và tạo điều kiện tối đa cho người dân trong thực hiện quyền của mình.
Do đó, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại đạt gần 70% và tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo đạt trên 85% (cao hơn so với cùng kỳ năm trước). Nhiều vụ việc phức tạp, đông người cơ bản đã được giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế: Thời gian giải quyết một số vụ việc vẫn chưa đảm bảo theo quy định; việc tổ chức đối thoại với công dân ở một số nơi còn chưa đảm bảo về mặt trình tự và thành phần tham dự gây ảnh hưởng tới quá trình giải quyết. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực chậm dẫn đến công dân tiếp tục có đơn thư phản ánh gửi đến cơ quan chức năng. Công tác tuyên truyền vận động người dân ở cấp cơ sở chưa thực hiện triệt để dẫn đến khiếu kiện vượt cấp.
Nguyên nhân là do Quảng Ninh triển khai rất nhiều dự án trọng điểm; quy định của pháp luật chưa giải quyết được hài hòa, đảm bảo lợi ích cho công dân; pháp luật chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền của cơ quan nhà nước để có thể chấm dứt hoàn toàn việc giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Về chủ quan, chúng tôi nhận định còn có những nguyên nhân sau: Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa nắm bắt kịp thời để dự báo tình hình KNTC ở cơ sở. Việc tiếp công dân cấp xã chưa được thực hiện nghiêm túc, hướng dẫn vòng vo, còn tình trạng đùn đẩy lên cấp huyện, chưa lắng nghe đầy đủ ý kiến công dân phản ánh.
Để khắc phục những hạn chế này, các sở, ngành chức năng, UBND các cấp cần tập trung thực hiện các nội dung nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cả bộ máy hành chính phải xác định tiếp công dân, giải quyết KNTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm đối với nhân dân; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy; giải quyết dứt điểm các đơn thư KNTC; kiên trì việc vận động toàn dân hiểu rõ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó phát huy vai trò MTTQ và các tổ chức chính trị…
14h35: Đại biểu Lê Hồng Thắng, Tổ đại biểu TP Móng Cái: Thời gian qua, tình trạng một số vụ việc khiếu nại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm như ở một số địa phương: Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên… Đề nghị đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh làm rõ thêm thực trạng này và đề nghị chủ tọa cho phép một số lãnh đạo các địa phương báo cáo làm rõ thêm các giải pháp khắc phục tình trạng trên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri và nhân dân?
|
14h32: Linh mục Ngô Văn Vàng, Tổ đại biểu TP Móng Cái: Cử tri phường Bình Ngọc phản ánh việc khai thác cát ở đây gây sụt lún, đề nghị các ngành, địa phương cho biết giải pháp để giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri?
|
14h30: Đại biểu Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân trong 6 tháng đầu năm 2021 đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, được các cấp, ngành và các địa phương thực hiện tốt, góp phần tích cực củng cố lòng tin của cử tri, nhân dân, qua đó đã giảm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, không để phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp về an ninh trật tự. Tuy nhiên trong báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế như việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, văn bản chỉ đạo giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh đã có hiệu lực còn chậm, chưa kịp thời; số vụ khiếu nại đúng, đúng một phần vẫn còn cao. Đề nghị đồng chí Chánh Thanh tra tỉnh cho biết nguyên nhân của tình trạng việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm; thời gian tới sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các giải pháp gì để nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân?
14h13: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy: Việc xác định giá đất được thực hiện theo quy trình của pháp luật và thường bằng phương pháp thặng dư. Thông thường sẽ xác định giá đất tại thời điểm thu hồi đất và bố trí tái định cư, trong đó yếu tố thị trường đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, đây chính là bất cập trong quá trình thực hiện vì khi tiến hành khảo sát và lên phương án xong thì giá thị trường đã có sự thay đổi. Hoặc việc khảo sát giá thông qua các giao dịch thì các giao dịch hóa đơn chứng từ thường thấp hơn giá thị trường nên bất cập. Chính vì vậy, việc khảo sát, đánh giá làm sao để giá đất sát với giá thị trường và được chấp nhận cũng gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là việc xác định giá đất phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, các địa phương phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất, tiếp đó Sở TN&MT sẽ là cơ quan tiếp nhận trình lên Hội đồng giá đất của tỉnh và tiếp đó sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, các địa phương phải xác định các khu tái định cư có mức giá khác nhau, diện tích khác nhau để đảm bảo nhu cầu, phù hợp với khả năng kinh tế của người dân. Hiện TP Hạ Long đang làm rất tốt đối với nội dung này.
Đối với câu hỏi của đại biểu Vi Ngọc Bích, diện tích đất còn lại sau khi đền bù mà không đủ để người dân sử dụng vào mục đích khác thì phải đền bù thu hồi và đền bù đảm bảo cho người dân và bàn giao cho chính quyền. Về khắc phục hoàn trả công trình mà chủ đầu tư sử dụng công trình giao thông dân sinh để thực hiện dự án thì việc trách nhiệm là của chủ đầu tư, sau khi xây dựng xong phải hoàn trả đường cho người dân sử dụng.
14h10: Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu TX Quảng Yên: Bất cập việc xác định giá đất và công tác lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có gặp khó khăn gì?
|
14h12: Đại biểu Vi Ngọc Bích, Tổ đại biểu Tiên Yên: Việc chủ đầu tư trong quá trình thi công dự án có sử dụng hạ tầng giao thông dân sinh. Sau khi kết thúc dự án, đường giao thông xuống cấp thì trách nhiệm khắc phục của ai? Chế tài xử lý như thế nào?
|
13h45: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy:Trong thời gian vừa qua, tỉnh đang đồng loạt triển khai rất nhiều dự án trọng điểm, những dự án này tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo niềm tin cho nhân dân và du khách muôn phương khi đến với tỉnh. Đến nay, diện mạo của tỉnh từ nông thôn đến miền núi, hải đảo đều có sự thay đổi vượt bậc. Không ít người dân, du khách ngỡ ngàng khi quay trở lại tỉnh. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi, đền bù GPMB với hơn 1.000 dự án, tổng diện tích bị ảnh hưởng là trên 6.200ha. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề với chính quyền các cấp và của tỉnh trong việc tạo mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu thi công và đảm bảo nguồn vốn. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã gửi lời cảm ơn đến nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có đóng góp rất lớn vào công cuộc GPMB, nhiều gia đình hi sinh về vật chất, đất đai để tạo điều kiện cho tỉnh. Đặc biệt trong đó có dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái phải thực hiện GPMB với khối lượng gần 200ha, ảnh hưởng đến trên 1.000 hộ dân, trải dài qua 5 địa phương. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau cuộc phát động “Chiến dịch 30 ngày đêm”, chỉ sau 15 ngày, toàn bộ trên 1.000 hộ dân đã tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng cho thi công dự án. Đây được cho là một kỳ tích trong cả nước, được Trung ương đánh giá cao và là kinh nghiệm học tập cho các địa phương khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện GPMB vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như một số dự án GPMB chậm, một số dự án phát sinh đơn thư kéo dài chưa giải quyết triệt để. Nguyên nhân là kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 đến nay, cơ chế bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp còn nhiều bất cập, giá trị bồi thường, hỗ trợ được xác định theo Luật Đất đai còn chưa thực sự hợp lý, dẫn đến tình trạng khiếu kiện, so bì giữa các đối tượng. Việc xác định nguồn gốc đất đai rất khó khăn phức tạp do thiếu thông tin, dữ liệu; việc chấp hành các quy định của Luật về trình tự thủ tục và thời gian các bước thu hồi đất còn kéo dài. Một số địa phương có số lượng GPMB lớn như Hạ Long, Móng Cái, Quảng Yên, Cẩm Phả… nhưng quỹ đất dành cho tái định cư rất khó khăn. Điển hình như TP Hạ Long, có năm phải GPMB lên tới gần 10.000 hộ dân nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, khối lượng công việc liên quan đến GPMB lớn, đội ngũ cán bộ địa phương mỏng nên dẫn đến có sơ suất, một số vướng mắc kiến nghị của người dân chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Từ thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm trong công tác GPMB, trong thời gian tới, công tác GPMB sẽ được tỉnh tập trung thực hiện làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó sẽ tiếp tục phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở trong công tác GPMB; quan tâm, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho dân để tạo được niềm tin cho người dân, đây là yếu tố quan trọng nhất; bố trí đầy đủ quỹ đất tái định cư; củng cố đội ngũ cán bộ từ cấp xã phường đến huyện để thực thi nhiệm vụ một cách công tâm. |
13h40: Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả: Một số địa phương có nhiều dự án lớn được triển khai trong thời gian qua như Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả... đã cơ bản thực hiện tốt công tác GPMB để đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ, tuy nhiên vẫn còn một số dự án kéo dài chưa được giải quyết do vướng mắc về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục trong thực hiện chính sách GPMB chưa được tháo gỡ, việc quan tâm giải quyết các kiến nghị liên quan đến quyền lợi của người dân chưa được giải quyết triệt để (như bồi thường, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp để ổn định cuộc sống…). Đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết các giải pháp và các cam kết sẽ thực hiện để giải quyết triệt để các vướng mắc trên, đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi trong thực hiện GPMB tại địa phương.
|
Nhóm Phóng viên
Liên kết website
Ý kiến ()